Apple đối mặt thách thức kép ở Trung Quốc
Trung Quốc là thị trường nước ngoài lớn nhất, chiếm 19% tổng doanh thu của Apple. Hầu hết sản phẩm của hãng đều được lắp ráp tại quốc gia này.
Huawei , “gã khổng lồ” viễn thông đang phải đối mặt với các hạn chế thương mại cứng rắn của Mỹ, mới đây đã âm thầm cho ra mắt chiếc điện thoại thông minh có khả năng kết nối dữ liệu cực nhanh mang tên Mate 60 Pro.
Hôm 6/9, tờ Wall Street Journal đưa tin, Trung Quốc đã yêu cầu nhân viên của các doanh nghiệp nhà nước và tổ chức chính phủ sử dụng iPhone tại nơi làm việc.
2 sự việc này tưởng chừng như không liên quan đến nhau, nhưng chúng đều có khả năng làm giảm đáng kể doanh số của Apple , đồng thời nhấn mạnh những rủi ro mà các công ty toàn cầu phải đối mặt khi căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc lan sang các ngành công nghiệp.
Apple đặc biệt dễ bị tổn thương vì hầu hết sản phẩm của hãng đều được lắp ráp tại Trung Quốc. Quốc gia châu Á cũng là thị trường lớn thứ hai của Apple, sau Mỹ, với 19% tổng doanh thu. Nhiều năm qua, CEO Tim Cook đã cố gắng duy trì sự ổn định của công ty giữa lúc Mỹ và Bắc Kinh bất đồng về thương mại và công nghệ.
Nhà sản xuất iPhone đã thống trị thị trường điện thoại cao cấp của Trung Quốc trong những năm gần đây, sau khi các lệnh trừng phạt cứng rắn của Mỹ hạn chế nguồn cung cấp chip, khiến Huawei phải từ bỏ kế hoạch sản xuất điện thoại 5G.
Giờ đây, Huawei đang tìm cách chống trả bằng cách phát hành một mẫu điện thoại mới ở Trung Quốc với tốc độ và khả năng tương tự 5G.
Mặc dù Huawei không gọi thiết bị mới của mình là điện thoại 5G, nhưng các thử nghiệm của người tiêu dùng Trung Quốc và các cơ quan trong nước cho thấy thiết bị này có thể đạt tốc độ tải xuống tối đa từ 500 đến 800 megabit/giây. Tốc độ như vậy sẽ cho phép người tiêu dùng tải xuống một bộ phim có độ phân giải cao trong vòng 1 phút và vượt xa giới hạn tốc độ khoảng 300 megabit/giây đối với mạng 4G.
TechInsights, một nền tảng thông tin bán dẫn của Canada, đã công bố một báo cáo cho thấy chip lõi bên trong Huawei Mate 60 Pro được sản xuất bởi nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất Trung Quốc, Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC). Họ cho biết, Trung Quốc đã đạt được những đột phá về kỹ thuật mà không cần sử dụng các công cụ sản xuất chip tiên tiến nhất bị Mỹ hạn chế.
Lô điện thoại Mate 60 Pro đầu tiên với giá 960 USD (hơn 23 triệu đồng)/chiếc đã bán hết trong vòng vài giờ, gây chú ý trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều khách hàng khác đã đặt hàng để giao hàng sau.
Sự nhiệt tình ban đầu cho thấy Huawei có thể giành lại những người mua đã mất vào tay Apple ở Trung Quốc.
“Lệnh cấm của chính phủ Trung Quốc và điện thoại Huawei mới sẽ là những sự kiện quan trọng đối với iPhone. Cả hai sự kết hợp này sẽ thúc đẩy nhiều người dùng Android nâng cấp lên Huawei hoặc người dùng iPhone quay lại Huawei”, ông Martin Yang, nhà phân tích tại công ty đầu tư Oppenheimer cho biết.
Theo ông Yang, doanh số của iPhone có thể giảm đi 10 triệu chiếc vì mẫu điện thoại mới của Huawei. Theo Counterpoint Research, Apple đã xuất xưởng 224,7 triệu chiếc iPhone vào năm 2022, do đó con số 10 triệu tương đương khoảng 4,5% tổng sản phẩm iPhone của Apple.
Theo công ty nghiên cứu IDC, nhà sản xuất iPhone chiếm 65% thị phần điện thoại thông minh có giá trên 600 USD tại Trung Quốc trong quý II/2023, trong khi Huawei chiếm 18%. Trong nửa đầu năm 2020 (trước khi Mỹ áp dụng các biện pháp hạn chế toàn diện đối với Huawei), thị phần cao cấp của Huawei đã gần bằng Apple .
Nguyễn Tuyết (Theo Bloomberg, WSJ)