Anh nông dân kiếm bộn tiền nhờ trồng loại cây mọc "ngoài bờ ngoài bụi"

Chia sẻ Facebook
07/02/2024 05:15:17

Ban đầu, khó ai tin rằng một loại cây trồng "ngoài bờ ngoài bụi" lại có ngày có thương hiệu và "đi xa". Thế nhưng, anh An đã khiến mọi người phải nghĩ khác.

Đưa cây sả đi nước ngoài là điều mà anh Nguyễn Hoài An (sinh năm 1993, ngụ xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) đã làm được trong mấy năm qua. Điều đó đánh dấu bước ngoặt mới đầy triển vọng về một loại cây gia vị hết sức gần gũi thường được trồng sau vườn nhà của những gia đình thôn quê miền Tây.


Chia sẻ với báo Vĩnh Long, anh An cho biết từ khi còn là sinh viên anh đã mang trong mình ước mơ đổi đời “mà phải là đổi đời trên chính quê hương của mình”.

“Học Đại học xong tôi đi lao động ở Nhật, tôi mong có thể học được những điều hay để về áp dụng. Những lúc có thời gian, tôi hay lang thang từ chợ đến các hệ thống siêu thị.

Tôi thấy nông sản nhập khẩu qua đây được bán với giá rất cao đặc biệt là các loại gia vị, trong đó có cây sả. Vậy tại sao cây sả nước mình ngon mà lại ít có mặt ở thị trường này?” anh An nhớ lại. Mang theo niềm trăn trở ấy anh trở lại Việt Nam.

Anh Nguyễn Hoài An đặt trọn niềm tin vào tương lai của cây sả. Ảnh: báo Pháp luật Việt Nam.

“Ở quê tôi cây sả hết sức gần gũi, dường như nhà nào cũng có vài bụi sả để dành ăn. Cây sả tính ấm, vị thơm nồng đặc trưng”, vậy là anh Hoài An đã chọn gắn bó lâu dài với cây sả.

Để có được nguồn sả dồi dào đảm bảo cung ứng thì phải tạo ra vùng nguyên liệu. Năm 2019, anh đến huyện Bình Tân thuê hơn 20ha đất để trồng sả. Theo anh Hoài An, cây sả dễ trồng, sau 4 tháng là có thể thu hoạch.

Tuy nhiên, thời gian đầu ai cũng bảo việc kinh doanh này đồng nghĩa với “ném tiền qua cửa sổ”. Gia đình, người thân không ai tin rằng một loại cây trồng "ngoài bờ ngoài bụi" lại có thể có thương hiệu và "đi xa".


"Hành trình kiếm đầu ra cho cây sả ban đầu cũng vất vả và gian nan hơn trong tưởng tượng", anh Hoài An chia sẻ với báo Pháp luật Việt Nam . Chàng trai trẻ đã phải “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” tại các điểm đầu mối với mong muốn tìm "đầu ra" cho cây sả.

“Tôi đi các chợ nhỏ quanh khu vực bỏ mối. Sau đó thì tiếp cận được với các mối chuyên sỉ rau củ quả ở các chợ lớn, vậy là công việc làm ăn của tôi dần ổn định. Mỗi ngày các đầu mối này sẽ chủ động liên hệ qua điện thoại dặn số lượng họ cần và giờ lấy. Tiếp đó từ bạn bè tôi có cơ duyên được làm đơn vị gia công để xuất khẩu cây sả”, anh bộc bạch.

Anh An liên kết với một số công ty để đẩy mạnh việc xuất khẩu sả sang thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Malaysia. Ảnh: báo Vĩnh Long

Sau quá nỗ lực không ngừng cùng niềm tin thành công, giờ đây trung bình mỗi ngày cơ sở của anh Hoài An cung cấp ra thị trường trong nước từ 5 - 10 tấn sả cây. Anh cũng liên kết một số công ty để đẩy mạnh việc xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Malaysia, với sản lượng hơn 200 tấn/kỳ xuất khẩu.

