Anh nông dân nuôi loài vật "độc lạ" ít ai hay, thu nhập đều tay tận 6 tỷ đồng

Chia sẻ Facebook
26/12/2023 06:58:30

Từng nhiều năm làm trong nghề xây dựng nhưng anh Chúc quyết tâm về nhà làm anh nông dân nuôi con vật "độc lạ" nhẹ nhàng thu lãi tiền tỷ mỗi năm.

Là loài gặm nhấm, dúi ăn đêm ngủ ngày, không tốn nhiều thời gian chăm sóc, thức ăn chỉ là thân cây, củ các loại nên nhiều nông dân làm giàu từ loài vật này. Điển hình mô hình chăn nuôi nhà anh Chúc mang hại hiệu quả kinh tế cao.

Từ một loài động vật hoang dã khó thuần, ít người biết đến, qua bàn tay Chúc, con dúi, don đã trở thành một loại đặc sản được nhiều người yêu thích với giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao.

Theo tìm hiểu trang trại nuôi con dúi, con don và chồn mốc của anh Nguyễn Văn Chúc ở Cần Thơ rộng khoảng 1.000m2. Nói về cái duyên trước khi nuôi các con vật "độc lạ" nói trên, anh Chúc có nhiều năm làm trong nghề xây dựng. Công việc này cho anh cơ hội đặt chân đến nhiều vùng miền và được thưởng thức nhiều món ăn ngon, lạ.


“Cách đây khoảng 9 năm, trong một lần đi công tác ở Tây Bắc, tôi được thưởng thức món thịt dúi, don thơm ngon. Sau đó, khi tôi đến xây nhà cho một người bạn thì biết đến mô hình nuôi động vật hoang dã rồi mê luôn”, anh Chúc chia sẻ với Vietnamnet.

Từ một người làm nghề xây dựng, anh Chúc muốn làm anh nông dân chịu khó, ham học hỏi và khát vọng làm giàu. Ảnh: Vietnamnet.

Có niềm đam mê với con vật "độc lạ" anh Chúc đã mày mò, tìm hiểu kỹ thuật nuôi dúi, don, chồn mốc từ người quen và tra cứu thêm nhiều thông tin liên quan trên mạng Internet.

Sau một thời gian khảo sát và tìm hiểu tài liệu về các động vật hoang dã như con dúi, don, chồn, anh Chúc quyết định mua 10 cặp dúi giống về nuôi thử nghiệm.

“Làm nghề xây dựng thu nhập không ổn định, khi thấy mô hình nuôi động vật hoang dã có thể giúp cải thiện kinh tế gia đình tôi quyết bỏ nghề để chuyên tâm chăn nuôi”, anh Chúc nhớ lại quãng thời gian khởi nghiệp.

Mang dúi về nuôi sau khoảng 1 năm, đàn dúi của anh Chúc phát triển tốt, bắt đầu sinh sản. Lúc này, người đàn ông này quyết định mua thêm con chồn mốc, con don giống về nuôi.

“Tôi có tổng cộng 3 trang trại trải dài từ Bắc vào Nam. Riêng quy mô trang trại tại Cần Thơ rộng 1.000m2, được chia làm 3 khu gồm: khu nuôi dúi, khu nuôi chồn và khu nuôi don. Tổng đàn dúi, don, chồn mốc tại đây là khoảng 1.000 con”, anh Chúc nói.

Sau một thời gian khởi nghiệp, trang trại nuôi động vật hoang dã của anh Chúc đông lên trông thấy. Đặc biệt, trang trại nuôi động vật hoang dã của anh Chúc đều do anh em trong nhà chăm sóc.

Để trang trại ngày càng phát triển mỗi ngày, vào buổi sáng, họ dành khoảng 1 tiếng cho đàn dúi, don, chồn mốc ăn và 1 tiếng vào buổi chiều để dọn dẹp chuồng trại.

“Nguồn thức ăn của con dúi rất đơn giản, gồm: tre, mía và bắp. Mỗi năm, 1 con dúi mẹ đem về nguồn thu cho tôi khoảng 6 triệu đồng. Còn chồn mốc nuôi rất dễ, thức ăn chủ yếu là chuối chín. Tương tự, con don nó ăn chuối chín, khoai lang, bắp cải,... ”, anh Chúc cho hay.

Mang con don, dúi và chồn mốc nuôi khoảng 1 năm là bắt đầu sinh sản. Dúi sinh sản 3 lần/năm; don và chồn mốc mỗi năm đẻ 2 lứa.

"Chồn mốc nuôi khoảng 1 năm là có thể bán thương phẩm, khi đó chúng đạt trọng lượng 7-8 kg/con; giá bán từ 1,8-2 triệu đồng/kg. Về sinh sản, chồn mốc để từ 3-5 con/lứa. Ưu điểm của chồn mốc so với chồn hương là chúng dễ nuôi, trọng lượng lớn hơn, có thể đạt tới 15kg. Còn nhược điểm là chất lượng thịt của chồn mốc không bằng chồn hương”, anh Chúc chia sẻ.

