Áp lực khi đi làm với người giàu: Toàn "bị" ăn sướng, chơi sang
Những hoạt động ăn uống, vui chơi ở môi trường là điều không thể thiếu. Song đây vô tình cũng thành áp lực của nhiều bạn trẻ Gen Z vì không có đủ tài chính để chung vui cùng các anh chị đồng nghiệp.
Đặt trà sữa giữa giờ, rủ nhau đi ăn có lẽ đã trở thành một nét "văn hóa" công sở, đặc biệt là trong môi trường có nhiều chị em phụ nữ. Song, dù cùng ăn, cùng chơi nhưng mỗi người lại có một hoàn cảnh khác biệt, số dư tài khoản cũng không giống nhau. Nhất là khi xung quanh toàn những người đã đi làm nhiều năm, tiêu tiền rủng rỉnh thì lại càng khiến những bạn trẻ rơi vào thế bí, từ chối thì sợ mang tiếng không hòa nhập, mà đồng ý thì cuối tháng đành phải ăn mì tôm.
Đi làm không áp lực bằng đồng nghiệp rủ uống trà sữa, đi ăn
Ngọc Anh (sinh năm 2000) - một thành viên trong nhóm Cột sống Gen Z đi làm được 1 năm nhưng chẳng thể tiết kiệm được khoản nào, thậm chí tháng nào cũng thiếu lên thiếu xuống, phải vay mượn bạn bè để cố trụ đến ngày lấy lương. Vì mới đi làm nên lương không cao, đã vậy còn phải chi tiêu quá nhiều cho việc ăn uống phát sinh nên cô bạn mới rơi vào cơ sự này.
"Công ty mình hầu như ngày nào cũng đặt trà sữa, đồ ăn ngoài cả, mà mọi người toàn ăn uống sang mồm chứ cũng không rẻ gì đâu. Bữa trưa đã đành, cứ chiều chiều lại rủ nhau ăn cái này cái nọ. Mình mới đi làm nên cũng cố mà tích cực hưởng ứng cùng mọi người, nếu không thì sợ bị đánh giá không có tinh thần tập thể, đến công ty chỉ biết ngồi lầm lì một chỗ. Nhiều khi mình nghĩ đi làm còn không áp lực bằng việc xung quanh toàn đồng nghiệp giàu, tiền tiêu rủng rỉnh" , 10X chia sẻ.
Nếu tính trung bình một bữa trưa có giá 50 nghìn đồng, thêm cốc trà sữa 40 nghìn đồng thì mỗi tháng Ngọc Anh tiêu khoảng 2 triệu đồng để ăn uống "cơ bản" cùng đồng nghiệp, đó là chưa kể dăm bữa lại ăn nhà hàng thì còn tốn nhiều hơn nữa. Nhưng đâu phải chỉ có vậy, còn rất nhiều thứ cần chi tiêu như tiền phòng trọ, thanh toán hóa đơn, tiền ăn 2 bữa sáng và tối, mua nhu yếu phẩm, gặp mặt bạn bè,... nên 10X rơi vào tình huống lương không đủ ăn. " Mình nghĩ nấu cơm mang đi làm, hạn chế đàn đúm khi tan ca, bớt uống trà sữa thì sẽ tiết kiệm được kha khá. Sắp tới mình cũng sẽ làm như vậy, phải tự lo cho túi tiền của mình thôi ", Ngọc Anh nói.
Phải mượn tiền để đi chơi cùng đồng nghiệp
Không riêng gì chuyện ăn uống, thỉnh thoảng các nhóm đồng nghiệp trong công ty lại rủ nhau đi "chill". Mỗi lần như vậy sẽ tiêu tốn một khoản khá nhiều bao gồm tiền xe đi lại, phòng ở, ăn uống, check-in, đắt hơn nữa thì còn mất cả tiền vé máy bay. Mặc dù nếu không muốn đi thì vẫn có thể từ chối nhưng một số trường hợp lại không suôn sẻ như vậy.
