Anh nông dân đút túi 1,4 tỷ đồng nhờ nuôi con vật "một vốn bốn lời"

Chia sẻ Facebook
05/02/2024 04:10:29

Trải qua nhiều nghề khác nhau nhưng một anh nông dân ở Bình Định nhẹ nhàng kiếm tiền tỷ mỗi năm nhờ nuôi con vật "vừa lạ vừa quen" dân nhậu thích mê.

Sở hữu trại nuôi chồn hương lớn ở Bình Định, anh Võ Văn Thuận ở Phù Cát, Bình Định đã gặt hái thành công khi thu về mỗi năm 1,4 tỷ đồng từ việc bán con giống.

Biết nghề nuôi chồn rất khó khăn, anh Thuận vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê đến cùng "được ăn cả ngã về 0". Bước đầu khởi nghiệp vào năm 2015, anh Võ Văn Thuận quyết định vào một trang trại chồn hương ở tỉnh Bình Phước, mua 13 con chồn cái và 7 con chồn đực về nuôi.

Trang trại nuôi chồn hương của gia đình anh nông dân này có doanh thu tiền tỷ mỗi năm.

Tiết lộ với Dân Việt về loại con "ham ăn hoa quả" này anh Thuận cho biết: Bên cạnh đảm bảo cho đàn chồn ăn no, đầy đủ chất, giữ vệ sinh môi trường chuồng trại, máng nước thật tốt, tôi còn cho tiêm vắc xin phòng bệnh kỹ lưỡng.

Do biết cách chăm chỉ chăm sóc mà đàn chồn ít bị bệnh, đề kháng tốt, sinh trưởng ổn định. Từ 20 con đầu tiên nay trang trại đã có 125 con chồn sinh sản và 50 chồn con.

Mỗi năm chồn mẹ đẻ 1-3 lứa, mỗi lứa từ 2 - 4 con. Sau 60 ngày tuổi, chồn con được tách đàn và nuôi dưỡng bằng thức ăn đến khi cứng cáp thì xuất bán.

Trên thị trường chồn hương giống mới tách mẹ có giá bán 9 triệu đồng/cặp; chồn hương chuẩn bị sinh sản (chồn hương hậu bị) giá 40 triệu đồng/cặp.

Sau một thời gian gây dựng trang trại chồn, gia đình anh Thuận không chỉ cung ứng cho các trại nuôi chồn hương trong tỉnh Bình Định, anh Thuận còn xuất bán chồn hương giống đi các tỉnh Nghệ An, Gia Lai, Đăk Lăk...

Bên cạnh đó, anh Thuận còn là một đầu mối cung cấp chồn hương thịt thương phẩm cho nhiều nhà hàng lớn trong tỉnh Bình Định.

“Sắp tới tôi sẽ mở rộng cơ sở chăn nuôi chồn của gia đình, liên kết sản xuất - bao tiêu sản phẩm với một số hộ trong vùng”, anh Thuận cho hay.

Sau hơn 8 năm kiên trì theo đuổi nghề nuôi chồn hương, anh nông dân này đã có thu nhập ấn tượng góp phần làm giàu tại quê hương.

Mô hình nuôi chồn hương mang lại thu nhập cao. Nhiều hộ gia đình thu nhập hàng trăm triệu thậm chí tiền tỷ.

Chồn hương hay còn gọi là cầy vòi hương là loại động vật hoang dã, cơ thể của chúng tiết ra mùi thơm được sử dụng như một loại dược liệu quý. Không chỉ vậy, chồn hương còn được biết đến là món đặc sản thịt thơm ngon, được rất nhiều người ưa chuộng nên giá trị kinh tế của chồn hương mang lại khá cao.

Trong tự nhiên, bản tính tự nhiên của chồn hương thường hoạt động và kiếm ăn vào ban đêm là chủ yếu, thức ăn chính của chồn hương là côn trùng, chuột, chim, rắn, nhông, kiến, mối, trứng chim và nhiều loại củ, quả và rễ cây… Vì vậy, khi nuôi chồn hương ta nên cho cầy ăn bữa tối là chính, bữa sáng là phụ và tập cho chồn hương ăn thức ăn nhân tạo do con người cung cấp.

Chồn hương dễ nuôi, ít dịch bệnh, hiệu quả kinh tế cao.

Nếu người dân muốn nuôi chồn hương thì phải mất thời gian tập cho chúng ăn thức ăn hoàn toàn mới lạ đối với bản năng tự nhiên của chúng, việc này phải tiến hành từ từ, kiên trì trong 5-10 ngày, chúng mới chịu ăn uống bình thường. Đầu tiên nên để chồn hương nhịn đói trong 1-2 ngày, sau đó cho chúng ăn chuối chín bóc vỏ để cả quả (1-2 quả/con/bữa) trộn lẫn với cháo đường (cho tương đối ngọt như nấu chè) nấu nhuyễn. Ban đầu chồn hương chỉ ăn chuối và liếm cháo đường bám xung quanh, cho ăn như vậy khoảng 4-5 bữa. Sau đó, nghiền nhuyễn chuối chín với cháo đường cho ăn trong 1-2 ngày. Khi cầy chịu ăn, cho ăn cháo đường trước, hoa quả ăn bổ sung sau.

Động vật rừng gây nuôi phải có nguồn gốc hợp pháp từ các nguồn sau: Khai thác từ tự nhiên trong nước; nhập khẩu; mua bán, cho tặng, chuyển nhượng từ tổ chức, cá nhân khác...

Đảm bảo an toàn cho người; thực hiện các quy định của pháp luật về môi trường, thú y.

Theo quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì Chồn hương thuộc danh mục IIB – Danh mục các loài động vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ.

Theo đó, khi nuôi chồn hương, cần đăng ký giấy phép chăn nuôi với chính quyền địa phương. Cũng theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, để nuôi chồn hương mang lại hiệu quả kinh tế cao, người nuôi cần nắm rõ các đặc tính của chồn hương để áp dụng các kỹ thuật phối giống, chăm sóc con. Đồng thời người chăn nuôi cần phải mua con giống ở các trại giống hợp pháp, con giống có nguồn gốc rõ ràng. Trong quá trình nuôi phải lập sổ theo dõi, định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh.


Trúc Chi (t/h)

Chia sẻ Facebook