Áp lực nợ công, nước Anh tìm giải pháp mới hỗ trợ người dân
Sau hai năm đã chi mạnh tay để giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua đại dịch, chính phủ Anh đang muốn phục hồi lại trật tự của tài chính công.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đang thúc giục các bộ trưởng đưa ra chiến lược mới nhằm hỗ trợ những người dân nước này hiện gặp khó khăn về chi phí sinh họat.
Văn phòng Thủ tướng Anh mới đây cho biết qua một email rằng ông Boris Johnson sẽ yêu cầu các cơ quan chính phủ tìm kiếm "những giải pháp mang tính đổi mới" tại cuộc họp nội các tuần này. Đây là một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm giảm bớt áp lực lên tài chính hộ gia đình mà điều quan trọng là không chỉ dựa vào nguồn tài trợ công mới.
Thủ tướng Johnson bày tỏ muốn đặt lợi ích của người dân Anh lên hàng đầu, trước đó ông đã phải đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều về những biện pháp phong tỏa khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Các chính trị gia phe đối lập và những nhóm người tiêu dùng cáo buộc Chính phủ ông Johnson và đặc biệt Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak đã không hành động đủ để giảm nhẹ sức ép của lạm phát đối với dân thường.
Người tiêu dùng đã chịu tác động lớn bởi giá điện và khí đốt tự nhiên tăng vọt thúc đẩy lạm phát Anh chạm mức cao nhất trong vòng 30 năm. Theo một cuộc khảo sát công bố bởi Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh hôm 25/4, khoảng 87% người dân cho biết chi phí sinh hoạt của họ đã tăng trong tháng 3 vừa qua. Khoảng 43% những người dân thanh toán hóa đơn năng lượng cảm thấy rất khó để trang trải những chi phí đó.
C hính phủ của ông Johnson đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc gia tăng hỗ trợ cho các hộ gia đình thu nhập thấp. Sau hai năm giới chức đã chi mạnh tay để giúp người lao động và doanh nghiệp vượt qua tác động từ các đợt phong tỏa Covid-19 liên tiếp, chính phủ đảng Bảo thủ (của Thủ tướng Johnson) hiện muốn phục hồi lại trật tự tài chính công.
Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết: “Nợ công ở mức cao do những gói hỗ trợ chưa từng có trong thời kỳ đại dịch, cùng với lạm phát và lãi suất gia tăng, cho thấy rằng chúng ta phải duy trì kiểm soát tài chính công thay vì tạo gánh nặng cho các thế hệ tương lai với mức nợ cao hơn”.
Chính phủ Anh đang lên kế hoạch thúc đẩy các chương trình hỗ trợ như dịch vụ chăm sóc trẻ em miễn thuế và tín dụng hưu trí. Thủ tướng Johnson tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm tất cả những gì có thể nhằm hỗ trợ người dân mà không để chi tiêu chính phủ và nợ nần trở nên chồng chất, đồng thời tiếp tục giúp người Anh tìm kiếm việc làm tốt và tăng thu nhập bất kể họ sống ở đâu”.
Vào ngày 1/4, Cơ quan quản lý năng lượng Anh đã nâng trần hóa đơn năng lượng hộ gia đình lên 54%. Nguyên nhân do giá năng lượng thế giới đã tăng đột biến trong bối cảnh xung đột quân sự Nga - Ukraine. Ông Boris Glass, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings, cho rằng tỷ lệ lạm phát của Anh có khả năng sẽ duy trì ở mức cao kỷ lục trong suốt năm 2022.
"Trần hóa đơn năng lượng hộ gia đình có thể tiếp tục được nâng lên vào cuối tháng này. Lạm phát cao sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập của các hộ gia đình Anh, đặc biệt là những gia đình thu nhập thấp, những người đã cạn tiền tiết kiệm do đại dịch kéo dài", chuyên gia kinh tế Boris Glass nhận định .
Phạm Hà Thanh (theo Bloomberg, CNBC)