“Ánh sáng vô hình” – Ánh sáng soi tỏ khuôn mặt chiến tranh

Chia sẻ Facebook
11/03/2023 07:53:38

Nhưng cuốn tiểu thuyết không chỉ viết về những bi kịch và khuôn mặt gớm ghiếc của chiến tranh.


“Ánh sáng vô hình” là cuốn tiểu thuyết viết về Chiến tranh thế giới thứ hai của nhà văn Mỹ Anthony Doerr (người dịch: Vũ Thanh Tuyền, Quảng Văn, 2018).

Cuốn tiểu thuyết này khi dịch ra tiếng Việt dày đến hơn 600 trang. Chắc hẳn nếu chỉ nhìn vào dung lượng và chủ đề của nó, nhiều người nhất là giới trẻ sẽ e ngại.

Nhưng tôi đã đọc nó chỉ trong ba ngày trên xe buýt vào lúc đi làm và trở về nhà. Trong ba ngày đó, tôi đã vài ba lần quên không xuống xe ở điểm cần phải xuống. Một cuốn tiểu thuyết hay đến ám ảnh.


Gấp sách lại rồi, người nhẹ bẫng bâng khuâng. Vang lên trong đầu tôi là một câu trong cuốn tiểu thuyết: “Chiến tranh mang lại những gì cho những người mơ mộng?”.

Với tôi, câu văn ấy vừa như lời thì thầm, vừa như tiếng búa gõ vào đầu.

Ở đấy, trong cuốn tiểu thuyết dày 600 trang, tôi đã thấy khuôn mặt phi nhân của chiến tranh và sức sống mãnh liệt của tình yêu.

Khuôn mặt phi nhân của chiến tranh


Thông thường khi viết về chiến tranh, các tác giả thường mô tả cuộc chiến thông qua một mạng lưới nhân vật đông đảo, đặc tả những cảnh chiến trận đẫm máu kinh hoàng và câu chuyện sẽ được kể dựa trên một trục thời gian kéo dài. Trái ngược với điều đó, “Ánh sáng vô hình” đã soi tỏ khuôn mặt phi nhân của chiến tranh theo cách khác.

Thời gian được đề cập trong cuốn tiểu thuyết kéo dài từ năm 1934 đến năm 2014 (80 năm). Cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai-sự kiện chính được viết trong cuốn sách kéo dài 7 năm (1939-1945). Tuy nhiên, khoảng thời gian mà cuốn tiểu thuyết lấy làm tiêu điểm chỉ kéo dài 5 ngày (7/8/1944-12/8/1944). Chiến tranh thế giới thứ hai đúng như tên gọi của nó diễn ra trên khắp các châu lục, ở cả trên trời, dưới đất và dưới lòng biển. Nhưng tác giả đã chỉ tập trung ngòi bút vào trận chiến ở thành phố Saint-Malo, một thành phố nhỏ, cổ kính nằm bên bờ biển nước Pháp.


Không có nhiều lắm những cảnh chiến đấu ác liệt hay sự bắn giết kinh hoàng. Nhưng độc giả vẫn cảm thấy rõ sự tởm lợm của chiến tranh khi thấy ở đó con đường chủ nghĩa phát xít đã biến những thiếu niên nước Đức thành những kẻ giết người máu lạnh hoặc trở thành phế nhân như lời hát mà các học viên trong “Học viện Giáo dục Chính trị Quốc gia số 6” hay hát: “Chúng ta là một loạt đạn. Chúng ta là những quả đạn pháo. Chúng ta là mũi gươm”.

Werner Pfennig, một thiếu niên Đức mồ côi cha mẹ, sống trong một trại cô nhi với em gái là Jutta là một trường hợp như thế.

