Áp lực đổ đầu dâu trưởng: Đầu váng mắt hoa làm hàng chục mâm cỗ

Chia sẻ Facebook
07/05/2023 13:48:01

Lấy chồng, nhiều người từ cô gái được cưng chiều bỗng trở thành một nàng dâu trưởng của gia đình chồng, cũng là dâu trưởng của cả họ với những trách nhiệm khá nặng nề.

Làm dâu phải gánh trên vai nhiều trách nhiệm của nhà chồng, đặc biệt là dâu trưởng. Là dâu trưởng phải lo đối nội, đối ngoại, mỗi năm phải làm giỗ, Tết đến phải đón tiếp họ hàng cô chú bác xa nên chẳng có thời gian đi chơi, du lịch hay nghỉ ngơi gì được.


Làm dâu trưởng đôi khi cảm thấy bị áp lực”

Tuy không sống cùng gia đình chồng nhưng Chị Vân (Hà Nội) cũng không thoát khỏi trách nhiệm của nàng dâu trưởng. Gia đình chồng là trưởng tộc, chồng chị là cháu đích tôn. Vì thế, chị phải chung vai với bố mẹ chồng gồng gánh việc gia đình, dòng họ.

Thời buổi hiện đại nhưng nhiều người vẫn áp lực chuyện dâu trưởng. (Ảnh minh họa: Gia đình & Xã hội)


Chị đã lấy chồng 10 năm và cảm thấy áp lực mỗi lần tới ngày lễ, ngày giỗ lớn của nhà chồng, chị đều phải xin nghỉ làm để về quê lo liệu. Lúc nào xin nghỉ, chị cũng áy náy khi nhìn mặt sếp vì công việc còn tồn đọng, chất đống. Nhiều khi, về quê với cái mác dâu trưởng nên việc gì cũng tới tay chị Vân, đầu váng mắt hoa làm hàng chục mâm cỗ, tới khi chồng ra giúp, anh lại bị họ hàng đuổi đi và được nhiều người bảo: "Đàn ông chỉ cần lo chuyện lớn, việc nhỏ này cứ để dâu lo liệu".

Mẹ chồng chị sức khỏe ngày một kém, lên thành phố ở cùng 2 vợ chồng chị để tiện khám bệnh. Tuy nhiên, bà luôn thấy ngứa mắt khi thấy con trai làm việc nhà, chăm con. Chị Vân cảm thấy vô cùng khó chịu với tư duy cổ hủ, lạc hậu của thế hệ cũ và rất ấm ức khi vừa phải "đảm việc nước, giỏi việc nhà".

Làm dâu đã khó, làm dâu trưởng còn vất vả muôn phần. (Ảnh minh họa: Zingnews)

Cả năm nhà có độ dăm bảy cái giỗ chạp, cộng thêm 2 buổi ăn uống ngày Tết, đều đặn năm này qua năm khác, tất cả đều phần hết cho con trưởng. Cứ mấy ngày đấy là chị cắm mặt bếp núc cả buổi, một mình "quẩy" cả chục mâm đãi từ ông bà bố mẹ đến các cháu của các gia đình trong dòng họ. Vào mâm cũng không được ăn uống cho đàng hoàng, ăn được 2-3 miếng, trò chuyện với mấy bà cô được dăm ba câu là đến lúc đứng lên tiếp cái nọ lấy cái kia, rồi dọn dẹp rửa dần bát đĩa.

Hai vợ chồng chị Vân làm việc và sống tại Hà Nội còn nhà chồng ở Kiến Xương, Thái Bình. Hơn trăm cây số mỗi lượt đi về như thế mà có bất cứ việc to nhỏ gì vợ chồng đều phải có mặt. Từ giỗ chạp, bốc mộ, họp họ đến cưới xin, nhà mới và thậm chí là bà đẻ, nhà chồng cũng bắt chị phải thăm hỏi không sót đám nào. Không phải chỉ gửi quà mừng mà phải về tận nơi mới được coi là chu đáo.

