Anh thanh niên bỏ ngang việc về trồng cây "độc lạ", rủng rỉnh tiền tiêu
Chàng thạc sĩ sinh học sau khi quyết định nghỉ việc ở Viện Nghiên cứu sinh học đã trồng một loại cây "độc lạ" tạo công ăn việc làm cho nhiều người.
Anh Nguyễn Minh Thuận tốt ngành Sư phạm Sinh học tại Trường Đại học Đà Lạt rồi anh tiếp tục học cao học, bảo vệ thành công đề tài về nấm hương. Ngay sau khi dời ghế nhà trường anh công tác tại một doanh nghiệp chuyên về nấm với vai trò phụ trách kỹ thuật, anh chuyển đến làm việc ở Viện Nghiên cứu sinh học Tây Nguyên. Tuy nhiên với đam mê, nghiên cứu về các loại nấm và sản xuất bằng phương pháp hữu cơ, an toàn sau một thời gian đúc kết nghiệm anh Thuận đã thực hiện ý tưởng mở một trang trại sản xuất nấm.
Với mong muốn khởi nghiệp thành công anh Thuận đã nghiên cứu rất kỹ và chọn trồng một loại nấm "độc lạ". Loại nấm này có tên nấm hầu thủ. Đây là loại nấm mới lạ, ít người biết đến. “Nhận thấy khí của Đà Lạt và Lạc Dương phù hợp để phát triển trồng nấm, với sản phẩm nấm hầu thủ đầu tiên, tôi rất bất ngờ khi tai nấm đẹp, trắng muốt, mềm mại trông rất bắt mắt, hương vị độc đáo, có thể ăn sống nên tôi đã quyết định đầu tư, mở rộng nhà xưởng tại xã Đạ Nhim để sản xuất loại nấm giá trị này”, anh Thuận chia sẻ.
Trao đổi với Thương hiệu và Sản phẩm, chàng thạc sĩ cho biết, đây là loại nấm được xem là dược liệu, thuốc. Tuy nhiên, trong nước không có mà phải dùng hàng nhập khẩu từ Đài Loan hoặc Trung Quốc về dạng khô. Đây cũng là cách để anh tìm hướng đi riêng cho mặt hàng nông sản này, tạo sức lan tỏa đến người tiêu dùng. Anh Minh Thuận cho biết thêm, ưu điểm của nấm hầu thủ là thuần tự nhiên không mất nhiều công chăm sóc như nhiều loại nấm khác trên thị trường.
Để phát triển và làm giàu từ chính trang trại nấm của mình, ban đầu anh đầu tư nhà xưởng rộng khoảng 700 m2 với nhiều trang thiết nuôi trồng, máy sấy khô nấm. Đồng thời, anh cũng xây dựng nhà xưởng rộng 300 m2 ở tỉnh Bình Thuận để tạo ra phôi nấm. Theo tìm hiểu của anh Thuận, hiện tại trồng nấm hầu thủ để làm hình ảnh du lịch thì có 1 số đơn vị ở Đà Lạt còn trồng hầu thủ để thương mại thì chưa có công ty nào làm.
Chăm sóc loại nấm độc đáo cũng khá tốn công sức, tại trang trại của anh Thuận, hằng ngày đều có công nhân quét dọn, rửa nền sạch sẽ ngăn chặn sự xâm nhập của côn trùng, đảm bảo vệ sinh và tăng cường phòng ngừa các loại dịch bệnh có thể gây ra cho nấm hầu thủ. Trên những kệ sắt cao khoảng 2 mét được lắp đặt chắc chắn, hàng chục nghìn bịch phôi nấm được xếp ngăn nắp, đang trong thời kỳ cho thu hoạch.
