Anh nông dân lãi 200 triệu/năm nhờ nuôi con "đen sì" trong bể xi măng
Để nuôi loài vật này, anh Tuấn chọn bể xi măng với hệ thống điều tiết nước tự động. Thức ăn được tận dụng từ rau củ quả phế phẩm. Chi phí thấp nhưng hiệu quả cao.
Mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, năm 2019, anh Trần Vũ Tuấn (49 tuổi, ở thôn Xuân Kỳ, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) bỏ phố về quê lập nghiệp với mô hình nuôi ốc bươu đen.
"Tôi vào miền Nam lập nghiệp và gắn bó với nghề xây dựng suốt 25 năm. Tuy công việc khấm khá, nhưng tôi luôn đau đáu nỗi niềm "tha hương cầu thực". Năm 2018, khi phong trào nuôi ốc bươu đen phát triển mạnh, tôi nghĩ đến mảnh vườn rộng ở quê nhà và bắt đầu tìm tòi, học hỏi và quyết định về quê khởi nghiệp nuôi ốc", anh Tuấn chia sẻ với Dân Việt.
Vì vốn kiến thức về con giống, kỹ thuật chăm sóc chưa có nên anh Tuấn đã phải lặn lội vào tận Đồng Nai học kỹ thuật nuôi, đồng thời tìm tòi trên mạng internet để bổ sung kiến thức. Trở về quê, anh cải tạo hơn 1.000m2 đất vườn tạp của gia đình, trong đó hơn 500m2 xây dựng 39 hồ xi măng, diện tích mỗi hồ 10m2, có hệ thống điều tiết nước tự động, nuôi 2.500-3.000 con ốc.
Ban đầu, do thiếu kinh nghiệm, cùng với việc trại nuôi thiếu nguồn nước cung cấp vào mùa hè, ốc bị nhiễm bệnh, thất thoát. Không nản chí, anh Tuấn dành nhiều thời gian "ăn ngủ" cùng ốc, tìm cho được nguyên nhân để khắc phục.
Lần thứ hai, anh tiếp tục mua giống thả nuôi với lòng tin sẽ có hiệu quả. Nhờ đã có kinh nghiệm, vững kỹ thuật nên ốc dần phát triển và sinh trưởng tốt. Sau một năm nuôi hiệu quả, anh Tuấn đầu tư thêm 12 hồ lót bạt và 2 hồ đất trên diện tích 200m2.
Bên cạnh đó, để có đầu ra ổn định, anh Tuấn chủ động liên kết thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, đồng thời tham gia các hội, nhóm nuôi ốc bươu đen trên mạng xã hội để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm.
Anh Tuấn cho biết, ốc bươu đen là loài ưa sạch, nên yếu tố môi trường nước sạch rất quan trọng, quyết định sự thành bại của lứa ốc đó. Vì thế, khoảng 10-15 ngày anh sẽ thay nước hồ một lần, duy trì độ pH từ 7-8. Sau mỗi vụ sẽ dọn vệ sinh hồ nuôi một lần, dùng men vi sinh và vôi để xử lý ao hồ. Sau đó mới bơm nước vào hồ nuôi và duy trì mực nước khoảng 45cm.
Đặc biệt, không nuôi ốc bươu đen chung với các loại cá ăn thịt, vịt, ngan, bởi thức ăn của những loài này chính là ốc và trứng ốc. Trong quá trình nuôi ốc bươu đen, anh Tuấn thả cá hà lan vào hồ để diệt lăng quăng, làm sạch môi trường nước.
Am hiểu đặc tính chịu nóng kém và thích trú ẩn dưới bóng mát của ốc, anh Tuấn che lưới chống nắng hoặc làm giàn để những dây bầu, bí, mướp leo lên tạo mát, thả thêm nhiều cây lục bình trên mặt nước để "làm nhà" cho ốc.
