Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến - người làm nên "cú lừa" ngoạn mục trong chiến dịch Tây Nguyên: 85% xương thịt của tôi là của các liệt sĩ

Chia sẻ Facebook
18/07/2022 12:15:14

"Bố mẹ tôi sinh ra tôi xương thịt chỉ còn 15% thôi. Còn 85% của các liệt sĩ. Anh em đã hy sinh cho mình sống" - Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến nói.

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến - 85% xương thịt của tôi là của các liệt sĩ.

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến là một vị tướng dạn dày trận mạc. Ông đã cầm súng ở các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho đến các cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc tại biên giới.

Trung tướng Khuất Duy Tiến tham gia Cách mạng từ những năm 1946, ông chính thức nhập ngũ năm 1950 và từ năm 1971, ông cùng các đồng đội đã lập nhiều chiến công. Đặc biệt trong những chiến công ấy, điều khiến người ta ghi nhớ và nhắc về ông mãi mãi sau này chính là nghệ thuật nghi binh của ông trong chiến dịch Tây Nguyên. Nghệ thuật ấy đã tạo nên chiến thắng thần tốc 1 ngày bằng 20 năm.


Và trong chương trình " Những anh hùng thế kỷ XX " phát sóng hôm nay (17/7), những cuộc chiến đấu ấy, những chiến tích và cả những hy sinh trong những cuộc chiến đã đi qua sẽ một lần nữa được Trung tướng Khuất Duy Tiến kể lại. Tất cả những hồi ức ấy như vẫn còn mới, vẹn nguyên dù đã nhiều chục năm qua đi.

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến.


Nghệ thuật nghi binh - 1 ngày bằng 20 năm...

Nói đến Trung tướng Khuất Duy Tiến không thể không nói đến nghệ thuật nghi binh trong chiến dịch Tây Nguyên.


Nói đến chiến thắng của chiến dịch Tây Nguyên thì không thể không nhắc đến Trung tướng Khuất Duy Tiến.

10 trang giấy kế hoạch nghi binh được Trung tướng Khuất Duy Tiến soạn thảo. (Ảnh: Quân Khu 7 Online)

Đơn giản vì một điều ông chính là tác giả của "cú lừa" đầy ngoạn mục của chiến dịch lịch sử này.

Chính nghệ thuật nghi binh ông tạo ra đã làm nên chiến thắng thần tốc 1 ngày bằng 20 năm. Thời điểm đó, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến là Trưởng phòng tác chiến mặt trận Tây Nguyên và ông là người đặt bút soạn thảo kế hoạch nghi binh.

Trên 10 trang giấy ấy, một kế hoạch tác chiến hoàn hảo đã được tạo ra. Kế hoạch nghi binh của Trung tướng Khuất Duy Tiến khi ấy đã đánh lừa địch, khiến chúng tưởng ta chuẩn bị đánh Kon Tum - Gia Lai nhưng trên thực tế, ta lại điều quân xuống phía Nam Tây Nguyên, chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuột. Đây được coi là cuộc nghi binh hoàn hảo trong kháng chiến chống Mỹ, khiến quân địch và chính quyền Sài Gòn bất ngờ, trở tay không kịp.


Với nghệ thuật nghi binh của mình, Trung tướng Khuất Duy Tiến đã tạo ra một cú lừa ngoạn mục - khiến quân địch bị động, hoảng hốt rồi tan rã.


"Cuộc đời chiến đấu của tôi chưa có trận chiến đấu nào hy sinh cao đến như vậy".

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến.

Ở tuổi 91, những cuộc chiến đã đi qua vẫn còn in đậm trong tâm trí của Trung tướng Khuất Duy Tiến. Trò chuyện tại "Những anh hùng thế kỷ XX", ông đã nói về trận đánh Đường 9 - Nam Lào. Đó là thời điểm cuối năm 1970 - khi để thực hiện hóa chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, đế quốc Mỹ và quân Ngụy đã đẩy mạnh các hoạt động bình định, chuẩn bị tấn công trên toàn chiến trường. Khi ấy, chúng tập trung vào 3 mục tiêu là Hủy diệt, Giành dân và Bóp nghẹt. Lúc đó, cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh ra khu vực Đường 9 - Nam Lào có quy mô lớn nhất. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh chiến dịch Đường 9 - Nam Lào gấp rút triển khai toàn diện. Ông Khuất Duy Tiến khi đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 Sư đoàn 320.

"Trận Đường 9 - Nam Lào, Trung đội tôi diệt được Lữ dù 3, Tiểu đoàn 6 dù, Tiểu đoàn 3 dù, Tiểu đoàn pháo binh dù, bắt sống toàn bộ ban lực lượng của lữ dù" - ông Khuất Duy Tiến nhớ lại. Ông cũng nói thêm rằng tiếp nối thắng lợi, năm 1972, Trung đoàn 64 của ông tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ trong chiến dịch Đắk Tô - Tân Cảnh.

"Chúng tôi gặp Lữ dù 3 lần thứ 2 ở Tây Nguyên. Trên nó gọi loa nó thách chúng tôi. Nó bảo nó nghiền nát Sư đoàn 320 trên tuyến này" - Trung tướng Khuất Duy Tiến nhớ lại, mọi thứ như vẫn còn vô cùng sống động trước mắt ông - "Cho nên anh em ở Trung đoàn 64 và Sư đoàn 320 cay lắm. Anh em 64 bảo xem ai nghiền nát ai".

Nhưng trận đánh ấy, như Trung tướng Khuất Duy Tiến nói - thương vong rất cao và "chưa có trận chiến đấu nào hy sinh cao đến như vậy" trong cuộc đời chiến đấu của ông. Những hy sinh ấy đã nằm lại mãi mãi trong tim ông, trong tâm trí ông, để đến bây giờ, khi nhìn lại tất cả, ông khảng khái nói rằng: "Bố mẹ tôi sinh ra tôi xương thịt chỉ còn 15% thôi. Còn 85% của các liệt sĩ. Anh em đã hy sinh cho mình sống"


Anh hùng là của tập thể...
Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến.

Người Trung tướng dạn dày trận mạc ấy bây giờ đã ở tuổi 91 và cuộc đời binh nghiệp của ông đã được ông kể qua 400 trang giấy của cuốn sách Ký ức đời binh nghiệp. Nói về lý do quyết định viết cuốn sách này, Trung tướng Khuất Duy Tiến nói một cách giản dị: "Tôi viết cuốn hồi ký này với mục đích gửi gắm cho các thế hệ kế tiếp cuộc đời của một con người - phấn đấu để trở thành đúng là mình".

Còn về danh hiệu anh hùng, ông cho biết: "Danh hiệu anh hùng này là của tất cả các đồng chí liệt sĩ Sư đoàn 320 gắn cho tôi chứ bản thân tôi, tôi chỉ là người tham gia, đại diện cho anh em tôi".


"Công của mình là công của các anh em liệt sĩ".


"Ơn đó sâu sắc lắm".


"Trả bao giờ cho hết"

" Những anh hùng thế kỷ XX " sẽ được phát sóng trên chương trình Chuyển động 24h và các nền tảng số của VTV Digital bắt đầu từ ngày 15/7

Chia sẻ Facebook