Anh nông dân đút túi 300 triệu nhờ trồng loại quả "xấu xí" nhà nào cũng ăn

Chia sẻ Facebook
30/01/2024 07:31:13

Một anh nông dân Tây Ninh ôm giấc mộng làm giàu. Sau đó, anh vay vốn ngân hàng rồi trồng loại quả quen thuộc, không ngờ đút túi 300 triệu/năm.

Với mong muốn làm giàu ở miền quê mình sinh sống, anh Đỗ Hoàng Hanh ở Tây Ninh đã mạnh dạn đi vay vốn ngân hàng rồi về chuyển hơn 2ha đất ruộng sang trồng khổ qua (mướp đắng) bán ra thị trường không ngờ kinh tế của gia đình cũng từ đây đi lên.

Với tinh thần vượt khó và ý chí vươn lên làm giàu, sau nhiều lần thất bại, anh Hanh không ngần ngại lập nghiệp lại từ đầu. Được biết, trước khi bước vào "cuộc chơi lớn" trồng 2ha khổ qua, gia đình anh trồng hoa màu nhỏ, lẻ nên đời sống kinh tế gia đình cứ "thiếu trước, hụt sau" không mấy khá giả.

Theo anh nông dân này, bên cạnh khổ qua làm chủ lực, anh còn trồng dưa leo, bầu, bí để chuẩn bị cho thị trường dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Chỉ nhờ trồng khổ qua, anh nông dân Tây Ninh đút túi 300 triệu/năm. Ảnh:Dân Việt.


"Theo kinh nghiệm hơn chục năm trồng hoa màu, vào những ngày Tết trồng khổ qua bán được lắm, thị trường ăn rất mạnh, giá tốt. Bà con Nam bộ có quan niệm, vào những ngày Tết thường làm những món ăn từ khổ qua, như khổ qua nhồi thịt, lẩu khổ qua,... ngụ ý mong mọi chuyện "khổ đau" của năm cũ qua mau, hy vọng năm mới suôn sẻ, may mắn", anh Hanh chia sẻ với Dân Việt.

Mới đầu do thiếu kinh nghiệm, vốn đầu tư để làm nông nghiệp, anh phải nhờ đến vốn của ngân hàng và vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân ở địa phương. Khi mang tiền về anh rất băn khoăn vì cứ ngại đầu tư lớn mà chưa chuẩn bị, thiếu kinh nghiệm đổ bể là ôm nợ.

Vừa cầm tiền đi vay về, để không làm thâm hụt vốn cũng như quyết tâm làm giàu từ quê hương, anh Hanh theo học các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn ở địa phương. Tại các lớp này học viên được học về kỹ thuật trồng các loại cây, như bầu, bí, ớt, khổ qua… theo hướng sản xuất rau an toàn, cách áp dụng các biện pháp gieo trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng...

Thông thường khổ qua có thể trồng nhiều vụ quanh năm, nhưng thích hợp vào 2 thời điểm, từ tháng 3-6 và từ tháng 10-tháng Chạp (âm lịch) đến sau Tết Nguyên đán.

Để cây phát triển tốt ngoài các yêu cầu về kỹ thuật canh tác, như lên liếp, làm đất, bón phân lót thì người trồng phải thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh thường gặp khi trồng khổ qua, như thán thư, ruồi vàng đục trái... để phun xịt thuốc điều trị kịp thời.

Muốn cho cây trồng phát triển tốt, đạt năng suất cao, người trồng khổ qua phải sửa dây khổ qua phát triển nhanh trên giàn. Đặc biệt, phải phân đọt ra đều trên giàn thì lượng trái dễ đậu, nhiều, năng suất cao. Phải tuyển chèo (nhánh), cắt bỏ những chèo yếu, phụ chỉ ra hoa đực...

Không chỉ gia đình chăm sóc vườn khổ qua rộng lớn, anh Hanh còn tạo công ăn việc làm cho nhiều nông dân gần nhà.

Loại cây trồng này cho thu hoạch trái nhiều đợt trong vụ. Cụ thể, lần đầu, khổ qua cho thu hoạch 40 - 45 ngày sau khi gieo, với khoảng 30kg/công đất. Sau đó, trung bình thu hoạch cách khoảng 4 ngày thu một lần. Trong vụ khổ qua, nông dân có thể thu hoạch tổng cộng khoảng 15 đợt trái trong 40 - 50 ngày tùy theo mùa vụ và mức độ thâm canh của người trồng. Năng suất cao nhất của vụ khổ qua ở các lứa thứ 4 - 6, với khoảng 300 kg/công đất.

Sau một thời gian ngắn chăm chỉ và mạnh dạn đầu tư cây trái, mỗi năm anh Hanh có thu nhập khoảng 300 triệu đồng từ việc trồng rau ăn quả này.

Khổ qua có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống.

Do nhu cầu thị trường lớn và giá cả ổn định, anh Hanh bộc bạch: "Nhiều vụ trong năm làm hàng không đủ bán cho thương lái, giá khổ qua trong năm khá tốt, tôi phải vận động thêm bà con nông dân liên kết sản xuất để có đủ hàng cung cấp".

Theo Hội Nông dân xã Chà Là, bản thân anh Hanh là một trong những nông dân điển hình tiêu biểu trong lao động, sản xuất của địa phương và được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm liền.

Từ mô hình kinh tế phát huy hiệu quả này tại địa phương, một số nông dân trong xã đã làm theo nhắm nâng cao thu nhập kinh tế cho gia đình.

Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, mướp đắng còn gọi là khổ qua, cẩm lệ chi, lại bồ đào, hồng cô nương, lương qua, mướp mủ, chua hao (Mường – Thanh Hóa). Cây mướp đắng được trồng nhiều nơi, khắp vùng miền của nước ta. Mướp đắng được chế biến thành các món như pha trà, nấu canh, xào, luộc.

Trong khi đó, Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, trong Đông y, mướp đắng có vị đắng, tính mát, công dụng giải nhiệt, tiêu đờm, sáng mắt, mát máu, nhuận tràng, nhuận tỳ, bổ thận, nuôi can huyết, lợi niệu, trừ nhiệt độc, chống mệt mỏi.

Mướp đắng không chỉ là món ăn, vị thuốc trong y học cổ truyền Việt Nam, mướp đắng cũng được sử dụng khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Trong quả này có một nguồn giàu chất chống oxy hóa, flavonoid và các hợp chất polyphenol khác, mướp đắng có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe.

Không chỉ được yêu thích tại Việt Nam, loại quả này đã được sử dụng trong chữa bệnh ở nhiều nước như Ấn Độ, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản. Trong y học dân gian Thổ Nhĩ Kỳ, mướp đắng được biết đến như một loại thuốc làm dịu dạ dày. Người Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng mướp đắng từ hàng trăm năm trước để làm dịu vết loét, táo bón, giữ nước, đầy hơi...


Trúc Chi (t/h)

Chia sẻ Facebook