Áp lực lạm phát đè nặng lên người dân và doanh nghiệp Italy
Tại Italy, sự leo thang của giá thực phẩm và năng lượng đã khiến tỷ lệ lạm phát tăng lên mức cao nhất kể từ khi nước này gia nhập Eurozone năm 1999.
Giá cả tăng phi mã, đang khiến nhiều người dân và doanh nghiệp tại đất nước hình chiếc ủng phải đối mặt với khó khăn trong hoạt động mua bán hàng ngày.
Tại chợ thực phẩm Testaccio ở thủ đô Rome, giá cả đang trở thành mối bận tâm lớn nhất của tất cả mọi người, từ người bán cho tới người mua. Anh Marco - một chủ cửa hàng rau quả cho biết, đang phải cố sức xoay xở để cân bằng giữa chi phí và giá bán hàng hóa.
"Chúng tôi gặp vấn đề với phân bón, giá cả tăng và khó kiếm. Nhựa dùng cho nông nghiệp và nhà kính cũng tăng lên. Các loại túi có thể phân hủy sinh học để bán hàng cũng tăng giá mạnh", anh Marco cho hay.
Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), tỷ lệ lạm phát tại Italy trong tháng 3 đã đạt mức cao kỷ lục, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Thực phẩm, điện, nhiên liệu và vận tải là những lĩnh vực khiến giá cả tăng mạnh.
Bà Simona Proietti - chủ cửa hàng bán cá nói: "Tôi từng trả 9 - 10 Euro cho 1kg cá hồi từ Scotland hay Na Uy, nhưng giờ giá đã lên gần 16 Euro. Nhà cung cấp cho biết, giá đắt là bởi nhu cầu đang tăng cao và các trang trại không thể đáp ứng đầy đủ. Bên cạnh đó, chiến tranh cũng làm tăng giá xăng dầu, khiến chi phí vận tải leo thang".
"Đừng nói về giá cá nữa. Bỏ chúng đi. Tôi đã phải trả 18 Euro cho chỉ 5 con tôm", bà Vincenza Morelli - một người tiêu dùng cho biết.
Mặc dù một số biện pháp hỗ trợ đã được chính phủ Italy triển khai để giúp giảm bớt cú sốc về giá, ngày càng nhiều người tiêu dùng Italy tỏ ra thận trọng hơn trong việc lựa chọn các thực phẩm đắt tiền.
"Trong tháng 3, doanh số bán cá tươi tại các siêu thị giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán pho mát và thịt cũng giảm, trong khi mức tiêu thụ mỳ ống, gạo và đồ hộp tăng. Điều này chứng tỏ khi giá cả tăng lên, người tiêu dùng đang tập trung vào các thực phẩm giá rẻ", ông Antonio Pinto - Đại diện tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Confconsumatori nhận định.
Các chuyên gia lo ngại, tình hình lạm phát tại Italy nói riêng và châu Âu nói chung có thể trở nên trầm trọng hơn khi các Chính phủ tăng chi tiêu công, còn các ngân hàng Trung ương chưa có sự chuẩn bị đầy đủ. Điều này sẽ buộc nhiều người tiêu dùng tiếp tục phải thắt chặt chi tiêu hơn nữa trong thời gian tới.