Anh tách khỏi ĐCSTQ: Cắt đứt quan hệ thành phố kết nghĩa, đóng cửa Viện Khổng Tử
Hội đồng thành phố Newcastle nhất trí bỏ phiếu cắt đứt quan hệ kết nghĩa với thành phố Thái Nguyên, Trung Quốc
Mối quan hệ giữa Anh và Trung Quốc ngày càng xấu đi. Gần đây, Hội đồng thành phố Newcastle ở Anh đã cắt đứt mối quan hệ kết nghĩa với thành phố Thái Nguyên của Trung Quốc. Các quan chức an ninh Anh hứa sẽ đóng cửa các Viện Khổng Tử trên khắp đất nước. Đồng thời, cảnh sát Anh cũng đang điều tra các “Trạm dịch vụ của cảnh sát và Hoa Kiều tại nước ngoài” do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thiết lập tại thủ đô London và thành phố Glasgow của Scotland.
Vì “đối với các giá trị phổ quát như nhân quyền, dân chủ và tự do, Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) không chỉ coi thường các chuẩn mực quốc tế, mà còn không hề quan tâm đến điều đó.”
Bà cũng đệ đơn kiến nghị liên quan. Hoạt động này được “Newcastle Stands with Hong Kong” (NSWHK), tổ chức do sinh viên Hồng Kông đứng đầu, thúc đẩy.
Ngày 2/11, Hội đồng thành phố Newcastle đã thảo luận và biểu quyết về đề nghị này. Bà Taylor nói rằng về vấn đề Hồng Kông, “Luật An ninh Quốc gia” do ĐCSTQ thiết lập năm 2020 đã vi phạm “Tuyên bố chung Trung-Anh” , và tước bỏ quyền tự trị ban đầu của Hồng Kông.
Bà Jo Smith Finley, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc tại Đại học Newcastle, đã bị ĐCSTQ “trừng phạt” vào năm ngoái, vì bảo vệ nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ.
Bà Taylor đã đọc bức thư ngỏ của bà Finley tại quốc hội, trong đó viết: “(Bà ấy) bị trừng phạt vì gìn giữ lương tâm và công bằng xã hội” . Điều này được coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền tự do học thuật ở Anh.
Nghị sĩ thành phố Jane Byrne thuộc Công Đảng Anh cũng đề cập rằng các đề xuất sửa đổi đã tham khảo báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế. Trong đó chỉ ra rằng tình hình nhân quyền ở Trung Quốc đang xấu đi, gồm các phiên tòa bất công, việc đe dọa và tra tấn. Bà Byrne cho biết, thành phố Newcastle nên đứng về phía những người đang đấu tranh cho nền dân chủ tự do.
50 nước kêu gọi ĐCSTQ trả tự do người dân bị giam giữ ở Tân Cương
Sẽ đóng cửa tất cả các Viện Khổng Tử của Trung Quốc
Hôm thứ Ba (1/11), ông Tom Tugendhat, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại quốc hội, phụ trách các vấn đề an ninh của Anh, đã trả lời chất vấn của các nghị sĩ tại Hạ viện Anh. Ông cho biết, Thủ tướng Anh Rishi Sunak tin rằng các Viện Khổng Tử là mối đe dọa đối với quyền tự do của nhiều trường đại học của Anh, và sẽ xem xét đóng cửa các viện này.
Tháng Chín năm nay, truyền thông Anh tiết lộ bà Alicia Kearns, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Anh, đang đàm phán với Đài Loan, về việc cung cấp giáo viên tiếng Trung cho Anh, nhằm thay thế dần Viện Khổng Tử tại nước này.
Mỹ cũng đang phát triển các chương trình giáo dục tiếng Trung đến từ Đài Loan. Vào tháng 12/2020, Mỹ và Đài Loan đã khởi động “Sáng kiến Giáo dục Mỹ – Đài Loan” (US-Taiwan Education Initiative).
Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan nói, trong bối cảnh Mỹ và các nơi trên toàn thế giới liên tiếp đóng cửa các Viện Khổng Tử, sáng kiến mới này có thể mở rộng cơ hội giảng dạy tiếng Anh, tiếng Trung tại Mỹ và Đài Loan, duy trì và bảo vệ tự do học thuật, đồng thời bảo tồn quyền tự do học thuật và “củng cố vai trò của Đài Loan trong việc cung cấp giảng dạy tiếng Trung ở Mỹ và trên toàn thế giới.”
