Anh lên kế hoạch cắt khí đốt tới châu Âu
Phải chăng Anh đang ‘từ bỏ’ Châu Âu vì khí đốt Nga?
Theo hãng tin Financial Times (FT), Anh sẽ khóa van đường ống khí đốt cung ứng cho Liên minh Châu Âu (EU) nếu nước này lâm vào cảnh thiếu năng lượng sưởi ấm. Đây là kế hoạch khẩn cấp của chính quyền London trong bối cảnh hàng loạt công ty năng lượng cảnh báo cuộc khủng hoảng dầu khí hiện nay sẽ trở nên tồi tệ hơn ở Châu Âu.
Cụ thể, bất chấp việc Châu Âu đang gặp khó vì phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga cũng như lời kêu gọi hợp tác năng lượng, Anh vẫn lên kế hoạch khóa đường ống đến Hà Lan và Bỉ nhằm đảm bảo an ninh khí đốt trong nước.
Việc khóa đường ống trên là một trong những động thái mới nhất của kế hoạch khẩn cấp mà Anh xây dựng nhằm đảm bảo người dân có đủ khí đốt trong nước. Chiến lược này sẽ được thực hiện ngay khi nguồn cung khí đốt cho Tập đoàn điện quốc gia Anh (Nation Grid UK) bị giảm sút gây khủng hoảng năng lượng trong những tháng tới.
Ngay sau thông tin trên, nhiều hãng khí đốt của Châu Âu đã buộc phải đến Anh để đàm phán, đồng thời cảnh báo rằng việc khóa đường ống có thể gây phản ứng ngược khi tình trạng thiếu khí đốt kéo dài và đến lược xứ sở sương mù cần Châu Âu giúp đỡ.
Thông thường, Anh có lượng dự trữ dầu khí khá thấp và sẽ chuyển phần lớn khí đốt sang cho Châu Âu vào mùa hè vì nhu cầu sử dụng không cao. Các quốc gia EU sẽ tích trữ khí đốt tại thời điểm này và chuyển lại một phần cho Anh vào mùa đông. Ví dụ như vào mùa đông giá lạnh năm 2018, Anh đã nhập khẩu lại 25% lượng khí đốt từ Châu Âu.
"Tôi khuyên nước Anh hãy xem xét lại quyết định khóa van đường ống trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng hiện nay bởi nếu Châu Âu tích trữ khí đốt trong mùa hè thì người Anh cũng sẽ được hưởng lợi vào mùa đông", Chủ tịch Bart Jan Hoevers của Liên đoàn điều hành khí đốt Châu Âu (ENTSOG) cảnh báo.
Hãng tin FT cho biết kế hoạch khẩn cấp sẽ được đưa vào áp dụng thử trong tháng 9/2022 và đây là động thái thường niên của Tập đoàn điện quốc gia Anh nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. Đồng thời, phía Nationa Grid cũng cho biết cuộc thử nghiệm này cũng là một phần hệ lụy từ xung đột khí đốt giữa Nga và EU.
Vô dụng
Việc khóa van khí đốt là một phần của kế hoạch khẩn cấp 4 bước nếu có sự thiếu hụt nguồn cung gây mất an ninh năng lượng tại Anh. Bên cạnh đó, kế hoạch khẩn cấp còn đề ra chiến lược cắt giảm nguồn cung khí đốt cho các nhà máy lớn và kêu gọi người dân hạn chế tiêu thụ.
Tuy nhiên không phải mỗi Anh đang chuẩn bị cho việc thiếu khí đốt, cả Đức và Hàn Lan trong tháng 6/2022 cũng đã kích hoạt kế hoạch khẩn cấp năng lượng của riêng họ. Theo đó 2 quốc gia này sẽ khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than cũng như hối thúc nhiều nhà máy chuyển từ khí đốt sang sử dụng những loại năng lượng khác trong bối cảnh Nga giảm nguồn cung.
Kể từ tháng 3/2022, hai đường ống khí đốt ngầm dưới biển từ Anh tới Bỉ và Hà Lan đã chạy hết công suất, qua đó cung ứng 75 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày cho Châu Âu khi khu vực này đang hối hả tích trữ dầu khí vì bị Nga giảm cung.
Dẫu vậy, Chủ tịch Hoevers của ENTSOG cảnh báo hầu hết những kế hoạch khẩn cấp năng lượng kiểu trên chỉ được thiết kế để đối phó các cuộc khủng hoảng ngắn hạn và chẳng hiệu quả mấy với những xung đột địa chính trị dài hạn.
Ví dụ những trục trặc về mỏ khí đốt hay cảng nhập khẩu khiến gián đoạn nguồn cung ngắn hạn có thể được giải quyết với các kế hoạch khẩn cấp này, nhưng bị cắt nguồn cung dài hạn thì những phương án trên hầu như vô dụng.
Bất chấp điều đó, Anh tuyên bố họ hoàn toàn tự tin về khả năng đảm bảo an ninh năng lượng trong mùa đông tới, đồng thời khẳng định nước này có hệ thống năng lượng đa dạng và đáng tin cậy nhất thế giới.
Thêm nữa, Anh cũng trấn an các đồng minh rằng việc phải áp dụng kế hoạch khẩn cấp có lẽ sẽ khó xảy ra. Tuy nhiên phía Châu Âu đáp lại bằng lời kêu gọi đoàn kết từ quốc gia này.
"Đồng minh Anh của chúng tôi hiểu khá rõ lợi ích của việc hợp tác năng lượng bởi đôi khi bạn ở vị thế bán khí đốt nhưng cũng có lúc bạn cần mua chúng từ những đối tác khác", Phó chủ tịch Maros Sefcovic của Hội đồng Châu Âu (EC) nhấn mạnh.
*Nguồn: FT
Băng Băng
Theo Nhịp Sống Kinh Tế