Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm: Trọn cuộc đời trả nghĩa non sông | VTV.VN
Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm, người được biết đến với hàng loạt danh hiệu và danh xưng cao quý, 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng...
Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm – người được biết đến với hàng loạt danh hiệu và danh xưng cao quý như: 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Top 30 Anh hùng từ thiện châu Á - Thái Bình Dương do Tạp chí Forbes bình chọn và vinh danh, Gương sáng thầm lặng vì cộng đồng hay “Sứ giả của lòng nhân ái”… Thế nhưng, khi được hỏi về danh xưng mà ông tự hào nhất, người anh hùng này vẫn chọn làm một cựu chiến binh.
Kể về cuộc đời nhiều biến động, thăng trầm nhưng cũng đầy huy hoàng của mình, AHLĐ Lê Văn Kiểm tự hào chia sẻ về sự trùng hợp duyên may của mình với lịch sử đất nước.
Năm 1945 ghi dấu son bằng sự kiện khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, cũng là năm ông ra đời trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Là con nhà binh từ trong máu thịt, 1 tuổi, ông đã theo cha mẹ là bộ đội lên chiến khu Ba Lòng, Quảng Trị. 4 tuổi, cha ông hy sinh. Nỗi mất mát lớn lao ấy được bù đắp phần nào bởi tình yêu thương của mẹ và những người đồng đội của bậc sinh thành.
Năm 1954, hoà bình được lập lại ở miền Bắc. Lê Văn Kiểm (khi đó 9 tuổi) may mắn là một trong hơn 30.000 con em cán bộ miền Nam được Đảng, Bác Hồ và Nhà nước đưa ra học tập tại các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc.
Những năm tháng này, ông Kiểm có duyên gặp gỡ và yêu thương cô nữ sinh Trần Cẩm Nhung, cũng là con em miền Nam được tập kết ra Bắc học tập. Ngày 30/4/1970, hai người có một đám cưới giản dị mà ấm cúng.
Từ những tâm niệm như thế đã nuôi dưỡng trong ông tình yêu quê hương đất nước nồng nàn và luôn nhắc nhớ mình càng phải phấn đấu để có một ngày trả lại ân tình to lớn này.
Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, ông Kiểm chưa từng thôi nung nấu ý định xin gia nhập quân đội để giúp dân, giúp nước. Nhưng vì gia đình thuộc diện chính sách nên ông vẫn chưa được chấp thuận.
Năm 1971, tình hình chiến trận ngày càng trở nên cam go, ác liệt. Ông Kiểm một lòng sục sôi muốn tham gia chiến đấu nên đã chích máu của mình viết đơn xin đi bộ đội rồi lại xung phong vào chiến trường miền Nam đỏ lửa.
Sau rất nhiều khó khăn, cuối cùng đơn thư bằng máu của ông cũng được chấp thuận.
Và dù xác định đi là không hẹn ngày về nhưng nhờ chính tâm niệm biết ơn đất nước, nhân dân và dòng máu binh nghiệp chảy từ trong da thịt đã giúp ông Kiểm thêm sức mạnh, niềm tin vững vàng để vượt qua muôn vàn khó khăn trên đường chiến đấu.
Đầu năm 1975, ông Lê Văn Kiểm vinh dự được lựa chọn vào đoàn công tác đặc biệt có nhiệm vụ vạch tuyến, khảo sát, mở đường cho chiến dịch Hồ Chí Minh.
Để rồi, vào ngày 30/4/1975, ông Lê văn Kiểm đã cùng đồng đội trong đoàn quân giải phóng vào tiếp quản Sài Gòn, cùng non sông đất nước vỡ oà trong niêm vui hoà bình, thống nhất. Đặc biệt đây cũng là ngày kỷ niệm 5 năm ngày cưới của hai vợ chồng Ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung.
Hoà bình lập lại nhưng giặc đói, giặc nghèo vẫn hoành hành khắp chốn. Ông Lê Văn Kiểm bấy giờ cũng gác lại súng, đạn chiến trường để cùng vợ con bắt tay tham chiến vào một mặt trận khác – “mặt trận” kinh tế.
Ngặt một nỗi, bước vào “mặt trận” mới với hai bàn tay trắng, hai vợ chồng ông Kiểm - bà Nhung không một đồng vốn liếng, lại càng không có chút kiến thức nào về quản trị kinh doanh. Có lẽ, thứ “vũ khí” duy nhất ông bà có chính là ý chí, nghị lực của con nhà nòi sinh ra và trưởng thành nhờ cách mạng.
Quyết định bán đi chiếc xe máy là phương tiện di chuyển duy nhất và cũng là tài sản lớn nhất của gia đình để làm vốn liếng khởi nghiệp, ông bà mua một chiếc mô tơ để xay trộn thức ăn chăn nuôi. Cứ thế, ban ngày ông bà vẫn đi làm việc nhà nước, đêm về lại chong đèn để sản xuất, kinh doanh.
Dần dà, nhờ sự nhanh nhạy không ngừng học hỏi, vợ chồng ông Kiểm tiếp tục nghiên cứu và lấn sân sang lĩnh vực sản xuất bột màu làm gạch lát nền, sơn tường, may mặc, xây dựng… xây dựng lên một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Việt Nam và gặt hái được lợi nhuận không nhỏ.