Werner có tài năng đặc biệt với điện đài, máy thu thanh. Cậu có thể sửa được những chiếc máy thu thanh bị hỏng trong thời gian ngắn chỉ bằng đôi tay không hoặc các dụng cụ đơn giản do cậu tự chế. Cậu mơ ước mình sẽ trở thành một nhà khoa học hay chuyên gia kĩ thuật hoặc thứ gì đó tương tự. Nhưng rồi chủ nghĩa phát xít và chiến tranh đã đẩy cuộc đời Werner bước vào ngã rẽ. Trong một lần đi sửa máy thu thanh cho ông trùm khu mỏ ở địa phương, Werner được ông ta chú ý và sau đó Werner được triệu tập tới học tại “Học viện Giáo dục Chính trị Quốc gia số 6”. Đây là ngôi trường được chính quyền phát xít lập ra nhằm đào tạo ra những thanh niên “tinh hoa” của nước Đức.

Ở đây, những cậu thiếu niên 14-15 tuổi như Werner đã trải qua những cuộc sát hạch khắc nghiệt từ lí lịch, sức khỏe tới năng lực khoa học.

Học viên được học khoa học, bắn súng và cả… cách đánh và giết người. Những tù binh có quốc tịch khác Đức được dẫn tới trường để giáo viên và học viên của trường hành hạ, đánh đập sau đó bị phơi ra dưới tuyết đến chết.


Giáo sư Hauptmann của trường phát hiện ra tài năng của Werner và cho cậu làm phụ tá. Ông là người dạy cậu phải biết nghĩ chuyện mình làm “Thuần túy là toán học” . Và rồi với tư duy như thế, Werner đã cùng ông thầy Hauptmann chế tạo được một chiếc điện đài có thể dò được vị trí chính xác của các điện đài, máy phát thanh khác. Phát minh đó về sau đã trở thành một loại vũ khí giết người vô cùng hiệu quả. Khi bị đẩy ra chiến trường vì lí lịch, Werner đã trở thành thành viên của một nhóm chuyên săn lùng điện đài của các nhóm quân du kích chống phát xít khắp châu Âu. Công việc “thuần túy là toán học” của Werner là dùng điện đài dò sóng, xác định vị trí của điện đại đối phương và Fran Volkheimer, một đàn anh có vóc dáng khổng lồ vốn học cùng trường trước kia sẽ tìm tới dùng súng hoặc lựu đạn giết tất cả những người ở đó trong chớp mắt.


Một trường hợp khác-Frederick, bạn học của Werner, một người vốn sống nội tâm, mê chim chóc, đặc biệt thích cuốn “Những loài chim của nước Mỹ” đã trở thành nạn nhân của chiến tranh từ rất sớm. Khi học tại trường Frederick đã từ chối hành hạ tù binh để rồi bị trừng phạt tàn nhẫn, bị các học viên khác bắt nạt, hành hung. Frederick đã từ trường trở về nhà trong trạng thái mất trí nhớ và phải ngồi xe lăn.


Đấy là số phận của những đứa trẻ-thiếu niên lớn lên trong bối cảnh ở Đức lời “Chào” được thay bằng câu “Heil Hitler” (chào Hitler) và tấm huy hiệu “Đoàn thanh niên Hitler” hoặc trở thành bùa hộ mạng hoặc trở thành niềm kiêu hãnh không cần che giấu.

Ở phía bên kia, chiến tranh đã đẩy hai cha con cô bé Marie-Laure ra khỏi nhà. Phải chạy trốn khắp nơi. Chiến tranh đã biến người dân, người lính cho dù là là ở Đức, Ba Lan hay Pháp đều trở thành nạn nhân và chịu nhiều đau khổ.

Werner chết vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến mà không được gặp lại em gái Jutta.

Frederick mất trí và phải ngồi xe lăn.

Marie-Laure mãi mãi không được gặp lại cha, người đã bị phát xít Đức bắt đi và đưa vào trại tập trung.


Kết cục ấy chẳng hề giống như những gì được thể hiện trong các bài diễn văn của “lãnh tụ” mà các thiếu niên thời đó như Werner say mê (trong túi áo các thiếu niên luôn có ảnh của lãnh tụ) hoặc giống như viễn cảnh mà các bài hát được thanh niên yêu thích thời ấy vẽ lên.

