App y tế dự phòng của hai bạn trẻ
"Trong xã hội mình, đâu đó vẫn còn tâm lý phải quen ai, phải có quan hệ nào đó mới được chữa bệnh ở bệnh viện này, với bác sĩ nọ. Chúng tôi muốn thay đổi điều đó, để mọi người đều được bình đẳng trong cơ hội chăm sóc sức khỏe".
Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Minh Thảo, đồng sáng lập Med247, một start-up công nghệ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe online và offline có trụ sở tại Hà Nội.
Thành lập từ tháng 3-2019, cuối tháng 3 vừa qua, Med247 gọi vốn thành công 4,5 triệu USD vòng series A từ các đối tác đầu tư Altara Ventures, Pavilion Capital, MiRXES, East Ventures và Venturra Ventures. Đây thực sự là cú hích quan trọng giúp start-up này tiếp tục mở rộng thêm mạng lưới phòng khám, nâng cấp nền tảng công nghệ và xây dựng một học viện đào tạo kỹ năng mềm cho đội ngũ nhân viên y tế theo tầm nhìn lâu dài của họ.
Từ kinh nghiệm làm việc ở các tổ chức y tế quốc tế, tôi nhận thấy việc nghiên cứu ứng dụng các công nghệ trong chăm sóc sức khỏe ban đầu chưa được chú trọng một cách toàn diện ở Việt Nam. Vì vậy app giúp trải nghiệm của người bệnh và bác sĩ được thuận tiện hơn.
Tiến sĩ - bác sĩ NGUYỄN QUANG TRUNG (giám đốc Tổ chức Hợp tác vì sự phát triển y tế Việt Nam (HAIVN), người phụ trách chuyên môn tại Med247)
Trao quyền cho người bệnh
Hai nhà đồng sáng lập của Med247, Trương Vũ Tuấn (Tuấn Trương) và Nguyễn Minh Thảo (Thảo Nguyễn) là đôi bạn thân từ hồi học phổ thông. Sau gần chục năm học tập và làm việc tại Mỹ và Anh, họ trở về Việt Nam và gặp nhau trong ý tưởng xây dựng một nền tảng công nghệ giúp thúc đẩy y tế dự phòng thuận lợi và hiệu quả hơn.
Là kỹ sư công nghệ thông tin, sau khi trở về nước làm việc từ năm 2010, năm 2018 anh Tuấn Trương từng viết phần mềm quản lý cho một phòng khám, trải nghiệm này giúp anh có những hiểu biết sâu hơn về các quy trình khám chữa bệnh tại Việt Nam.
"Tôi nhận thấy nguyên nhân gây ra những bất cập dẫn tới chất lượng dịch vụ y tế chưa tốt không phải nằm ở công nghệ, mà chính là ở cách tiếp cận người bệnh tại các cơ sở y tế", anh chia sẻ với Tuổi Trẻ .
"Nói cách khác, công nghệ không phải vấn đề lớn, chính quy trình khám chữa bệnh với những yếu tố "con người" cần cải thiện trong đó mới là mấu chốt để nâng chất dịch vụ y tế", anh nói thêm, nhấn mạnh vào tầm quan trọng của yếu tố niềm tin trong mối quan hệ và trao đổi giữa bác sĩ với người bệnh.
Đồng quan điểm với anh Tuấn, chị Thảo Nguyễn tin rằng trong khi điều trị một người bệnh, bác sĩ đồng thời phải chữa trị cả thân bệnh và tâm bệnh, chứ không phải chỉ là căn bệnh thể chất.
Trong nhiều năm, chị Thảo đã trăn trở về vấn đề từng được đề cập nhiều: vì sao Việt Nam có rất nhiều bác sĩ giỏi, cơ sở y tế và hạ tầng thiết bị không kém các nước, nhưng người Việt vẫn ra nước ngoài điều trị rất nhiều. Đi tìm lời giải, chị nhận ra sự khác biệt nằm ở cách tiếp cận người bệnh.
Việc thiếu kiên nhẫn, đồng cảm và lắng nghe của bác sĩ với bệnh nhân khiến các dịch vụ y tế trong nước trở nên kém hấp dẫn hơn so với nhiều nước. Chị cũng nhận ra nguyên nhân sâu xa cho vấn đề đó chính là mâu thuẫn qua lại muôn thuở kiểu "con gà - quả trứng" giữa tâm lý chỉ muốn tới các bệnh viện tốp đầu, các bác sĩ nổi tiếng và sự quá tải thường xuyên trong dịch vụ khám chữa bệnh ở những nơi đó.
