Antakya của Thổ Nhĩ Kỳ biến thành ‘thành phố ma’ sau trận động đất thứ ba
Xe tải, xe cấp cứu và máy xúc xếp hàng dài trên những con đường hoang vắng ở Antakya của Thổ Nhĩ Kỳ vào tối thứ Ba. Trận động đất lớn thứ ba trong hai tuần đã đẩy nhanh cuộc di cư khỏi thành phố từng sôi động này, phóng sự của Reuters hôm 22/2.
Video: Cảnh đổ nát của Antakya (nguồn: AP)
Video: Một số cảnh năm ngoái ở Hatay, Antakya
Trên các con đường tối đen như mực, những ánh đèn pha lướt qua chiếu sáng từng mảng cảnh những đống đổ nát, những khung cửa sổ bị vỡ và những thanh cốt thép chằng chịt. Những ánh đèn xanh đỏ nhấp nháy từ các phương tiện quân sự và cảnh sát phản chiếu trên mặt tiền lởm chởm của các tòa nhà nghiêng ngả.
Âm thanh chát chúa của máy xúc đang bốc dỡ các mảnh vỡ vang vọng khắp các đường phố khi cảnh sát, binh lính và những người ứng phó thảm họa đứng nhìn, tập trung xung quanh những ngọn lửa nhỏ rải rác trên vỉa hè nứt nẻ. Đôi khi, việc đào bới sẽ dừng lại để các nhân viên khẩn cấp kiểm tra các thi thể có thể xuất hiện.
“Mọi người đã ra đi,” theo Mehmet Ay, 50 tuổi, một người sống sót sau trận động đất, người đã sống ở Antakya cả đời và là một trong số ít cư dân còn ở lại. “Họ hoặc đã chết hoặc đã rời đi.”
Từ xa, nổi bật là những kiến trúc khúc khuỷu mà trước đã từng là những tòa cao ốc chọc trời. Các đoạn bờ sông bị sập xuống nước, trong khi binh lính phong tỏa những cây cầu bị hư hại.
Các biển quảng cáo bị rơi xuống và nằm cong queo trên đất cùng các biển hiệu nằm rải rác giữa đống đổ nát, như lời nhắc nhở về các cửa hàng từng tràn ngập những con phố đông đúc.
“Đường phố của chúng tôi từng là thiên đường,” ông Ay nói. “Chỉ trong một đêm, mọi thứ đã bị phá hủy.”
Ông Ay đang trú ẩn cùng vợ Fatmeh và con gái của họ tại một trong những khu trại được dựng lên để cung cấp nơi trú ẩn tạm thời cho những người mất nhà cửa. Máy phát điện chạy ầm ầm át tiếng trò chuyện của những người tụ tập quanh bếp củi bên ngoài lều của họ.
“Chúng tôi không thể rời trại,”
ông nói.
“Thật khó để đi bộ xung quanh bởi vì nó nguy hiểm ở bất cứ nơi nào bạn đến. Các tòa nhà rất nguy hiểm. Trước khi bạn nhận ra, một cấu trúc có thể đổ sập lên bạn.”
Trước đó, khi mặt trời lặn trên quảng trường cạnh tòa thị chính, binh lính, tình nguyện viên và những người sống sót đã xếp hàng tại các xe chở thực phẩm và trạm dịch vụ để ăn tối và uống trà.
Tại một bùng binh, bức tượng của người sáng lập đất nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại Mustafa Kemal Ataturk trên lưng ngựa vẫn đứng sừng sững. Ngay bên dưới, một tấm bảng bằng đá cẩm thạch với câu nói nổi tiếng của ông về việc tỉnh Hatay trở thành một phần của Thổ Nhĩ Kỳ nằm vỡ nát trên mặt đất.
“Thảm họa giáng xuống đầu tất cả chúng tôi,” theo Saleem Fawakirji, một người rửa bát 57 tuổi, đã sống ở Antakya 12 năm sau khi chạy trốn khỏi Syria. “Giàu cũng như nghèo,” vợ anh, Walaa bổ sung.
Cặp vợ chồng, hai con gái và một con trai của họ đã sống sót sau trận động đất ngày 6/2 bằng cách bò ra khỏi một vết nứt nhỏ trong đống đổ nát. Nhưng con trai cả của họ đã không qua được.
Ông Fawakirji cho biết gia đình không có kế hoạch từ bỏ thành phố hoang vắng. “Hãy nhìn cách đức Chúa ban cho tất cả chúng ta một cuộc sống mới, ngoại trừ con trai tôi. Tại sao lại mạo hiểm bây giờ?”
Ông Ay cũng cho biết anh dự định ở lại.
“Sẽ mất nhiều thời gian, sẽ mất nhiều năm, nhưng chúng tôi sẽ xây dựng lại nó,”
ông Ay, một công nhân xây dựng cho biết.
“Lạy Chúa, nó sẽ tốt hơn trước đây.”
Nhật Tân
Nhà sáng lập Pháp Luân Công: Vì sao có nhân loại Ông Lý Hồng Chí mà người Hoa vẫn gọi là ‘Lý đại sư’, người sáng lập Pháp Luân Công, đã công bố bài viết "Vì sao có nhân loại".