Công trình Nút giao thông Hàng Xanh do công ty xây dựng của ông Lê Văn Kiểm làm chủ đầu tư có chất lượng không thua kém gì chất lượng quốc tế mà giá thành chỉ bằng 1/3. Công trình này đã giải quyết nạn kẹt xe tại Tp. HCM và vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Đặc biệt hơn cả, toàn bộ số tiền lời từ dự án này ông Kiểm đã dành tặng cho việc xây dựng đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Bến Dược, Củ Chi.
Năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á giáng một đòn chí mạng lên nền kinh tế khu vực và Việt Nam cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng tiêu cực này. Doanh nghiệp của vợ chồng ông Kiểm cũng một phen lao đao trên bờ vực phá sản.
Ông Kiểm đã cùng gia đình trả hết được khoản nợ hơn 700 tỷ đồng gồm nợ gốc và lãi cho ngân hàng, tránh thất thoát cho nhà nước hơn 500 tỷ đồng tại thời điểm đó. Đồng thời, hệ thống tài chính, ngân hàng của nhà nước lúc bấy giờ cũng nhờ thế mà được ổn định trở lại góp phần giữ cho hàng nghìn tỷ đồng không bị thất thoát, hàng trăm nghìn lao động không bị mất việc làm và ổn định chính trị, xã hội. Đây cũng là tiền đề để chính phủ không hình sự hoá các doanh nghiệp gặp khó khăn trong những hoàn cảnh khách quan, góp phần thực hiện thành công đường lối đổi mới của Đảng và nhà nước.
Giờ đây, tập đoàn của gia đình ông Lê Văn Kiểm – bà Trần Cẩm Nhung là doanh nghiệp kinh doanh đa ngành lớn mạnh, tiên phong trên nhiều lĩnh vực cả trong và ngoài nước như sân golf, bất động sản, nghỉ dưỡng, năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp thế hệ mới… với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD. Ông hiện là: Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KN, Đặc khu kinh tế Long Thành – Viêng Chăn.
Không chỉ thành công rực rỡ tại Việt Nam, doanh nghiệp của vợ chồng ông Kiểm còn vươn sang phát triển trên cả nước bạn Lào, ghi dấu mạnh mẽ tình hữu nghị đặc biệt giữa 2 nước.
Sinh ra từ trong gian khó, giữa bối cảnh đất nước loạn lạc, chiến tranh, hơn ai hết, ông Lê Văn Kiểm và người vợ của mình – bà Trần Cẩm Nhung hiểu sâu sắc cái nghèo, cái khổ. Lớn lên nhờ nghĩa tình của đất nước, nhân dân, ông bà lại càng canh cánh một nỗi niềm được cho đi, được san sẻ với những mảnh đời khốn khó, thiệt thòi.
Bên cạnh việc thành lập và điều hành các quỹ từ thiện, quỹ khuyến học của cá nhân gia đình, vợ chồng ông bà cũng luôn góp mặt trong các dự án thiện nguyện do Đảng, Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ phát động. Có thể kể đến một số quỹ từ thiện tiêu biểu như: Quỹ khuyến học cho con cháu cựu chiến binh Việt Nam, Quỹ học bổng “Trần Cẩm Nhung - Chắp cánh ước mơ”, Chương trình “sữa học đường”…
Ghi nhận cống hiến và đóng góp của ông và gia đình, ông Lê Văn Kiểm được nhà nước và các tổ chức xã hội uy tín trong và ngoài nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý như Gương sáng thầm lặng vì cộng đồng... Năm 2019, ông cùng vợ của mình được Tạp chí Forbes vinh danh trong danh sách 30 Anh hùng từ thiện Châu Á – Thái Bình Dương, đứng thứ 7 trong danh sách những anh hùng từ thiện hào phóng nhất khu vực.
Vinh dự và tự hào hơn cả, ông đã 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vào năm 2008 và 2020. Đặc biệt, ở lần phong tặng thứ 2, niềm vui của ông như càng nhân đôi thêm vì vợ ông, bà Trần Cẩm Nhung cũng được phong tặng danh hiệu cao quý này. Ông bà trở thành cặp vợ chồng đầu tiên cùng được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
“Tôi năm nay 77, vợ tôi 76 tuổi. Nhưng chúng tôi luôn tâm niệm, còn sức khoẻ đến đâu là còn lao động đến đó. Vì ơn nghĩa với đất nước, với cuộc đời này, chúng tôi sẽ phấn đấu không ngừng nghỉ và cống hiến hết mình.” – AHLĐ Lê Văn Kiểm.
Có một câu nói nổi tiếng rằng: “Người anh hùng thực sự không được đo bằng cường độ sức mạnh của cơ thể mà đo bằng sức mạnh trong trái tim anh ta”. Đó là cách mà sứ mệnh “anh hùng” của AHLĐ Lê Văn Kiểm và người vợ của mình - AHLĐ Trần Cẩm Nhung sẽ không bao giờ dừng lại. Bởi năng lực lan toả của trái tim là vô hạn.
Người cựu chiến binh 2 lần được phong tặng Anh hùng Lao động thời kỷ đổi mới.