Chia sẻ về vấn đề này, độc giả quen thuộc của YAN , Phương Nhi (sinh năm 2000) cho hay: " Cứ 2, 3 tháng 1 lần, các chị trong phòng mình lại tổ chức đi chơi để giải tỏa stress. Chơi thì vui thật đấy nhưng vì ai cũng có điều kiện nên toàn chơi sang, ở khách sạn cao cấp, ăn đặc sản, không thèm tính toán gì cả. Nếu chuyến nào thấy ổn thì mình đi cùng, còn đắt quá thì chịu ".
Song, đôi khi Phương Nhi cũng phải bất đắc dĩ đi cùng mọi người vì "lỡ đặt xong vé, phòng". " Có lần đi Nha Trang xa quá nên mình từ chối ngay từ đầu. Thế nhưng một chị trong phòng khi đặt vé đã thẳng tay đặt luôn cho mình chỉ vì được ưu đãi khá cao. Biết là chị ấy muốn mình đi cho vui nhưng dù giảm giá thì so với mình vẫn đắt. Nhìn mọi người vui vẻ lên kế hoạch ăn chơi, mua sắm mà mình chỉ biết ngậm ngùi, phải vay tiền bạn để đi các anh chị ”.
Học cách từ chối – Mất lòng trước thì được lòng sau
Ăn uống hay đi chơi không phải là sai trái nhưng đôi khi cần biết điểm dừng, cân bằng với điều kiện hiện có của bản thân. Ở môi trường công sở, việc ăn uống hay đi chơi chỉ là phụ, hiệu quả công việc và chất lượng cuộc sống riêng mới là thứ cần quan tâm và ưu tiên hàng đầu. Cốc trà sữa, bữa ăn sang chảnh hay chuyến đi có thể mang lại cảm giác hạnh phúc nhất thời nhưng nếu tài chính chưa dư giả thì đó là điều hoàn toàn không cần thiết. Nhất là khi bạn không hoàn toàn tự nguyện, “bị” ăn sang, chơi sướng theo số đông thì càng nên biết nói lời từ chối.
Gen Z đa số đều là nhân viên mới nên đôi khi sẽ rất ngại đứng ngoài cuộc vui của mọi người vì sợ bị đánh giá thiếu hòa nhập, tự tách mình với đám đông. Tuy nhiên thực tế không phải ai cũng nghĩ như vậy. Càng là người lớn tuổi, đi làm nhiều năm, những tiền bối sẽ càng hiểu sự khó khăn khi vừa đi làm của các bạn trẻ, sẽ không ai ép người nhỏ tuổi hơn phải làm điều vượt quá khả năng của mình. Biết nói lời từ chối càng sớm càng tốt, mất long trước thì sẽ được lòng sau, những lần sau đó sẽ không có ai mặc định bạn phải đi chơi cùng nữa.
Vậy nên người ta mới nói từ chối cũng là một kỹ năng cần biết. Từ chối chân thành, khéo léo thì đối phương không phật ý mà bạn cũng không phải làm điều mình không tự nguyện. Nhất là các bạn Gen Z khi đi làm, đừng cố vì một bữa ăn, buổi đi chơi để rồi phải “thắt lưng buộc bụng” vào cuối tháng.
Biết người biết ta trăm trận trăm thắng, hiểu nhu cầu và tình hình thực tế của bản thân để ứng xử phù hợp thì mới không đẩy bản thân vào thế khó, lại có thể dùng tiền ăn chơi thành một khoản tiết kiệm phòng cho mỗi lúc cần.
Bạn nghĩ sao về vấn đề này? Hãy chia sẻ cùng chúng tôi nhé!
Không chỉ trước cốc trà sữa, bữa ăn sang chảnh hay buổi đi chơi ở môi trường công sở mà dù bất hoàn cảnh nào, trước bất cứ lời đề nghị nào bạn cũng nên học cách từ chối nếu không phù hợp với bản thân. Từ chối trước hết vì bản thân mình, sau đó là vì những mối quan hệ với mọi người xung quanh. Nếu bạn cố gắng làm hài lòng người khác thì lâu dần sự bất đắc dĩ đó cũng sẽ lộ ra, lúc này thậm chí sẽ còn khiến bạn bối rối hơn. Vậy nên hãy luôn nhớ rằng "mất lòng trước, được lòng sau", luôn thể hiện quan điểm của mình càng sớm càng tốt để tránh những phát sinh ngoài ý muốn trong tương lai.
Xem thêm những bài viết tương tự TẠI ĐÂY