Bất cứ chuyện to nhỏ gì, 2 vợ chồng con trưởng đều phải khăn gói về quê lo liệu. (Ảnh minh họa: 2Sao)

Đối với những cô gái trẻ quen lối sống hiện đại, đảm đương chức dâu trưởng như quan niệm truyền thống lại càng là một thách thức khó lòng vượt qua. Từ ngày yêu Nam, Hoa đã được rất nhiều người cảnh báo về nỗi vất vả và những áp lực của một nàng dâu trưởng. Nhưng Hoa tin rằng với tình yêu của hai người cô sẽ làm tròn chức trách của một người vợ hiền, dâu đảm. Với bản lĩnh của mình, cô tin sẽ chẳng có khó khăn, thử thách gì có thể khiến cô chùn bước.

Đến khi chính thức về làm dâu, Hoa mới thấy thấm những điều người nhà khuyên nhủ trước đây. Đầu tiên là kế hoạch có em bé. Ngay từ đầu bố mẹ chồng đã giao khoán: phải đẻ cho được thằng cháu đích tôn. Vậy là không những chịu áp lực phải có con ngay, Hoa còn luôn căng thẳng làm sao đẻ được thằng cu cho đẹp lòng ông bà nội.

Quan niệm xưa cũ vô hình chung gây ra những áp lực lớn cho những cô dâu còn mới bỡ ngỡ về nhà chồng. (Ảnh minh họa: Báo Lao Động)

Ngoài áp lực con cái, Hoa còn phải chịu cảnh dâu trưởng sống trong một gia đình có nhiều thế hệ. Những mối quan hệ chồng chéo, cách xưng hô theo vai vế đầy phức tạp khiến cô phải đau đầu hằng ngày. Mọi chuyện tới tay cô dâu trưởng hết nhất là những chuyện thuộc về trách nhiệm. Những dịp lễ tết, giỗ chạp, tụ tập anh em, gia đình, cô phải đứng gia quán xuyến từ chuyện đi chợ, nấu ăn lo cỗ bàn đến chuyện hương khói. Những dịp họp gia đình, nàng dâu trưởng dù bận bịu mấy cũng không được vắng mặt. Phức tạp nhất là chuyện lễ tết, thiếu chu đáo một chút là đã bị trách móc đủ đường.

Vốn là cô con út hậu đậu, đểnh đoảng, được bố mẹ đẻ cưng chiều từ bé nhưng giờ đây Hoa phải rèn luyện cho mình tính chỉn chu, tỉ mẩn; phải nhìn trước nhìn sau, để ý từng tí một, cẩn trọng trong từng lời ăn, tiếng nói. Luôn ở trong tình trạng “trên soi xuống, dưới trông lên” nên từ quan hệ ứng xử, lời ăn tiếng nói đều phải mẫu mực. Chính những điều này vô hình chung gây ra những áp lực lớn cho những cô dâu còn mới bỡ ngỡ về nhà chồng.


Hóa giải khó khăn, sẻ chia trách nhiệm

Sau những năm làm dâu vất vả, hiện cuộc sống của chị Vân (Hà Nội) đã dễ thở hơn vì nhận được sự cảm thông của gia đình chồng. Ngày đầu làm dâu, đứng trước cả núi việc và trọng trách nặng nề của dâu trưởng, chị rất sốc nhưng rồi không còn cách nào khác là phải cố gắng hòa nhập và làm thật tốt để ghi điểm với nhà chồng.

Nhiều người phụ nữ vẫn luôn cố gắng làm tròn trách nghiệm của mình. (Ảnh minh họa: Báo Đời Sống Pháp Luật)

Vốn giỏi nội trợ, chị Vân xoay xở các mâm cỗ giỗ một cách chỉn chu không để mất lòng gia đình chồng. Khi giành được sự tin tưởng của nhà chồng, chị nhờ cả chồng vào cuộc để thuyết phục gia đình thỉnh thoảng thuê người nấu nướng để chị và mọi người trong nhà đỡ vất vả. Với cách nói thấu tình đạt lý, chị đã nhận được cái gật đầu của cả gia đình nhà chồng.

Bây giờ điện thoại và internet đã phổ biến đến tận làng thì việc thăm hỏi họ hàng bằng những hình thức ấy vẫn tỏ được sự quan tâm chu đáo mà lại thuận tiện hơn nhiều.

