Áp lực thành đạt đè nặng giới trẻ Anh
Áp lực phải đạt được những cột mốc quan trọng trong cuộc sống mà xã hội đề ra như lập gia đình, sinh con và mua nhà ngày một nặng nề khiến nhiều người trẻ Anh gặp khó khăn.
Theo khảo sát của tổ chức từ thiện Relate, khoảng 77% thuộc gen Y (25 đến 39 tuổi) và 83% thuộc thế hệ Z (16 đến 24 tuổi) gặp áp lực phải đạt được các mốc quan trọng trong cuộc sống. Trong khi, con số này chỉ ở mức 66% với những người trên 75 tuổi và 70% những người từ 55 đến 74 tuổi có áp lực như vậy khi còn trẻ.
Relate, công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ quan hệ ở Anh, cho biết “áp lực thành công” này là chủ đề ngày càng được đưa ra thảo luận nhiều hơn trong các buổi trị liệu.
Theo khảo sát với 2.022 người tham gia ở Vương quốc Anh thực hiện bởi Censuswide từ ngày 9 đến 11/8 cho thấy áp lực sinh con có xu hướng tăng đối với gen Y với 35%. So sánh với mức 17% những người thuộc thế hệ Baby boomer (sinh ra từ năm 1946 đến 1964) và 13% người có độ tuổi trên 75 cảm thấy như vậy khi còn trẻ
Đối với vấn đề kết hôn, gen Z cho thấy “cột mốc” này không quan trọng đến vậy (chỉ chiếm 27%). Con số này ở gen Y là 38%, thế hệ Baby boomer là 41,9% và 7,5% với những người ngoài 75 tuổi.
Khoảng 14,9% gen Y cho biết họ cảm thấy áp lực với vấn đề mua nhà cùng với vợ/chồng. Trong khi đó, chỉ 8,6% thế hệ Baby boomer và 7,5% ở những người trên 75 tuổi cảm thấy có áp lực tương tự.
Có 1/8 số người tham gia khảo sát chia sẻ rằng họ cảm thấy thiếu tự tin vào bản thân, từ đó không thể đạt được các cột mốc quan trọng trong cuộc sống. Một tỉ lệ tương tự cho thấy các vấn đề sức khỏe tâm thần như rối loạn lo âu và trầm cảm cũng là nguyên do khiến thế hệ trẻ ngày nay gặp áp lực khi nghĩ tới các cột mốc.
Tài chính cũng được nhận định là một trong những nguyên nhân gây nên gánh nặng trên. Theo nghiên cứu, 39% cho rằng điều này đến từ bản thân họ, 22% cho rằng đó là do các quy chuẩn xã hội nói chung và 21% là đến từ phụ huynh. Về phía Gen Z, áp lực này đến từ truyền thông, các mạng xã hội (23%).
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nam giới, đồng tính nữ, đồng tính nam, người song tính là những đối tượng dễ cảm thấy gánh nặng hơn. Có 69% nam giới cảm thấy nặng nề với các cột mốc trên, trong khi con số này chỉ ở mức 60% ở nữ giới. Tương tự, mức này lên tới 70% với các đối tượng là song tính và 73% với đồng tính nam và đồng tính nữ.
Những người trẻ hơn lại có xu hướng cho rằng có những cột mốc thay thế khác cần được công nhận. Ví dụ như: kết thúc một mối quan hệ độc hại (23,44%), quyết định không sinh con (16,82%), come out (tiết lộ) rằng mình là người thuộc cộng đồng LGBTQ+ (17,75%) hay hoàn trả hết nợ học phí (12,76%).
Cố vấn của Relate, bà Natasha Silverman cho biết nhiều khách hàng ở độ tuổi 20-30 cảm thấy “áp lực cực đại” với việc phải đạt được những cột mốc nhất định trong đời.
“Khoảng đầu 30 tuổi là thời gian thực sự khủng hoảng với nhiều người. Nếu vẫn chưa hoàn thành được những thứ 'đáng nhẽ phải có', họ sẽ phải chịu những lời đàm tiếu, sự phán xét có phần bất công”, bà nói
"Mỗi người sự ưu tiên khác nhau vào từng thời điểm, thậm chí là khác biệt cả một hành trình. Điều này hoàn toàn ổn và đáng được đề cao. Quan trọng là việc tạo nên cuộc sống đích thực cho bản thân".
Aidan Jones, giám đốc điều hành Relate, cho biết: "Gen Z được biết đến là thế hệ với niềm đam mê và khả năng hành động nhằm thúc đẩy sự thay đổi. Điều này hoàn toàn hợp lý khi áp dụng với các mối quan hệ.
"Họ muốn các cột mốc khác biệt đều được đánh giá cao, ví dụ như việc rời bỏ một mối quan hệ độc hại và Relate sẵn sàng hỗ trợ trong việc cân nhắc, xem xét chúng".
Một số giải pháp nhằm giải quyết “Chứng rối loạn lo âu thành tựu” sẽ được đưa ra trong bài viết tới.
Theo Bloomberg, Relate