“Đối với thị trường trong nước, hiện tại mình đã đáp ứng được cho các chợ miền Tây. Còn về xuất khẩu thì mình đi để có kinh nghiệm. Đến khi vùng trồng ổn định rồi mới dám nhận những đơn hàng lớn”, anh Hoài An cho biết thêm.

Tuy nhiên, anh An vẫn thấy việc cung cấp sản phẩm từ cây sả ra thị trường vẫn chưa tận dụng được triệt để. Đó là loại cây này mới được lấy thân bán, còn lượng lớn lá sả thải bỏ. Tiếc lá sả, anh An mạnh dạn nghiên cứu theo hướng sản xuất tinh dầu sả.

Kỹ thuật tinh chế dầu sả khá phức tạp. Chưa có kinh nghiệm nên ban đầu sản phẩm tinh dầu sả của anh An thất bại, số vốn đầu tư gần 300 triệu đồng cũng sắp cạn kiệt. Nhưng với quyết tâm cao, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cuối cùng tinh dầu sả của anh An đã có mặt trên thị trường và được nhiều người tiêu dùng đón nhận.

Nhiều lao động tại xã Tân Thành có thêm thu nhập nhờ vào cơ sở của anh Hoài An.

Ảnh: báo Pháp luật Việt Nam

Sau đại dịch Covid -19, nhất là từ đầu năm 2023 đến nay, nhu cầu về việc làm, tuyển dụng lao động của nhiều công ty gặp khó. Nhưng nhờ vào dự án trồng sả xuất khẩu với số lượng lớn, anh An đã giúp đỡ cho gần 100 lao động địa phương có thêm thu nhập.

Bà Nguyễn Thu Hồng (SN 1974, ngụ xã Tân Thành) cho biết, bà vốn là lao động tự do, chỗ làm không cố định nên kinh tế gia đình thiếu trước hụt sau. Bà đã nhiều lần đi xin việc khắp nơi, song vì đã lớn tuổi nên nhiều doanh nghiệp từ chối. May mắn, bà được anh An nhận vào làm các công đoạn thu hoạch sả, cắt, làm sạch để xuất khẩu. Thu nhập được tính theo sản phẩm nên trung bình mỗi ngày bà Hồng thu về hơn 200.000 đồng.

Cùng hoàn cảnh, bà Phạm Thùy Trang cho biết trước đây cũng chật vật xin việc. Các công ty đều “lắc đầu” vì không nhận thêm người. Nhờ được người quen giới thiệu nên bà được vào làm tại cơ sở này. Giờ đây, bà Trang đã có thêm thu nhập, phần nào giảm bớt khó khăn cho gia đình.

“Mọi người nơi đây ai cũng quý mến An vì tính tình hòa đồng, giúp đỡ bà con có việc làm. An tạo mọi điều kiện tốt nhất để người lao động thoải mái làm việc", bà Trang chia sẻ.


Trao đổi với báo Pháp luật Việt Nam , ông Lê Duy Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết, địa phương hiện có hơn 4.000 người đang trong độ tuổi lao động, đa số đều làm việc chân tay, canh tác đồng áng, tưới tiêu, thu hoạch lúa, khoai… Việc anh An đến xã Tân Thành thuê đất trồng sả đã giải quyết cho gần 100 lao động tại địa phương có thêm thu nhập, góp phần ổn định kinh tế các hộ gia đình đang gặp khó khăn. Thời gian tới, địa phương sẽ xem xét, tạo điều kiện thuận lợi để anh An mở rộng diện tích trồng sả cũng như hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nông nghiệp, tiếp cận nguồn vốn vay.

Chia sẻ về định hướng phát triển trong thời gian tới, anh An mong muốn xây dựng được vùng trồng ổn định, nâng cao chất lượng tay nghề nhân công lao động để đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu. Đồng thời, phấn đấu xây dựng thêm các điều kiện để mở rộng sản xuất các sản phẩm chế biến từ cây sả, như: sả sấy, sả bào, tinh dầu sả để cây sả đưa hương vươn xa hơn nữa.


Minh Hoa (t/h)

Chia sẻ Facebook