Vào mùa đông, ốc gần như không hoạt động nên anh giảm bớt nước trong hồ và thả nhiều bèo để giữ ấm cho ốc. Cùng với đó, để ốc bươu đen khỏe mạnh, nhanh lớn, anh Tuấn chú trọng cung cấp lượng thức ăn vừa đủ, đều đặn, không cho ăn quá nhiều. Bởi thức ăn thừa dễ làm ô nhiễm môi trường nước, khiến ốc dễ mắc bệnh và chết. Trung bình mỗi hồ nuôi rộng 10m2 chỉ tốn 1kg thức ăn/2 tháng.
Anh Tuấn cho biết: "Nuôi ốc bươu đen chỉ mất nhiều chi phí đầu tư ban đầu, nhưng đầu tư chỉ một lần mà thu lợi lớn về lâu dài...".
Được biết, anh Tuấn đã tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có tại vườn như: rau, ổi, bầu, mướp, lá sắn, bèo, rong… để giúp ốc bươu đen phát triển khoẻ mạnh mà tiết kiệm được chi phí thức ăn, làm sạch nguồn nước...
Theo anh Tuấn, ốc bươu đen rất dễ nuôi dưới nhiều hình thức như: nuôi trong bể lót bạt, bể xi măng, thả trực tiếp trong ao đất. Trung bình ốc nuôi từ lúc nở đến khi xuất bán mất khoảng 4 tháng.
Để chủ động được nguồn ốc giống, anh tự mày mò cách nuôi ốc sinh sản quanh năm. Khi ốc bươu đen đạt 4 tháng, anh sẽ lựa những cặp ốc bố mẹ to và cho vào ao đất sinh sản để đạt năng suất hơn. Chu kỳ sinh sản của ốc bươu đen là từ tháng 3 đến tháng 10 âm lịch, mỗi cặp sẽ đẻ trứng 3 lần/tháng, với tỉ lệ trứng nở thành ốc con đạt 80%.
Anh Tuấn chia sẻ: "Sau khi ốc đẻ, thì sáng sớm tôi đi thu gom trứng cho vào thùng xốp ấp. Để trứng phát triển tốt và tỉ lệ nở cao, tôi thường xuyên kiểm tra và điều chỉnh nhiệt độ, giữ ẩm thùng ấp giống như ở ngoài tự nhiên. Sau khi ấp nở và ươm giống khoảng 20 ngày, thì ốc con đạt kích cỡ bằng hạt đậu là có thể xuất bán giống hoặc tiếp tục nuôi thương phẩm".
Trung bình mỗi năm, anh Tuấn xuất bán 3 vạn ốc giống với giá 400-700 đồng/con (tuỳ kích cỡ). Nuôi 2 vụ ốc thương phẩm, xuất bán từ 2-3 tấn ốc bươu đen mỗi vụ, với giá bán từ 70.000-85.000 đồng/kg (tuỳ loại). Sau khi trừ mọi chi phí, anh thu về mức lãi hơn 200 triệu đồng/năm.
Ngoài nuôi ốc bươu đen, trên diện tích đất vườn còn dư, anh Tuấn cho trồng thêm ổi, mít, cau và chăn nuôi gà, vịt, bò để xoay vòng vốn. Đặc biệt, anh Tuấn cũng đang cho nuôi thử nghiệm lươn đồng sống chung với ốc bươu đen.
Chia sẻ với Dân Trí về ý tưởng này, anh Tuấn nói, trong một lần vớt bèo về thả vào hồ có lẫn những con lươn đồng, anh để nuôi vài tháng thì phát hiện lươn và ốc vẫn phát triển bình thường. Hơn nữa, lươn còn sinh trưởng tốt trong bể nuôi ốc và có màu vàng đẹp.
"Ốc sống ở tầng mặt, lươn sống tầng đáy nên không ảnh hưởng đến nhau. Những con ốc hao hụt trở thành thức ăn cho lươn. Bên cạnh đó tôi nuôi thêm trùn quế để bổ sung thực phẩm cho lươn. Giá bán lươn cao gấp 3 lần ốc bươu. Tôi thấy mô hình này triển vọng nên đang nhân rộng", anh Tuấn chia sẻ thêm.
Theo ông Văn Đức Mạnh - Chủ tịch Hội nông dân xã Điện Quang, mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Trần Vũ Tuấn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyên canh, đem lại giá trị kinh tế cao.
Minh Hoa (t/h)