Áp lực vì họ hàng đồn thổi lương cao: Có tiếng chẳng có miếng
Không ít người trẻ chọn lập nghiệp ở thành phố. Nhiều người thu nhập còn bấp bênh lại gặp không ít áp lực vì họ hàng ở quê ai cũng đồn lương cao ngất ngưởng. Đâu phải cứ làm việc ở thành phố lớn là dễ dàng.
Ngày nay, không ít người quyết định xa nhà để lập nghiệp tại các thành phố lớn. Thế nhưng, cuộc sống ở đâu cũng chẳng dễ dàng, không phải cứ làm ở thành phố là sẽ nhận được mức lương cao ngất ngưởng. Nhiều khi thu nhập đủ trang trải cho những chi phí đắt đỏ tại thành thị đã là điều đáng mừng.
Thế nhưng khổ nỗi, bà con, họ hàng ở quê chỉ nhìn vào cái mác làm việc ở thành phố mà cho rằng: "Lương chắc cao lắm, chắc phải mấy chục triệu một tháng, nghe nói nó làm công ty gì to lắm ở trên thành phố cơ mà". 1 đồn 10, 10 đồn 100, lương thì bấp bênh mà ai cũng nghĩ thu nhập khủng. Nhiều người áp lực, sợ chẳng dám về quê, vì cứ về tới là bị "tra khảo" chuyện lương, chừng nào mua nhà, sắm xe. Những câu chuyện "dở khóc dở cười" ấy liên tục được cập nhật tại YAN TV .
"Làm ở thành phố lương chắc phải mấy chục triệu"
Minh Đạt (29 tuổi), quê gốc ở Hải Dương, hiện tại đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Ra trường và đi làm đã được 7 năm, Đạt làm nhân viên cho một công ty với mức lương từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Trừ hết các khoản chi phí thuê nhà và sinh hoạt hàng tháng, anh chàng cũng chẳng tiết kiệm được bao nhiêu. Mức lương cũng là cố định, 6 tháng đến 1 năm công ty mới có đợt xét duyệt để tăng lương cho nhân viên. Chia sẻ tại hội nhóm Cột Sống Gen Z , Minh Đạt cho biết nhiều lúc cũng cảm thấy áp lực và mệt mỏi, chi li từng tí một cũng không khiến anh có thay đổi về kinh tế, thu nhập sau bao nhiêu năm cũng gần như "dậm chân tại chỗ".
Thế nhưng, áp lực lớn nhất với Minh Đạt là những lời đồn thổi tới từ bà con, họ hàng ở quê. Hầu hết mọi người ở nhà đều cho rằng, Đạt làm việc ở thành phố lớn nhiều năm chắc chắn thu nhập không hề nhỏ. Có đợt về quê, bác hàng xóm nói với Đạt rằng: "Đạt ở thành phố cũng 10 năm rồi còn gì, lương chắc phải mấy chục triệu". Mặc cho Đạt phân trần lương chỉ đủ chi tiêu bác cũng nhất định không tin: "Khi mình nói rằng lương chỉ đủ sống, mọi người ở quê cho rằng mình đùa. Áp lực và khó xử vì mọi người đặt quá nhiều kỳ vọng ở mình."
Câu chuyện của Minh Đạt thực tế cũng không hiếm gặp. Có thể nói, sống ở thành phố cũng là một áp lực đối với những người xa quê. Vì nhiều người cho rằng, ở thành phố có nhiều cơ hội rộng mở, mức sống cao hơn các vùng nông thôn, từ đó thu nhập của những người làm việc ở đó cũng hề nhỏ.