Trong cuộc tranh luận trên truyền hình về cuộc tranh cử Thủ tướng vào tháng Bảy năm nay, ông Sunak đã thể hiện lập trường cứng rắn đối với ĐCSTQ, gọi đảng này là “mối đe dọa an ninh lớn nhất” ở Anh trong thế kỷ qua. Ông còn đề xuất một loạt biện pháp đối phó, gồm việc đóng cửa tất cả Viện Khổng Tử tại Anh.
Có 31 Viện Khổng Tử ở Anh, nhiều nhất trên thế giới. Ông Sunak nói rằng hầu như tất cả kinh phí mà Chính phủ Anh chi cho việc giảng dạy tiếng Trung ở các trường tiểu học và trung học, đều được phân bổ cho các Viện Khổng Tử được thành lập trong các trường đại học. Điều này đang gián tiếp đóng góp vào quyền lực mềm của ĐCSTQ.
Ông Sunak cũng tuyên bố rằng một liên minh mới của các quốc gia tự do sẽ được thành lập, để đối phó với các mối đe dọa mạng Internet của ĐCSTQ, chống lại hành vi gián điệp trộm cắp sở hữu trí tuệ của ĐCSTQ, bảo vệ các tài sản quan trọng của Anh, và ngăn chặn ĐCSTQ có được chúng, như các công ty công nghệ nhạy cảm về mặt chiến lược.
Điều tra các “trạm cảnh sát ở nước ngoài” của ĐCSTQ
Theo báo cáo của tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders , Bộ Công an Trung Quốc đã thiết lập 54 “Trạm dịch vụ cảnh sát và Hoa kiều ở nước ngoài” tại 21 quốc gia trên thế giới. Trong đó, có 3 trạm ở Anh, gồm trạm đặt tại thủ đô London và thành phố Glasgow của Scotland.
Quốc hội Anh đã tiến hành ít nhất 2 cuộc điều tra khẩn cấp đối với các trạm cảnh sát này. Trong cuộc điều tra ngày 1/11, ông Tugendhat nói rằng Chính phủ Anh rất lo ngại về những hoạt động không được khai báo của cảnh sát ĐCSTQ. Ông đã theo dõi sự việc này, và một cuộc điều tra đã được cảnh sát tiến hành.
Ông Tugendhat chỉ ra rằng những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm “đàn áp xuyên quốc gia” là “không thể chấp nhận được và phải dừng lại.” Ông nhấn mạnh rằng bất kỳ cơ quan nước ngoài nào tại Anh đều phải tuân thủ luật pháp của Anh, hành vi trục xuất bất hợp pháp bất kỳ cá nhân nào của tổ chức này đều không được dung thứ.
Ông cũng chỉ ra với “Dự luật An ninh Quốc gia” sắp tới của Vương quốc Anh, bất kỳ thế lực nước ngoài nào ép buộc, quấy rối hoặc đe dọa các cá nhân đều sẽ cấu thành tội hình sự.
Ngày 1/11, Hà Lan đã ra lệnh cho ĐCSTQ đóng cửa ngay lập tức “trạm cảnh sát” tại nước này. Ireland cũng ra lệnh đóng cửa trạm cảnh sát của ĐCSTQ tại thủ đô Dublin, Đức và Canada đang tiếp tục điều tra.
Gần đây, trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình NTD, Thượng nghị sĩ Pháp André Gattolin cho biết, cách làm này của ĐCSTQ hoàn toàn là hành vi của một nhà nước độc tài.
Ông nói: “Việc thiết lập một trạm cảnh sát ở nước ngoài theo kiểu dân quân như vậy là hoàn toàn bất hợp pháp và rất nguy hiểm, nên xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc và đấu tranh chống lại chúng một cách hợp pháp.”
Bình Minh (t/h)
Ông Tập bảo vệ Đảng hay Đảng lợi dụng ông Tập? Giáo sư Lý Thiếu Dân chỉ ra một số hiểu lầm về vai trò quan hệ giữa ông Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc.