Áp lực từ lời khen "giỏi việc nước đảm việc nhà" với phụ nữ

Chia sẻ Facebook
20/10/2022 03:17:19

Những lời khen là giỏi việc nước, đảm việc nhà, bông hồng thép… tạo động lực cho phụ nữ nhưng cũng là áp lực không nhỏ.


Hình ảnh một ngày bình thường của một người phụ nữ nếu không có giúp việc là bận rộn từ sáng tới tối muộn - từ dậy sớm đi chợ, đưa con đi học rồi quay về nhà nấu nướng nội trợ, dạy con học... Còn nếu ai có điều kiện hơn một chút thì gánh nặng có thể giảm đi, nhưng họ cũng có nhiều việc không tên khác như đối nội, đối ngoại, cơ quan… Không thể phủ nhận phụ nữ Việt Nam hiện đã có nhiều cơ hội phát triển hơn rất nhiều so với trước đây. Phụ nữ thành công ở các lĩnh vực mà trước đây tưởng chỉ dành cho phái mạnh. Văn hóa ứng xử và quan niệm xã hội với phụ nữ đã có nhiều thay đổi, cởi mở hơn. Phụ nữ Việt thường được khen ngợi là giỏi việc nước, đảm việc nhà, bông hồng thép… Những lời khen tạo động lực lớn nhưng áp lực cũng không nhỏ.

Với những nữ doanh nhân thành đạt, một câu hỏi thường nhận được là làm sao để cân bằng giữa công việc và gia đình. Nhưng ít người hỏi những câu tương tự với người đàn ông thành đạt. Bởi người ta mặc định đằng sau người đàn ông thành đạt là một người phụ nữ hy sinh. Còn với phụ nữ, nếu có sự nghiệp riêng thành đạt thì vẫn luôn được gia đình kỳ vọng sẽ chu tất việc nhà. Nếu không họ chỉ được coi là thành công một nửa. Thế nên, người phụ nữ ngày nay phải nỗ lực gấp đôi để giỏi việc nước, đảm việc nhà, chưa kể rất nhiều áp lực khác như xinh đẹp, hiểu biết… để người chồng được "giàu vì bạn, sang vì vợ". Người phụ nữ trong nhà là siêu đầu bếp nhưng ra đường vẫn phải như nữ hoàng.

"Được khen là rất quan trọng, cảm thấy ấm áp, được mọi người ghi nhận và đánh giá những điểm mạnh của mình nhưng trong mức độ nào đó có thể tạo áp lực cho phụ nữ, tạo ra khuôn mẫu rằng đã là phụ nữ thì phải đảm đang, khéo léo, tháo vát, hy sinh, nhường nhịn. Mong đợi của xã hội hiện nay với người phụ nữ là phải biết nấu ăn, biết làm nhiều thứ, điều gì cũng phải khéo léo, biết ăn mặc hợp thời trang, biết nói lời hay ý đẹp, trong công việc thì giỏi giang, tháo vát. Áp lực chồng áp lực khiến người phụ nữ phải cố gắng rất nhiều. Những người không đạt được điều đó thì cảm thấy mình là người thất bại, nó có thể để lại tâm lý tiêu cực", bà Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội - nói.

Những lời khen vô tư nhưng vẫn có thể trở thành sợi dây vô hình trói buộc. Khen giỏi việc nước đảm việc nhà, người phụ nữ lại có động lực hơn. Thế nhưng, những lời khen "có cánh" sẽ ý nghĩa hơn nếu đi kèm với hành động cử chỉ yêu thương, sự chia sẻ.

"Nhiều người bảo tôi nịnh vợ" – nghệ sĩ Minh Tiệp cho biết – "Cá nhân tôi cho rằng khi nói với phụ nữ, không riêng gì với vợ tôi, chúng ta hãy nên nói bằng trái tim của mình. Ví dụ như hôm nay tôi khen vợ nấu cơm ngon thì sau đó tôi sẽ tự vào bếp rửa bát và tôi thấy rất vui. Điều quan trọng là mình làm xuất phát từ mong muốn bên trong, mình cảm thấy vui. Hôm nào đó mình thấy vợ vất vả thì tôi sẽ đảm nhận đi chợ".

"Nhiều người thắc mắc vợ tôi đã ngoài 30 nhưng thi thoảng vẫn đi diễn thời trang. Điều quan trọng nhất ở đây là bạn cảm thấy vui và được làm điều bạn thích. Tôi luôn ủng hộ điều đó, thậm chí còn động viên vợ đi thoải mái. Khi nào vợ đi diễn về muộn thì báo để tôi nấu ăn".

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, không có mẫu số chung cho mọi gia đình. Phụ nữ ngày nay, người có thể lui về hậu phương, người khác có thể vươn ra xã hội phát triển bản thân. Nhưng dù thế nào họ vẫn cần được tôn vinh và chia sẻ.

Đường ngược núi bao giờ cũng chông gai, nhiều lực cản, vì vậy phụ nữ vùng cao chỉ có thể thành công khi nỗ lực và có sự chia sẻ, hỗ trợ của người thân, cộng đồng.

Chia sẻ Facebook