Anh: Hàng triệu người buộc phải bỏ bữa khi khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng sâu sắc
Dữ liệu mới cho thấy, hàng triệu người ở Anh đã buộc phải bỏ bữa hoặc bỏ ăn cả ngày trong những tháng gần đây.
Khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại Anh ngày càng sâu sắc, gần 1/5 gia đình có thu nhập thấp ở nước này đã phải hứng chịu tình trạng mất an ninh lương thực vào tháng 9, tổ chức từ thiện Food Foundation cho biết.
Mức độ đói ăn đã tăng gấp hơn 2 lần kể từ tháng 1/2022, với gần 10 triệu người lớn và 4 triệu trẻ em không thể được ăn các bữa ăn bình thường vào tháng 9.
Hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ các hộ gia đình dễ bị tổn thương đang được thúc đẩy, bao gồm yêu cầu cung cấp bữa ăn miễn phí tại trường học cho thêm 800.000 học sinh, khi thực trạng nhiều trẻ em đang đi học ăn trộm thức ăn của bạn cùng lớp do đói, bỏ bữa trưa vì gia đình không đủ tiền mua đồ ăn hoặc mang theo bữa trưa trong hộp chỉ chứa một lát bánh mì được báo cáo.
Các nhà vận động cũng lên án việc Chính phủ Anh từ chối dỡ bỏ cắt giảm các khoản trợ cấp theo điều kiện thực tế, điều mà dự tính sẽ khiến các gia đình vốn đang gặp khó khăn, không được nhận khoản hỗ trợ hàng trăm Bảng Anh mỗi năm, trở nên tồi tệ hơn. Hơn một nửa số người yêu cầu tín dụng phổ thông đang vật lộn để có được thức ăn họ cần.
Chuyên gia hàng đầu về sức khỏe cộng đồng Sir Michael Marmot gọi tình trạng đói gia tăng là "đáng báo động" và sẽ gây ra những hậu quả xấu nhất về sức khỏe đối với xã hội, bao gồm gia tăng căng thẳng, bệnh tâm thần, béo phì, tiểu đường và bệnh tim mạch.
Giám đốc điều hành Food Foundation, Naomi Duncan cho biết: "Nghiên cứu này tiết lộ một thực tế đáng kinh ngạc mà các giáo viên chứng kiến hàng ngày. Tình hình đang kinh khủng và trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. Chúng tôi kêu gọi chính phủ khẩn trương mở rộng điều kiện nhận bữa ăn học miễn phí cho tất cả các gia đình đang nhận tín dụng phổ thông, qua đó hỗ trợ đến được với những trẻ em cần nó nhất".
Tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng đã kéo theo khả năng chi tiêu của các gia đình có thu nhập thấp bị thu hẹp do lương không tăng và việc cắt giảm phúc lợi trong những năm gần đây.
Đối mặt với lựa chọn "năng lượng cho sưởi ấm hoặc đồ ăn", họ thường chọn kiềm chế chi tiêu cho thực phẩm, mặc dù sự thắt chặt gần đây đã khiến một số hộ gia đình quá nghèo không đủ khả năng chi trả.
Vào tháng 6, Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm của Vương quốc Anh đã cảnh báo, đói nghèo gia tăng đồng nghĩa với tình trạng mất an ninh lương thực đang "leo thang nhanh chóng".
Từ tháng 1, các hóa đơn lương thực và năng lượng tăng, cùng với việc cắt bỏ khoản hỗ trợ COVID-19 đã khiến nạn đói tại Anh tăng mạnh. Bất chấp việc Chính phủ nước này đưa ra các biện pháp hỗ trợ chi phí sinh hoạt, hơn 2/3 số gia đình không đảm bảo thực phẩm cho biết, họ nấu ít hơn hoặc tắt tủ lạnh để cắt giảm chi phí năng lượng.
Tháng 9, hơn 18% hộ gia đình ở Anh cho biết họ đã giảm khẩu phần ăn hoặc cắt bỏ hoàn toàn, 11% cho biết họ không ăn mặc dù đói và 6% cho biết họ đã không ăn cả ngày. Và tình trạng mất an toàn thực phẩm diễn ra nhiều nhất ở các gia đình đông người.
Các gia đình thiếu tiền không chỉ mua ít thực phẩm hơn mà còn cắt bỏ những sản phẩm lành mạnh đối với sức khỏe do họ không đủ khả năng chi trả. Hơn một nửa trong số những người gặp phải tình trạng mất an toàn thực phẩm cho biết, họ đã mua ít trái cây hơn, trong khi dưới 50% mua ít rau hơn.
Tổ chức từ thiện dành cho trẻ em Barnardo’s cho biết, 1/5 số cha mẹ mà tổ chức này khảo sát đã phải vật lộn để cung cấp đủ thức ăn cho con của họ trong năm qua.
Áp lực giá cả leo thang hiện đang tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng tới nền kinh tế Anh, kéo giảm sức mua của người dân và lợi nhuận của doanh nghiệp.