Áp dụng khoa học công nghệ, kinh tế chia sẻ trong phát triển nông nghiệp Việt Nam
Trả lời chất vấn tại Quốc hội, các tư lệnh ngành khẳng định làm nông nghiệp công nghệ cao cần áp dụng kinh tế chia sẻ, khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
Chiều ngày 7/6, theo Chương trình Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã tham gia trả lời đại biểu quốc hội nhiều vấn đề, trong đó có nội dung nông nghiệp công nghệ cao.
Theo đó, hai bộ trưởng nhấn mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế chia sẻ trong phát triển nông nghiệp tại Việt Nam.
Không cần quỹ đất lớn để làm nông nghiệp công nghệ cao
Về vấn đề phải có quỹ đất lớn để phục vụ sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, trong thời đại công nghiệp 4.0, làm nông nghiệp có thể không cần phải đầu tư và sở hữu nhiều đất, mà có thể tận dụng thế mạnh của nền kinh tế liên kết, kinh tế chia sẻ.
Bộ trưởng cho rằng, ngoài hướng tập trung tích tụ đất đai hướng tới tăng quy mô sản xuất, xây dựng vùng nông nghiệp cao, vẫn có những phương thức tập trung đất đai mềm, thích ứng với từng điều kiện ở từng địa phương, kết hợp nguồn lực nhà nước với nguồn lực xã hội để cùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng chung nhận định, và khẳng định thực tiễn thế giới chứng minh phát triển công nghệ cao, nông nghiệp hiệu quả không có nghĩa là phải cánh đồng lớn mới phát triển được.
Hiện có nhiều mô hình để tập trung đất đai như các mô hình hợp tác xã để liên doanh, liên kết giúp doanh nghiệp và người nông dân có điều kiện chuyển giao công nghệ giống, phân bón và thị trường, người nông dân vẫn sản xuất trên mảnh ruộng của mình, ly nông nhưng không ly hương.
Theo Bộ trưởng, hiện nay các mô hình tập trung về đất đai hết sức thành công trong cả nước thông qua việc dồn điền đổi thửa, thông qua hình thức các hợp tác xã liên kết, liên doanh, hình thức cho thuê. Hiện nay nhiều hộ dân đình đã nâng mức độ sử dụng đất và sử dụng liên doanh, liên kết đạt kết quả tốt.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, cần thay đổi nhận thức, thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh và cơ cấu kinh tế, trong đó khoa học công nghệ là yếu tố quyết định.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, vai trò phát triển thị trường là trách nhiệm phối hợp của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhà nước có vai trò kiến tạo, tạo điều kiện, tạo thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.
Do đó, tới đây, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người.
Chuyển đổi số trong quản lý thuốc bảo vệ thực vật
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết vẫn còn tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa học gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sức khỏe con người và chất lượng nông sản. Nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đang cao.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng nêu rõ, trong thời gian tới, cần hoàn thiện các phương pháp thử cho các thuốc bảo vệ thực vật sinh học; ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm.
Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác công tư sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng phân bón tiết kiệm nhằm hướng đến một nền nông nghiệp xanh, an toàn và nâng cao giá trị nông sản; nhân rộng các mô hình, đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt các mô hình canh tác giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn bảo đảm năng suất, chất lượng nông sản phẩm.
Đồng thời, cần nhấn mạnh vai trò tổ chức lại các ngành hàng trong sản xuất nông nghiệp.
Thu hút doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao
Về ưu đãi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, trong thời gian vừa qua, có hai nhóm doanh nghiệp đầu tư nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp.
Trong đó, có nghị định để thu hút nhóm doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào sản xuất và đầu tư vào lĩnh vực chế biến, bao gồm cả các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Theo Bộ trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang sửa Nghị định 57 để các doanh nghiệp tiếp cận vấn đề này.
Đối với hoạt động nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khuyến khích doanh nghiệp có thể phát triển từ lõi của nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao, từ công nghệ giống, công nghệ sinh học, công nghệ hữu cơ để lan tỏa cho người nông dân ở xung quanh đó. Đây là sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua vai trò của chính quyền địa phương.
Hải Đăng