Con dúi khá đắt đỏ đặc biệt dúi mốc và má đào nuôi khoảng 1 năm đạt trọng lượng từ 3-5 kg/con. “Dúi mốc có giá từ 500.000-600.00 đồng/kg; còn dúi má đào từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg.

“Còn con don thuộc họ nhím, mình nuôi khoảng 1 năm thì chúng đạt trọng lượng khoảng 5kg, giá bán từ 1,4-1,6 triệu đồng/kg”, anh Chúc nói. Chuồng nuôi phải đảm bảo vừa đủ ánh sáng “không quá tối, cũng không quá sáng” thì dúi, don, chồn sẽ phát triển tốt.

Mô hình nuôi động vật hoang dã nhà anh Chúc. Ảnh: Báo Vietnamnet.

Nuôi con vật này mang lại kinh tế khá cao, theo đó với 3 trang trại, mỗi năm trừ hết chi phí anh Chúc thu về từ 5-6 tỷ đồng. Trong đó, riêng trang trại tại Tp.Cần Thơ anh thu về hơn 1,5 tỷ đồng.


Cách phòng bệnh cho dúi, không phải ai cũng biết

Hiện nay, nuôi Dúi là một mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Dúi trong tự nhiên đang khan hiếm dần do săn bắt nên hiện nay dúi không đủ cung cấp cho thị trường. Trước nhu cầu của thị trường thì con dúi đang được bà con nông dân đưa vào nuôi. Tuy nhiên mô hình nuôi dúi xuất hiện chưa nhiều mặc dù những mô hình nuôi dúi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để giúp bà con nông dân tham khảo và có thể tổ chức nuôi, chúng tôi xin giới thiệu một số kỹ thuật cơ bản nuôi dúi:

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Lào Cai để phòng bệnh cho dúi, chuồng trại phải đảm bảo khô ráo, sạch sẽ và thoáng mát, tránh mưa tạt, gió lùa, nắng nóng và không cần ánh sáng trực tiếp... con dúi là động vật hoang dã, mới được thuần hóa, sức đề kháng rất mạnh nên ít dịch bệnh. Tuy nhiên, dúi vẫn bị một số bệnh thông thường như bệnh ký sinh trùng ngoài da, bệnh đường ruột…


- Bệnh ký sinh trùng ngoài da: Một số bệnh ngoài da ở dúi do ve, mò (1 loài ký sinh) cắn gây nên ghẻ lở, ta có thể dùng thuốc kháng sinh bôi hoặc dúi tự liếm cũng có thể khỏi. Để phòng bệnh, ta nên định kỳ vệ sinh sát trùng, tẩy uế chuồng trại và xung quanh 1 - 2 lần/tháng.


- Bệnh đường ruột: Thường do khẩu phần thức ăn cung cấp không đầy đủ thành phần và giá trị dinh dưỡng nên dúi có thể bị tiêu chảy, trong trường hợp đó, ta có thể dùng thuốc điều trị tiêu chảy hoặc bổ sung thêm thức ăn, nước uống đắng, chát như ổi xanh, cà rốt, rễ cau, rễ dừa... Để phòng bệnh tiêu chảy, không nên sử dụng các loại thức ăn hôi thối, ẩm mốc, khẩu phần thức ăn phải phong phú và đa dạng.


- Dúi thích ánh sáng tán xạ: Chuồng nuôi nên làm nửa sáng, nửa tối, không cần ánh sáng trực tiếp, tránh mưa tạt, gió lùa và nắng nóng, đảm bảo khô ráo, sạch sẽ và thoáng mát. Nền và sân chuồng nên tráng bằng bê tông dốc 1 - 2%, dày 8 - 10cm để dúi không đào hang chui ra ngoài và thoát nước… Xung quanh rào bằng lưới ô vuông hoặc B40, cao 1,0 - 1,5 m, phía trước có cửa ra vào thuận lợi. Mỗi ô chuồng nuôi 1 - 2 con chỉ cần khoảng 1m². Hệ thống cống rãnh thoát nước thiết kế ở phía sau, ngoài chuồng.


- Có thể làm hang nhân tạo cho dúi: Trong tự nhiên, dúi hay ở hang nên ta cũng có thể làm hang nhân tạo cho dúi (bằng tôn uốn cong hoặc bằng ống cống đường kính 30 - 40 cm) và để ở ngoài sân chơi để tiện vệ sinh.


- Thức ăn: Về thức ăn của dúi phong phú và đa dạng, bao gồm tất cả các loại rau, củ, quả, rễ cây, mầm cây ngọt bùi đắng chát… thức ăn tinh hỗn hợp, thức ăn bổ sung khoáng, sinh tố…, thức ăn động vật gồm: côn trùng, ốc, giun đất...

Lưu ý: Dúi, don, chồn là động vật hoang dã, người dân muốn nuôi phải xin phép kiểm lâm sở tại, xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của con vật.


Trúc Chi (t/h)

Chia sẻ Facebook