Anh nông dân thu trăm triệu mỗi năm nhờ nuôi con này trong hộp nhựa
Mô hình độc đáo của anh Sơn thu hút sự quan tâm của nhiều nông dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Từ đầu năm 2023, vợ chồng anh Phạm Thanh Sơn (SN 1984), chị Phan Thị Lý (SN 1984), ở thôn Song Long, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã quyết định chi gần 700 triệu đồng đầu tư vào mô hình nuôi cua nước lợ trong hộp nhựa. Trại được xây dựng trên diện tích gần 600m2.
Anh Sơn chia sẻ, xuất phát từ kinh nghiệm nuôi cua quảng canh trong 3 năm nay nên bản thân hiểu được đặc tính của loài cua nước lợ. Tuy nhiên, nuôi cua quảng canh rất khó kiểm soát về dịch bệnh và chế độ ăn dẫn đến tỉ lệ con giống bị hao hụt chiếm hơn 40%, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập.
"Chúng tôi có kinh nghiệm nuôi cua trong hồ quảng canh nhiều năm nay nên hiểu được đặc tính của loài cua nước lợ. Sau khi tìm tòi, học hỏi trên các kênh thông tin, chúng tôi chuyển hướng sang xây dựng mô hình nuôi chúng trong hộp nhựa", anh Sơn chia sẻ với Dân Trí .
Sau khi nghiên cứu, vợ chồng anh Sơn quyết định đặt mua 6.000 hộp nhựa từ Cà Mau về, tiến hành lắp đặt hệ thống chuồng nuôi. Mỗi hộp nhựa hình chữ nhật (dài 40 cm, rộng 22 cm và cao 30 cm) được chia thành 2 ngăn, mỗi ngăn nuôi 1 con. Cua có đặc tính ít vận động và ăn thịt lẫn nhau nên phải nuôi tách biệt để đảm bảo an toàn.
"Ở nơi khác, họ xếp hộp nhựa thành nhiều tầng. Tôi nhận thấy nếu thiết kế như vậy sẽ kiểm soát và cho cua ăn khó. Chúng tôi đã cải tiến chỉ xếp thành giàn một tầng để kiểm soát con vật và vệ sinh cũng dễ dàng hơn, chỉ cần rọi đèn là biết", chị Phan Thị Lý cho hay.
Đặc biệt, hệ thống có ưu điểm nổi bật là không cần nhiều lượng nước đầu vào nhờ nguyên lý tuần hoàn, sục khí tạo oxy. Khi đưa nước vào hộp nuôi cua, thức ăn thừa, chất cặn bẩn thải ra và đi qua hệ thống lọc thô, sau đó ra bể vi sinh và hệ thống khử khuẩn bằng tia UV.
Để nuôi cua tiết kiệm nước và không gian, anh dùng các hộp nhựa xếp thành giàn; sử dụng hạt nhựa kaldnes trong hệ thống tuần hoàn. Các hạt nhựa có vai trò như san hô để lọc thức ăn thừa và chất thải giúp môi trường sống của cua được sạch hơn.
Về con giống, anh Sơn cho biết giống cua được anh mua lại từ những người dân khai thác được tại các vùng nước lợ trên địa bàn tỉnh. Cua giống tự nhiên có ưu thế là khỏe mạnh, ít dịch bệnh, sinh trưởng nhanh.
Thức ăn của cua chủ yếu là hải sản tươi như: cá trích, ngao, vẹm, ốc... Được biết, mỗi ngày chi phí thức ăn chỉ khoảng 40 - 50 nghìn đồng. So với nuôi cua trong ao thì hình thức nuôi trong hộp nhựa tốn nhiều thời gian cho ăn hơn vì phải thả thức ăn vào từng hộp. Tuy nhiên, nuôi cua hình thức này có thể kiểm soát được số lượng con nuôi, ít dịch bệnh, tiện chăm sóc, thu hoạch nhanh...
Chia sẻ với báo Hà Tĩnh , anh Sơn cho biết, nuôi cua nước lợ trong hộp nhựa quan trọng nhất là nguồn nước phải đảm bảo đủ độ pH, độ mặn và nhiệt độ môi trường nước phù hợp, dao động từ 25 - 30 độ C. Bởi vậy hằng ngày anh phải thường xuyên kiểm tra, đo các chỉ số để điều chỉnh kịp thời, đảm bảo điều kiện sống cho cua. Anh Sơn ví việc chăm sóc, giám sát cua nuôi trong hộp nhựa như "chăm con mọn".
Hiện, vợ chồng anh Sơn thả nuôi 1.200 con cua với nhiều kích cỡ khác nhau trong 6.000 hộp nhựa. "Sau hơn 2 tháng, cua đều phát triển tốt, sinh trưởng nhanh, tỉ lệ sống khỏe cao", anh Sơn nói.
Cua cứ 15 ngày lại lột một lần, mỗi lần lột, trọng lượng sẽ tăng 50g-100g. Sau thời gian nuôi khoảng 2 tháng, trọng lượng cua sẽ đạt 300g-400g/con bắt đầu có thể thu hoạch. Gia đình anh Sơn dự kiến xuất bán hơn 500 con (cả cua thịt và cua lột), thu về hơn 100 triệu đồng.
Trao đổi với Dân trí , ông Bùi Phi Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cương Gián cho biết, trại cua nuôi trong hộp nhựa của gia đình anh Phạm Thanh Sơn là mô hình đầu tiên trên địa bàn toàn tỉnh.
"Đây là mô hình nuôi trồng thủy sản sạch, áp dụng quy trình kỹ thuật chặt chẽ. Mô hình được kỳ vọng sẽ phát triển bền vững để những hộ khác học hỏi kinh nghiệm, nhân rộng trong tương lai", ông Long nói.
Minh Hoa (t/h)