Áo giữ tình trạng trung lập vì hoàn cảnh khác với Phần Lan, Thụy Điển
Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg khẳng định đất nước của ông sẽ giữ nguyên tình trạng trung lập khi được hỏi về việc Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO.
"Trường hợp của chúng tôi có vẻ hơi khác họ", Ngoại trưởng Áo Schallenberg trả lời Đài phát thanh Deutschlandfunk của Đức ngày 18-5.
Trước đó cùng ngày, đại diện Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bất chấp các cảnh báo từ Nga và sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ, một nước NATO.
Nếu hai nước này được kết nạp, theo Hãng tin Reuters, đây sẽ là sự kiện có thể làm thay đổi kiến trúc an ninh châu Âu trong hàng chục năm qua.
Phần Lan và Thụy Điển đã nhiều năm duy trì vị thế trung lập khi chọn gia nhập Liên minh châu Âu nhưng đứng ngoài NATO. Phần Lan có chung đường biên giới dài hơn 1.300km với Nga và cả hai nước này án ngữ đường ra vào biển Baltic.
Khi được hỏi về quyết định của Helsinki và Stockholm, Ngoại trưởng Áo Schallenberg cho biết phần lớn người dân nước này vẫn ủng hộ và muốn nhà nước duy trì tình trạng trung lập như trước.
Cũng theo ông Schallenberg, Áo vẫn sẽ hỗ trợ Ukraine nhưng không phải bằng bom đạn mà bằng các hàng hóa nhân đạo.
"Chúng tôi vẫn đang giúp đỡ Ukraine trên quy mô lớn nhưng không phải bằng bom đạn và tôi nghĩ việc giúp Ukraine cũng không nên chỉ dừng ở chuyện gởi bom đạn đến đó", nhà ngoại giao Áo nêu suy nghĩ.
Cũng giống như nhiều quốc gia châu Âu khác, Áo phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Theo Reuters, khoảng 80% khí đốt nhập khẩu của Áo là từ Nga.
Việc các nước trung lập ở châu Âu thay đổi quan điểm và quyết định nghiêng về một bên nào đó diễn ra sau khi Nga đưa quân vào Ukraine.
Hồi đầu tháng này, Thụy Sĩ, một nước không thuộc EU và từ lâu nổi tiếng là nước trung lập, cũng đánh tiếng có thể sẽ tham gia một liên minh quân sự trong bối cảnh mới. Việc duy trì tình trạng trung lập đã giúp Thụy Sĩ không bị kéo vào hai cuộc thế chiến khốc liệt trong thế kỷ 20.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gọi việc Phần Lan, Thụy Điển từ bỏ tình trạng trung lập để gia nhập khối hiệp ước quân sự này là một 'thời khắc lịch sử' và NATO sẽ không bỏ lỡ cơ hội nắm bắt lấy điều đó.