Anh: Khủng hoảng chi phí sinh hoạt có thể đẩy nhiều gia đình trung lưu vào nghèo đói

Chia sẻ Facebook
05/06/2022 15:03:15

Theo ông Keith Baker, các gia đình trung lưu ở Vương quốc Anh đang có nguy cơ rơi vào ngưỡng nghèo đói do hóa đơn điện, nước tăng cao và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Để giảm thiểu tác động của chi tiêu tăng cao, tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak thông báo một gói biện pháp hỗ trợ khoảng 8 triệu gia đình nghèo nhất ở nước này, trong đó có khoản trợ cấp 650 bảng Anh (816 USD) cho mỗi hộ gia đình.

Tuy nhiên, chuyên gia Baker cho rằng các biện pháp này sẽ không thực sự tác động đến một số lượng lớn người dân đang rơi vào tình cảnh nghèo đói nghiêm trọng nhất. Ông cảnh báo nguy cơ xảy ra bạo loạn do nhiều người bị nghèo đói khi chi phí năng lượng tăng cao, đặc biệt là giai đoạn bước vào mùa Đông.

Hồi tháng 4/2022, mức trần giá năng lượng ở Anh đã tăng từ 1.277 bảng Anh/năm lên 1.971 bảng Anh/năm, phần nào tạo ra gánh nặng tài chính cho khoảng 22 triệu người tiêu dùng.

Cơ quan quản lý năng lượng của Anh cho biết mức trần giá năng lượng ở nước này có thể sẽ tăng lên khoảng 2.800 bảng Anh/năm vào tháng 10 tới.

Chuyên gia Baker bày tỏ lo ngại rằng nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu và thấp hơn ở Anh có thể rơi vào cảnh nghèo đói trầm trọng và một số hộ gia đình sẽ chật vật trang trải sinh hoạt phí cùng tiền thuê nhà hoặc phải chạy vạy để không phải bán nhà.

Ông cho biết ước tính khoảng 40% dân số Anh sẽ phải rất vất vả để thanh toán được hóa đơn năng lượng vào cuối năm và đây là số liệu gây sốc.

Nghèo túng sẽ dẫn tới các vấn đề về sức khỏe tâm thần và tạo ra một vòng luẩn quẩn tồi tệ cho những người đang đối diện với nguy cơ nghèo đi tại Anh.

Theo ông Baker, một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Anh là lạm phát gia tăng và có xu hướng tăng ở mức hai con số.

Ông cảnh báo điều này sẽ khiến cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn và giá năng lượng có thể tăng theo chu kỳ 3-6 tháng/lần trong vài năm tới.

Chuyên gia này cho rằng để giải quyết tình trạng này, cần có một sự thay đổi mang tính hệ thống và toàn diện, cụ thể là tái cơ cấu nền kinh tế.


Khánh Ly

Nhịp sống kinh doanh

Chia sẻ Facebook