Và ngay cả khi tiếng súng cuối cùng trên chiến trường tan đi, chiến tranh vẫn không kết thúc.

Sau chiến tranh, Marie-Laure sống trong hoài niệm khắc khoải về Werner-người cô yêu và về người cha vẫn còn đang mất tích.

Frederick sống với lớp sương mù ở trong đầu và lớp sương mù ấy chỉ tan đi khi cậu nhận lại được bức thư của Werner gửi kèm theo trang sách viết về các loài chim mà cậu thích.

Fran Volkheimer, sống sót sau chiến tranh nhưng cô độc.

Sức sống mãnh liệt của tình yêu

Cuốn sách còn là câu chuyện về tình yêu.

Đấy là tình yêu của cô Elena, một phụ nữ độc thân người Pháp, người đã hết lòng yêu thương bọn trẻ mồ côi người Đức và chở che, chăm sóc chúng chu đáo ngay cả khi ngọn lửa chiến tranh tới gần, bùng lên đẩy người Đức và người Pháp trở thành kẻ thù của nhau. Cô đã kể chuyện và hát cho bọn trẻ nghe bằng tiếng Pháp trong những tháng ngày kinh khủng ấy.

Đấy là tình yêu vô bờ bến của người thợ khóa của Bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia dành cho cô con gái Marie-Laure LeBlanc bị mù từ nhỏ.

Đấy là tình yêu của Werner, Jutta dành cho những chương trình phát thanh khoa học bằng tiếng Pháp thu được từ điện đài. Sau này khi phát hiện ra vị trí của nơi phát ra chương trình phát thanh mình đang được lệnh phải tiêu diệt và nhận ra đấy chính đài phát thanh của những chương trình khoa học mà bản thân say mê từ nhỏ, Werner đã nói dối để ông chú của Marie-Laure LeBlanc và cô bé, những người đang thực hiện chương trình được an toàn.


Và đặc biệt nhất là tình yêu của Werner dành cho Marie-Laure. Werner chỉ nghe giọng nói cô trên sóng phát thanh nhưng cảm động và có tình cảm yêu thương. Khi nghe tín hiệu cấp cứu phát đi, Werner đã đến kịp trước khi Reinhold von Rumpel, một thượng sĩ phát xít Đức đang truy lùng viên đá “Lửa biển” làm hại cô.

Là binh sĩ Đức, được đào luyện từ nhỏ trong trường học của phát xít nhưng tình yêu và nhân tính đã thắng. Werner đã bắn phát phát súng giết người đầu tiên và cũng là cuối cùng vào Reinhold von Rumpel.

Saint-Malo đã trở thành trận địa nơi bản chất của chiến tranh đối mặt với tình yêu.

Cuốn tiểu thuyết khép lại bằng cuộc gặp gỡ của những người là nạn nhân của chiến tranh và sự trở về của những kỉ vật.

Volkheimer tìm đến gặp Jutta để trả lại những kỉ vật của Werner mà ông nhận được từ đường bưu điện.

Jutta tìm gặp Marie-Laure để nói về những kỉ niệm liên quan tới Werner.

Một vĩ thanh trầm buồn.


Để viết “Ánh sáng vô hình” Anthony Doerr đã đi thực tế ở nhiều nơi đặc biệt là Saint-Malo. Ông cũng đã tìm kiếm và đọc đi đọc lại những hồ sơ, tư liệu về cuộc chiến ở đây. “Lời cảm ơn” của ông ở cuối sách đã cho bạn đọc biết điều đó. Lợi thế “từng học chuyên ngành lịch sử” của ông đã được thể hiện rõ trong cuốn sách khi ông viết về lịch sử rất tự nhiên và chân thật. Thú thật tôi đã lúng túng khi không biết đâu là văn chương đâu là lịch sử bởi câu chuyện được kể bằng những lời đẹp như thơ trong cuốn sách của ông.

(Ảnh: Fair Use)


Nguyễn Quốc Vương


Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Lời nguyện cầu từ Chernobyl hay lời nguyện cầu cho tất cả chúng ta?


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook