Anh nông dân nuôi con vật "khó tính", nào ngờ lãi 180 triệu

Chia sẻ Facebook
18/01/2024 07:31:10

Từng tốt nghiệp một trường cao đẳng nghề nhưng Khoa loay hoay mãi vẫn chưa tìm được công việc phù hợp nên rẽ ngang khởi nghiệp với con vật ví như “cục bông di động".

Anh Lê Đình Khoa ở Quảng Nam từng tốt nghiệp một trường cao đẳng nghề, vào thời điểm mới ra trường anh loay mãi vẫn chưa tìm được công việc phù hợp. Sau đó, anh quyết định đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc 5 năm với mong muốn học hỏi thêm kinh nghiệm và có một số vốn để về quê xây dựng sự nghiệp. Với mong muốn làm giàu, năm 2015, anh trở về với quyết tâm làm giàu cùng mô hình nuôi thỏ mà xưa nay trong vùng chưa ai nuôi.


Chia sẻ với Dân Việt , anh Khoa cho hay: "Khi còn lao động ở Hàn Quốc, tôi biết đến con thỏ không chỉ là thú cưng mà còn là vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao nên rất thích thú. Vì thế, sau khi về quê tôi đã dùng số vốn 150 triệu đồng để bắt tay ngay vào việc xây dựng chuồng trại và mua 50 con thỏ giống về nuôi".

Thuở mới khởi nghiệp tại quê hương, do những ngày đầu anh Khoa chưa có kinh nghiệm nên đàn thỏ của gia đình phát triển chậm, thỏ con sinh ra đều chết dần. Mặc dù khó khăn là vậy nhưng anh nông dân này không vội nản lòng, anh vẫn tiếp tục nuôi, khắc phục khó khăn và xem thất bại là một bài học kinh nghiệm quý giá để đi đến thành công.

Nói về chăn nuôi thỏ, anh Khoa nhấn mạnh, con thỏ cho lợi nhuận cao hơn nhiều so với những vật nuôi truyền thống. Nhưng, đây là loài vật "khó tính", khó nuôi, đòi hỏi người nuôi phải kiên trì, chịu khó và am hiểu rõ đặc tính sinh trưởng của nó thì mới có thể cho hiệu quả kinh tế ổn định.

Anh nông dân này không ngừng học hỏi thêm kinh nghiệm, tìm đến các trại nuôi thỏ cho hiệu quả cao để tham quan, trao đổi kỹ thuật và mua giống. Ảnh: Báo Dân Việt.

Nhờ chăm chỉ và chăm học hỏi, đến nay, anh Khoa nuôi thỏ trên tổng diện tích 260m2 và được chia làm 2 trại. Một trại nuôi thỏ thương phẩm luôn được giữ nhiệt độ trên 30 độ C (trại nóng), trại còn lại nuôi thỏ sinh sản nên mức nhiệt dao động từ 27-30 độ C (trại lạnh). Chuồng trại được anh xây dựng hoàn toàn khép kín, gồm hệ thống làm mát, quạt thông gió, chuồng nuôi nhốt, máng ăn uống tự động... đảm bảo nhiệt độ phù hợp để thỏ phát triển. Đáng chú ý, các dãy chuồng thỏ được bố trí cao hơn nền đất khoảng 1m để phân, nước tiểu và thức ăn thừa rơi xuống lớp đệm lót sinh học.

Sau một thời gian dài khởi nghiệp và tích lũy kinh nghiệm, anh Khoa đang thử nghiệm cách nuôi nhốt thỏ tập thể thay vì nuôi mỗi con một ngăn chuồng và bước đầu nhận thấy rất hiệu quả. Cách nuôi này sẽ giúp thỏ cùng lứa với nhau thì sẽ không tốn nhiều diện tích chuồng, thỏ thịt mau lớn hơn và ít tốn công chăm sóc.

Nói thêm về phương pháp nuôi thỏ sinh sản, anh Khoa nhấn mạnh, thỏ cái trưởng thành sau 5 tháng sẽ được giao phối. Thỏ là loài mắn đẻ, trung bình một con thỏ đẻ 9 lứa/năm, mỗi lứa khoảng 6 con. Thỏ con sau 25 ngày được tách mẹ và có thể xuất bán giống (tùy theo yêu cầu của khách hàng), nuôi khoảng 4 tháng là được xuất bán thịt.

Sau khi trừ chi phí, mô hình nuôi thỏ đem lại cho gia đình anh mức lãi khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng (khoảng 180 triệu đồng/năm). Không chỉ làm giàu cho riêng mình, anh Khoa luôn sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật và nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi thỏ cho thanh niên, bà con nông dân địa phương.