Quy trình để làm phôi nấm, gia đình anh sử dụng mùn cưa từ gỗ cao su, cám mỳ và nước. Tuyệt đối không sử dụng các loại phụ gia khác, sau đó phối trộn nguyên liệu dinh dưỡng vào, đóng gói cấy giống,...Sau 45 - 60 ngày thì chuyển phôi lên khu vực cho ra nấm và đảm bảo các yếu tố về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm. Phôi nấm sau khi cho vào nhà nấm khoảng 15 - 20 ngày thì bắt đầu lên nấm và mỗi phôi sẽ cho ra 4 - 5 lứa nấm, mỗi lứa kéo dài từ 15 - 20 ngày là thu hoạch. Đáng chú ý, một năm làm được 4 vụ nấm.
Loại nấm này không chỉ lạ mà giá thành khá đắt đỏ. Được biết, giá bán nấm hầu thủ tươi của Nguyễn Minh Thuận từ 190.000- 250.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh còn cung cấp cho 1 đối tác lớn dạng nấm khô mỗi tháng từ 100- 200kg (tương đương 1-2 tấn nấm tươi) giá lên tới hơn 1 triệu đồng/kg, còn phôi nấm bán với số lượng lớn giá từ 12.000- 13.000 đồng/phôi, năng suất trung bình từ 0,5kg mỗi phôi.
Không chỉ có thu nhập ổn định, từ mô hình nuôi nấm này anh đã phát triển kinh tế gia đình, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.
Lợi ích của nấm hầu thủ đối với sức khỏe
Nấm hầu thủ tên khác là nấm lông nhím, nấm sư tử.Chúng thường mọc trên các thân cây gỗ tán rộng bị mục nát. Hiện nay nấm hầu thủ được nuôi trồng nhân tạo thành công ở nước ta và các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản.
Theo y học cổ truyền Trung Quốc, nấm hầu thủ được coi là nấm dược liệu, vừa là thực phẩm vừa có tác dụng chữa bệnh. Các hợp chất trong nấm có tác dụng chống oxy hóa, điều chỉnh nồng độ lipid máu và giảm lượng đường trong máu. Nhiều nghiên cứu cơ bản của các nhà khoa học đã chứng minh rằng nấm hầu thủ có hiệu quả điều trị tốt trên bệnh nhân Alzheimer, ngăn cản quá trình lão hóa và phục hồi các neuron thần kinh, tăng cường hệ miễn dịch, các chất chiết xuất từ nấm hầu thủ có khả năng chống sự hình thành các khối u, ức chế tế bào ung thư gan, ung thư dạ dày, thực quản và ung thư da...
Đặc biệt, trong y học hiện đại ngày nay đã sử dụng rộng rãi nấm hầu thủ để điều trị các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa như chán ăn, rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày, viêm loét dạ dày, hỗ trợ điều trị hiệu quả ung thư dạ dày.
Chia sẻ về lợi ích của loại nấm này với Sức khỏe & Đời sống , DS. Nguyễn Thị Hồng cho biết nấm hầu thủ được sấy khô, dùng riêng hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác trong những trường hợp sau:
Điều trị đau dạ dày, loét dạ dày, hỗ trợ tiêu hóa, dự phòng khối u: Nấm hầu thủ 10g, nấm mèo trắng 5g, sơn tra 5g, sơn dược 10g, men rượu 1g. Sắc uống.
- Chữa mất ngủ, ngủ không sâu, tâm thần bất an: Nấm hầu thủ 30g, bá tử nhân 15g, toan táo nhân 15g, dạ giao đằng 15g. Sắc uống.
- Chữa đau dạ dày, tá tràng: Nấm hầu thủ 30g, sơn dược 20g, bạch truật 20g, hạt sen 15g, trần bì 15g, biển đậu 15g, ý dĩ 25g. Sắc uống.
- Trị viêm loét dạ dày, ruột, tiêu hóa kém: Nấm hầu thủ 10g, nấm linh chi 5g, sắc uống trong ngày.
- Bồi bổ cơ thể: nấm hầu thủ tươi 200g (khô 20g), thịt nạc, tôm 100g, dầu vừng, hành gia vị vừa đủ, nấu mềm nhừ, ăn nóng.
Lưu ý các bài thuốc trên dùng liền 2-3 tháng để phòng trị bệnh có hiệu quả và tăng cường sức khỏe.
Trúc Chi (t/h)