Áp lực lãi suất, tỉ giá hạn chế khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp

Chia sẻ Facebook
29/10/2022 09:50:08

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, khó khăn thách thức thời gian tới là rất lớn, nhiều yếu tố bất định nên không được chủ quan, lơ là.

Giải trình các vấn đề đại biểu nêu tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 28/10, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định năm 2022 là năm hết sức đặc biệt.

Bộ trưởng ghi nhận, tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội về một số tồn tại hạn chế như chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, chính sách tài khóa, điều hành giá, nhân lực nghỉ việc, công tác quy hoạch, hạ tầng giao thông nhiều vấn đề còn tồn tại hạn chế, chưa giải quyết dứt điểm.

Ông cũng đánh giá khó khăn thách thức thời gian tới là lớn, nhiều yếu tố bất định nên không được chủ quan, lơ là. "Đơn cử như vấn đề áp lực gia tăng về lãi suất, tỉ giá sẽ hạn chế khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp", ông nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Quochoi.vn).

Bộ trưởng nói rằng, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều giải pháp đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phát triển thị trường vốn hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đẩy nhanh công trình hạ tầng chiến lược. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp, nghiên cứu kịp thời các giải pháp như đại biểu đã nêu.

Về vấn đề giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng đánh giá đây là vấn đề quan trọng then chốt.  Bộ đã tổ chức nhiều hội nghị, tổ công tác để đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, năm 2022 có một số đặc thù như năm đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, mất nhiều thời gian thủ tục thực hiện dự án đầu tư mới, giá xăng dầu biến động…

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành rất nhiều nghị quyết, công điện, văn bản để đôn đốc, chỉ đạo, triển khai, tổ chức 3 hội trực tuyến, 6 tổ công tác. Kết quả tuy có thấp hơn khoảng 1 điểm phần trăm nhưng về giá trị tuyệt đối thì đã thực hiện cao hơn 40.000 tỷ đồng, tức là tăng 16%.

"Hiện nay, 76% vốn ngân sách Nhà nước là do địa phương quản lý, nên việc tổ chức đầu tư ở địa phương là quan trọng. Trong cùng điều kiện, có địa phương giải ngân cao, có địa phương giải ngân chậm" Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và rất mong các đại biểu Quốc hội đồng hành với việc giải ngân ở các địa phương.

Việc giải ngân vốn đầu tư công đang rất chậm khi sắp hết năm 2022 (Ảnh: Phạm Tùng).

Về đề xuất tách riêng khâu giải phóng mặt bằng dự án mà nhiều đại biểu đề nghị, ông Dũng đánh giá đây là vấn đề lớn, sẽ để lại nhiều hệ lụy nếu không quản lý chặt chẽ.

Bộ trưởng đề nghị nghiên cứu sửa ngay Luật Đất đai theo hướng cho kiểm đếm, đo đạc khảo sát trước khi đã có quy hoạch và chủ trương đầu tư. Việc này sẽ giúp giảm, tiết kiệm ngay được 6 đến 8 tháng tiến độ.

Về chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, Bộ trưởng đánh giá đây là chương trình lớn, cần thực hiện hiệu quả, tránh thất thoát lãng phí. Vừa qua, Chính phủ đã mất nhiều thời gian ban hành chính sách, thủ tục.


Về vấn đề chỉ tiêu năng suất lao động mà đại biểu nêu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng có nhiều nguyên nhân, liên quan cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Riêng năm nay tốc độ tăng lao động nhanh hơn. “Chúng tôi sắp tới sẽ xây dựng chương trình tăng năng suất quốc gia”, Bộ trưởng chia sẻ .

Chia sẻ Facebook