Anh nông dân vươn lên làm giàu nhờ chăn nuôi thỏ. Ảnh minh họa.

Có niềm đam mê với những “cục bông di động”, anh Khoa bộc bạch: "Nuôi thỏ không tốn nhiều sức lao động, chi phí thức ăn thấp mà mang lại lợi nhuận cao, rất phù hợp với bà con nông dân vùng nông thôn muốn có thêm thu nhập. Vì thế, tôi luôn cung cấp con giống với giá cả phải chăng, bao tiêu đầu ra để bà con nông dân có điều kiện phát triển kinh tế bền vững".

Có thể bạn chưa biết, so với thịt heo, thịt bò, thịt gà, thịt dê thì thịt thỏ không ngon bằng nhưng giá trị dinh dưỡng của nó cao hơn nhiều. Cụ thể, hàm lượng protein trong thịt thỏ khoảng 21,50%, cao gấp đôi hàm lượng protein ở thịt heo, thịt dê, hơn 18,7% ở thịt bò và hơn 33% ở thịt gà. Trong khi đó hàm lượng mỡ lại chỉ có 0,4%, bằng 1/16 ở thịt lợn, 1/7 ở thịt dê và bằng 1/5 ở thịt bò. Còn hàm lượng cholesterol, cứ 100g thịt thỏ thì có khoảng 60 - 80mg, thấp hơn các loại thịt khác… Từ đó có thể thấy thịt thỏ là một loại thức ăn có lượng protein cao, lượng mỡ và cholesterol thấp.

Do thịt thỏ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng nên được nhiều người lựa chọn. Nắm bắt được xu thế này, nhiều nông dân chăn nuôi trang trại thỏ và có thu nhập cao.

Kỹ thuật nuôi và chăm sóc thỏ cho hiệu quả kinh tế cao

Giai đoạn 1: Ở giai đoạn khi thỏ còn nhỏ tính từ lúc cai sữa từ 30 - 70 ngày tuổi có đến 70 - 80% thỏ đực thừa được đưa vào nuôi thịt. Ở giai đoạn này vẫn nuôi chung đực, cái và con để làm giống.

Giai đoạn 2: Ở giai đoạn này gọi là thỏ nhỡ (từ 70 đến 90 ngày tuổi nuôi dưỡng để thỏ sinh trưởng và phát triển đầy đủ tất cả và hoàn chỉnh.

Cả hai giai đoạn này, chưa cho thỏ ăn nhiều loại thức ăn dễ tích lũy mỡ (như ngô, cám, gạo, cơm...) cần cung cấp thức ăn giàu protein, vitamin, đủ chất xơ...

Giai đoạn 3: Cuối cùng là giai đoạn nuôi vỗ béo từ 90 - 120 ngày tuổi. Có khi chỉ vỗ béo 20 ngày là giết thịt. Giai đoạn này nuôi dưỡng để thỏ béo nhanh, giá thành 1kg hơi thấp nhất. Ở giai đoạn này cho ăn các loại thức ăn giàu tinh bột với tỉ lệ thích hợp như cám ngô, cám gạo, khoai sắn khô (60 - 100 g/con/này), các loại thức ăn thô xanh có thể giảm bớt (bình quân giai đoạn này chỉ cần 400 g/con/ngày).


Để cho nhanh lớn và cho năng suất cao, người chăn nuôi cần chú ý đến thức ăn. Thông thường thức ăn chính chính của thỏ là lá ngô, su hào, bắp cải... đó là những thức ăn thô cho thỏ, lá cây đậu, lạc, xoan, sung, mít, lá đu đủ, lá chuối, đậu lạc, cỏ ghi-nê, chè đại, cỏ voi... nên cho thỏ ăn thức ăn đa dạng, thông tin trên Dân tộc và Phát triển.

Lưu ý thức ăn xanh cho thỏ cần thu hái từ nguồn sạch sẽ. Không được cắt thức ăn ở những nơi chăn thả gia súc, gia cầm hoặc đọng nước để tránh các bệnh giun sán. Cũng không được cho thỏ ăn thức ăn đã bị mốc, chua, nẫu, lên men để tránh các bệnh tiêu chảy, trướng bụng đầy hơi. Không nên chất thức ăn thô xanh (cỏ, lá) thành đống sau khi cắt về, mà nên rải ra hoặc làm giàn phơi ráo nước mới cho ăn.


Trúc Chi (t/h)

Chia sẻ Facebook