Đồng cảm với nhau về quan điểm tiếp cận vấn đề, đôi bạn sinh năm 1985 quyết định cụ thể hóa một giải pháp bất chấp việc cả hai đều là "dân ngoại đạo" về y tế. Med247 ra đời tháng 3-2019 như một mô hình chăm sóc sức khỏe "lai" giữa hệ thống phòng khám offline và sự hỗ trợ của nền tảng công nghệ online là website và app Med247.
Muốn là bạn của mọi gia đình
Xác định rõ mục tiêu nhắm tới là mảng y tế dự phòng, cụ thể hơn là các chức năng hoạt động như một bác sĩ gia đình, Med247 chủ trương không "làm thay" nhiệm vụ của các y bác sĩ, mà chỉ nỗ lực để "giúp việc" cho họ nhiều nhất, giúp họ có đầy đủ dữ liệu, thông tin về người bệnh để chỉ tập trung vào việc thăm khám, chẩn đoán và điều trị.
Về phía người bệnh, start-up chủ trương mang lại sự thoải mái, thuận tiện, tiết kiệm và hiệu quả nhất cho họ. Người bệnh có thể kết nối với các bác sĩ 24/7, đặt hẹn online và được khám chữa bệnh tại những phòng khám gần nơi ở nhất với chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn thống nhất của Med247.
"Từ các dịch vụ y tế ở các nước phát triển đã trải nghiệm, tôi thấy rõ bác sĩ gia đình sẽ là "điểm chạm" đầu tiên mỗi khi thành viên nào đó trong gia đình gặp vấn đề sức khỏe", chị Thảo giải thích.
"Người bác sĩ đó giống như một điều phối viên, vì hiểu rõ các đặc trưng sức khỏe của một gia đình, họ sẽ có những chẩn đoán và lời khuyên chính xác, phù hợp nhất. Tuy nhiên chi phí cho một bác sĩ gia đình như vậy rất lớn, phần đông người Việt hiện chưa thể chi trả. Nhưng chi phí đó sẽ giảm đi đáng kể nếu chúng ta có một bác sĩ gia đình cho tất cả nhưng vẫn có thể cá nhân hóa như một bác sĩ gia đình thật nhờ sự hỗ trợ của công nghệ", chị tiếp.
Để có thể "cá nhân hóa" dịch vụ khám chữa bệnh hiệu quả, Med247 tập trung phát triển các thuật toán trí tuệ nhân tạo và máy học trong xử lý dữ liệu người bệnh.
Đây chính là lý do để họ không đặt mục tiêu tối ưu hóa lợi nhuận khi xây dựng hệ thống ở giai đoạn này dù là một công ty tư nhân như chia sẻ của Tuấn Trương: "Dữ liệu tin cậy quý như vàng và chúng tôi đang rất nỗ lực để xây dựng một quy trình chuẩn trong thu thập, lưu trữ, quản lý và bảo vệ dữ liệu của người bệnh để những điều đó trở thành nguồn thông tin phục vụ họ tốt nhất tại Med247".
Xây dựng Học viện Med247
18 tháng qua, Med247 phục vụ khoảng 50.000 khách hàng. Tỉ lệ trung bình một khách hàng quay trở lại hệ sinh thái dịch vụ của Med247 trong 3 tháng là 2,47 lần.
Chia sẻ về kế hoạch sử dụng khoản vốn 4,5 triệu USD vừa gọi thành công, chị Thảo cho biết Med247 sẽ dành khoảng 15 - 20% theo từng giai đoạn để xây dựng Med247 Academy - học viện chuyên đào tạo kỹ năng mềm cho đội ngũ nhân viên y tế. Ngoài ra, 30 - 40% sẽ dành cho công tác nghiên cứu, phát triển nền tảng công nghệ và phần còn lại sẽ dùng để mở rộng hệ thống phòng khám của Med247 không chỉ ở các thành phố lớn mà còn tại các tỉnh thành khác trên cả nước.
Med247 đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Hãng công nghệ sinh học MiRXES của Singapore để thành lập hệ thống phòng thí nghiệm phân tử tại Việt Nam. Họ sẽ sử dụng công nghệ phát hiện microRNA do MiRXES phát triển trong các xét nghiệm không xâm lấn tầm soát ung thư sớm cho kết quả chính xác, chi phí hợp lý hơn so với các xét nghiệm tương tự đã có.
Quyết định khởi nghiệp từ năm 30 tuổi, sau 3 năm chị Lê Thị Cẩm Trinh (Đà Nẵng) đã cùng chồng và các cộng sự phát triển ứng dụng đọc sách dành cho trẻ em Việt Nam với kho sách hơn 1.000 cuốn.