Vợ chồng Thùy Linh đều là người gốc Nghệ An, hiện tại đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM cũng gặp phải những tình huống khó xử mỗi khi về quê. Gia đình khó khăn, xuất phát điểm từ vùng quê còn nhiều thiếu thốn, cả 2 quyết định đến thành phố lớn lập nghiệp. Hơn 10 năm bươn chải, làm đủ thứ nghề, cả hai vẫn chưa tiết kiệm được bao nhiêu. "Hai vợ chồng cố gắng làm nhưng lương cùng các chi phí sinh hoạt không đủ để tiết kiệm. Nào là tiền thuê nhà, tiền học cho 2 con, tiền ăn, đủ các chi phí vụn vặt. Tháng nào hết tháng đó". Thùy Linh chia sẻ cùng chúng tôi.
Thế nhưng, mỗi lần về thăm quê, hàng xóm tới chơi ai cũng bảo rằng: "Nhất vợ chồng nhà này, làm việc ở thành phố tiền để đâu cho hết". Những lúc như thế, giải thích cũng không ai tin, vợ chồng Linh chỉ biết nhìn nhau thở dài.
Áp lực vì "có tiếng chẳng có miếng"
Làm việc ở thành phố đúng là nghe "sang chảnh" thật đấy. Vì ở ngôi làng nhỏ, có mấy ai đủ khả năng để sống và bám trụ ở thành phố như thế. Nhưng đúng "có tiếng chẳng có miếng". Nhiều người ở thành phố ăn mì gói nhưng mỗi lần về quê cũng cố gắng quần là áo lượt, ngoại hình chỉn chu vì sợ hàng xóm đánh giá. Lương chẳng đủ tiêu nhưng về quê cũng gắng mua đủ quà bánh để còn biếu bà con, họ hàng.
Trông từ bên ngoài, thành phố có vẻ trật tự, giàu có. Thế nhưng, để tồn tại ở các thành phố lớn, không ít người phải cật lực làm việc, thậm chí quên cả nghỉ ngơi.
Biến áp lực thành động lực
Cuộc sống ở đâu cũng có những áp lực riêng. Ở thành phố hay nông thôn, chúng ta cũng cần phải cố gắng, nỗ lực làm việc. Thay vì buồn phiền, căng thẳng, nhiều người chọn cách biến áp lực thành động lực để hoàn thiện bản thân, nâng cao mức thu nhập. Không nên đặt nặng vấn đề người khác nghĩ gì về công việc của bạn. Vì cuối cùng, chính ta mới là người quyết định cuộc đời mình. Nếu bản thân cố gắng, thu nhập cũng có thể tăng lên theo thời gian.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người ngưỡng mộ những ai có cơ hội được học tập và làm việc tại thành phố lớn. Đặt chân đến phố thị, sống ở nơi phồn hoa ngập ánh đèn cũng là giấc mơ của nhiều người. Bố mẹ tự hào dù cho bạn có kiếm được bao nhiêu, chỉ cần đó là lao động chân chính. Những đứa trẻ ở quê không ngừng ngưỡng mộ khi anh chị của chúng làm việc ở thành phố. Vì vậy, nếu bạn có cơ hội việc làm ở đó, chứng tỏ rằng bạn có năng lực, hãy cống hiến hết mình để phát huy thế mạnh của bản thân. Thành công sẽ đến khi chúng ta không ngừng cố gắng.
Quan điểm của bạn như thế nào về chủ đề này. Bạn đã từng gặp tình huống khó xử như trên hay chưa? Hãy chia sẻ ở phần bình luận ngay bên dưới cùng YAN nhé.
Vấn đề thu nhập vẫn luôn là áp lực với nhiều cá nhân. Đặc biệt, với những người xa quê, trên vai họ còn gánh thêm áp lực của sự kỳ vọng. Gia đình, họ hàng, thậm chí hàng xóm cũng đều mong họ có được mức thu nhập cao.
Tuy nhiên, nếu mức lương của bạn chưa đúng như kỳ vọng cũng đừng từ bỏ mà hãy tiếp tục cố gắng, nỗ lực phát triển bản thân nhiều hơn nữa. Cơ hội có thể đến với chúng ta bất cứ lúc nào.
Cùng theo dõi thêm nhiều bài viết tại đây.