Chị xin phép hằng năm vào dịp nghỉ hè, nghỉ tết sẽ đưa các cháu về thăm ông bà nội và họ hàng. Công việc trong họ thì thỉnh thoảng chị sẽ cố gắng thu xếp về một lần, còn lại chị xin được “miễn”. Đầu tiên gia đình nhà chồng chị tỏ vẻ không hài lòng và bóng gió rằng nàng dâu trưởng định trốn tránh trách nhiệm. Nhưng mỗi lần ở quê có việc mà không về chị đều gọi điện thăm hỏi chu đáo. Tất nhiên, chị cũng không quên gửi tiền về để gọi là “góp lễ”. Dần dần mọi người cũng chấp nhận cách làm của chị.

"Nhập gia tùy tục", cố gắng làm thật tốt để ghi điểm với nhà chồng. (Ảnh minh họa: Người Đưa Tin)

Chuyên gia Lê Thu Hiền, Giám đốc trung tâm TV Người bạn tri kỷ, cho rằng, trong truyền thống văn hóa của người Việt Nam, vợ chồng người con trưởng bao giờ cũng được cha mẹ và dòng họ đặt nhiều kỳ vọng, đồng nghĩa với nhiều nghĩa vụ phải thực hiện. Đặc biệt là nàng dâu trưởng. Thời xưa, dâu trưởng phải được chọn lựa kỹ càng một số tiêu chí như phải thông minh nhanh nhẹn, có khả năng quán xuyến công việc gia đình... Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, trách nhiệm của dâu trưởng đã bớt nặng nề hơn nhưng chưa phải là đã hoàn toàn được xóa bỏ.

Để giải quyết ổn thỏa vấn đề này điều quan trọng nhất là cần cách cư xử hết sức khéo léo của nàng dâu. “Nhập gia tùy tục”, về làm dâu thì phải theo phong tục, nề nếp của nhà chồng. Với những việc được giao hay không được giao, dù bận nhưng bạn cũng nên cố gắng làm tốt trong những lần đầu tiên. Người con dâu cần cho nhà chồng thấy thiện chí cầu tiến, muốn hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm hạnh phúc gia đình của mình.

Nàng dâu cư xử khéo léo một chút để gia đình luôn được êm ấm. (Ảnh minh họa: SCMP)

Theo các chuyên gia tâm lý, các nàng dâu không nên biến những khó khăn làm dâu trở thành áp lực mà cần chia sẻ giãi bày cùng chồng. Nếu gặp khó khăn, đừng ngại ngần nói ra, bạn sẽ nhận được sự thông cảm từ mọi người. Chỉ có điều cách nói của bạn phải thực sự chân thành và có thiện chí. Dù là dâu trưởng hay dâu thứ, chị em phải biết dung hòa giữa các mối quan hệ và trách nhiệm gia đình. Bên cạnh đó, mỗi thành viên trong gia đình nên chia sẻ trách nhiệm, giúp đỡ nhau, không nên chỉ dồn hết trách nhiệm cho dâu trưởng

Chia sẻ gánh nặng để được gia đình thấu hiểu. (Ảnh minh họa: Báo Phụ Nữ)

Thời đại ngày nay, dâu trưởng không phải gánh vác nhiều công việc, trách nhiệm nhà chồng như trước nhưng nghe danh "dâu trưởng" nhiều chị em cũng bị áp lực. Và từ đó, biết bao nhiêu thử thách, trách nhiệm "ập lên đầu". Biết là vậy nhưng đâu thể nào thay đổi được, chỉ mong sao gặp phải là chồng tâm lý, biết san sẻ, yêu thương thì nàng dâu mới nhẹ lòng, bớt áp lực.


Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Cùng để lại bình luận bên dưới với YAN nhé. Và đừng quên theo dõi Camera Xóm để cập nhật thêm nhiều tin tức đời sống xã hội thú vị.

Làm dâu không đơn giản và càng không đơn giản khi phải làm dâu trưởng song cũng không phải là quá khó khi nàng dâu toàn tâm toàn ý với gia đình chồng. Với người con dâu, điều quan trọng nhất là phải biết dung hoà giữa các mối quan hệ cũng như giữa công việc riêng và trách nhiệm gia đình.

Các nàng dâu cũng cần thổ lộ những suy nghĩ, tâm tư với bố mẹ chồng để chính các cụ thấu hiểu và không đặt hết gánh nặng mọi công việc gia đình, họ hàng lên vai người con trưởng, dâu trưởng.


Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY!

Chia sẻ Facebook