Anh nông dân lãi 700 triệu đồng/năm nhờ nuôi con đặc sản "thích ăn gà"

Chia sẻ Facebook
05/04/2024 07:30:28

Bằng sự gan dạ và nhẫn nại, anh Phan Thanh Bình đã “thuần phục” được loài vật nuôi nguy hiểm này để cải thiện đáng kể lợi nhuận kinh tế cho gia đình.

Thời gian gần đây, việc gây nuôi động vật hoang dã (trong đó có nuôi rắn hổ mang) được xem là xu thế phát triển kinh tế mới khi vừa mang đến lợi nhuận cao, vừa góp phần làm phong phú thêm vật nuôi tại huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng.

Tuy nhiên, việc phát triển nghề nuôi các con động vật hoang dã cũng gặp những khó khăn, nguy hiểm, dễ thấy nhất là với mô hình nuôi rắn hổ mang.

Trước đây, với mong muốn nuôi động vật hoang dã vừa để phát triển kinh tế gia đình, vừa tạo hướng đi riêng biệt, anh Bình đầu tư nuôi ba ba và trăn. Tuy nhiên, được một thời gian thì thị trường bão hòa, đầu ra khó, giá cả bấp bênh dẫn đến thu nhập không cao.


Năm 2015, tình cờ biết được mô hình nuôi rắn hổ mang cho thu nhập cao, anh tìm hiểu rồi quyết định chuyển sang nuôi rắn. “Thời điểm đó ở miền Tây ít người nuôi trong khi nhu cầu tiêu thụ tại nhà hàng, quán ăn khá cao. Vì vậy, tôi quyết định cải tạo chuồng trăn, tìm mua rắn hổ mang giống về nuôi thử nghiệm”, anh Bình kể với báo Thanh Niên.

Từ 70 con rắn giống ban đầu vào năm 2015, đến nay anh Bình đã phát triển được trại nuôi rắn hổ mang quy mô lớn trên địa bàn huyện Mỹ Tú.

Anh Bình hiểu rõ tập tính, thói quen của rắn hổ mang. Ảnh: Người Lao Động

Theo anh Bình, việc chăm sóc rắn hổ mang không hề phức tạp. Cách 5 ngày mới vào chuồng cho rắn ăn và kiểm tra rắn một lần; dịch bệnh trên rắn cũng ít khi xảy ra.

Hiểu rõ đây là vật nuôi có nọc độc khá nguy hiểm, nên các khu nuôi được anh xây dựng biệt lập với nhà ở của gia đình cũng như các hộ lân cận.

Mỗi khu đều được xây dựng bằng đá, có cửa khóa chắc chắn, các hộc rắn độc cũng được che chắn kỹ bằng lưới sắt mắt nhỏ, đảm bảo không để rắn thoát ra môi trường bên ngoài.


"Là rắn độc nhưng nếu biết thuần dưỡng và không chọc phá, đánh động, đuổi bắt thì hổ mang rất hiền lành. Ngoài ra, chế độ chăm sóc, cho chúng ăn phải hết sức chu đáo, đúng giờ, đúng ngày. Thức ăn của rắn hổ mang thường là gà, vịt con được nhổ lông thật sạch hoặc cá nguyên con", anh Bình tiết lộ với báo Người Lao Động.

Bí quyết giúp anh Bình nuôi rắn hổ mang thành công chính là hiểu rõ tập tính, thói quen của loài này. Rắn hổ mang bố mẹ được nuôi riêng trong mỗi chuồng. Chuồng nuôi không cần ánh sáng, được rải ít đất để làm mát cho rắn. Sau khi thả vào phối giống xong thì thả mỗi con về chuồng riêng. Sau 30-40 ngày phối giống, rắn mẹ sẽ đẻ trứng. Trứng rắn được ủ dưới 2 lớp cát khoảng 60 ngày, sau đó sẽ nở ra rắn con.

Một con rắn hổ mang to bự đang được anh Bình đưa ra khỏi hộc nuôi.

Hiện nay, trại rắn của anh Bình sở hữu trên 1.000 con hổ mang bố mẹ, trên 1.000 con đang trong giai đoạn tăng trưởng và gần 3.000 con mới nở. Năm 2023, anh xuất bán trên 2 tấn rắn hổ mang thành phẩm với giá 650.000 - 750.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi gần 700 triệu đồng. Với rắn hổ mang giống, anh cũng nhận được nhiều đơn đặt hàng. Theo kế hoạch, đến tháng 4/2024, anh sẽ bán khoảng 3.000 rắn giống với giá 120.000 - 150.000 đồng/con.

Hiện, mô hình nuôi rắn hổ mang của anh Phan Thanh Bình đã trở thành mô hình kinh tế nổi bật của xã Mỹ Tú; đồng thời là địa chỉ tham quan quen thuộc của rất nhiều người dân trong tỉnh. Đây cũng là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả mà xã Mỹ Tú sẽ triển khai nhân rộng tại những hộ có điều kiện; nhằm cải thiện thu nhập cho bà con địa phương, đặc biệt là lực lượng đoàn viên thanh niên.

Mặc dù là một ngành nghề khá lý tưởng với lợi nhuận kinh tế cao. Nhưng rắn hổ mang được xác định là loài vật nuôi nguy hiểm.  Chính vì thế, hộ nuôi cần có sự am hiểu kỹ càng về quy trình chăm sóc cũng như thực hiện một số thủ tục đăng ký cần thiết khi có nhu cầu phát triển mô hình.

Ông Nguyễn Thanh Điền, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú, cho biết trại rắn của anh Bình luôn tuân thủ các quy định của nhà nước về việc chăn nuôi động vật hoang dã, như: đăng ký trang trại, ghi chép, báo cáo số lượng phát triển với các cơ quan chức năng... Trang trại được rào chắn rất an toàn, biệt lập, xa nơi đông dân. "Đây là mô hình làm kinh tế hiệu quả của địa phương, đem lại thu nhập cao", ông Điền nhận xét.

Trong khi đó, “càng nuôi càng mê” là chia sẻ chân tình của anh Phan Thanh Bình về nghề nuôi rắn hổ mang cực độc mà khi mới nghe qua ai nấy cũng không tránh khỏi sự ái ngại.

Với rất nhiều ưu điểm như: dễ chăm sóc, không tốn nhân công hay giá trị kinh tế cao,...Nuôi rắn hổ mang là xu hướng phát triển thích hợp trong giai đoạn hiện nay; từng bước góp phần đa dạng giống vật nuôi tại địa phương cũng như tạo sinh kế bền vững cho bà con ở vùng nông thôn.

Tuy nhiên, đảm bảo mọi giải pháp an toàn tuyệt đối khi tiếp cận mô hình nuôi rắn độc vẫn là vấn đề quan trọng hàng đầu mà hộ nuôi cần phải chú ý.


Minh Hoa (t/h)

Chia sẻ Facebook