Anh: Gửi máy bay chiến đấu tới Ukraine là “không thực tế”

Chia sẻ Facebook
03/02/2023 01:31:57

Các nước đầu tàu NATO bao gồm Anh, Mỹ, Đức đều đã lên tiếng về vấn đề gửi máy bay chiến đấu tới tiền tuyến Ukraine.

Anh không tin rằng việc gửi máy bay chiến đấu tới Ukraine là thực tế, người phát ngôn của Thủ tướng Anh cho biết hôm 31/1, sau khi Kiev ra tín hiệu rằng họ sẽ thúc đẩy việc có được các chiến đấu cơ phương Tây.

“Máy bay chiến đấu... của Vương quốc Anh cực kỳ tinh vi và phải mất hàng tháng trời mới học được cách bay. Do đó, chúng tôi tin rằng việc gửi những chiếc máy bay đó đến Ukraine là không thực tế”, vị phát ngôn viên nói với các phóng viên.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận với các đồng minh của mình về những gì chúng tôi cho là cách tiếp cận phù hợp”.

Một chiếc Hawker Hunter GA.11 của Không quân Hoàng gia Anh. Ảnh: Pinterest

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang kêu gọi phương Tây đẩy nhanh việc cung cấp các loại vũ khí đã hứa để Ukraine có thể tiến hành cuộc tấn công, nhưng hầu hết trong số hàng trăm xe tăng mà các nước phương Tây cam kết đều mất đến vài tháng nữa mới được bàn giao.

Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine, Andrii Melnyk, hoan nghênh quyết định về xe tăng, nhưng yêu cầu các đồng minh phương Tây thành lập một “liên minh máy bay chiến đấu” để cung cấp cho Kiev các loại máy bay chiến đấu như Eurofighter, Tornado, hay Rafale của Pháp và Gripen của Thụy Điển.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết, 14 xe tăng Challenger do Anh viện trợ sẽ ra tiền tuyến vào khoảng tháng 4 hoặc tháng 5, nhưng không đưa ra thời gian biểu chính xác.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, việc phương Tây cung cấp vũ khí dẫn đến “các nước NATO ngày càng tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột –nhưng điều đó không có khả năng thay đổi tiến trình của các sự kiện”.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington, Mỹ, cho rằng “việc phương Tây không cung cấp các trang thiết bị cần thiết” vào năm ngoái là lý do chính khiến các bước tiến của Kiev trên thực địa bị dừng lại kể từ tháng 11.

Liên quan đến lời kêu gọi cung cấp máy bay chiến đấu, trước đó, hôm 30/1, Tổng thống Joe Biden đã trả lời ngắn gọn “Không” khi một phóng viên hỏi ông tại Nhà Trắng rằng liệu Mỹ có gửi F-16 hoặc các máy bay khác tới Ukraine hay không.

Một chiếc máy bay chiến đấu F-16 của Ba Lan trong cuộc tập trận của NATO ở thị trấn Lask, miền Trung Ba Lan, năm 2022. Ảnh: NY Times

Binh sĩ Ukraine chuẩn bị tham chiến ở miền Đông, ngày 28/1/2023. Ảnh: NY Times

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 30/1 cho biết ông sẽ không loại trừ việc gửi máy bay chiến đấu ra tiền tuyến, nhưng cảnh báo về nguy cơ leo thang xung đột.


Còn Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã gọi vấn đề gửi thêm viện trợ quân sự là “phù phiếm” vì họ vừa mới cam kết gửi xe tăng hạng nặng. Ông Scholz cũng làm rõ với tờ Tagesspiegel của Đức rằng liên minh quân sự NATO không chiến đấu với Nga.


Tuần trước Mỹ, Đức và nhiều quốc gia khác đã đồng ý gửi xe tăng chiến đấu hạng nặng tới Kiev. Trong khi Berlin gửi xe tăng Leopard 2, Mỹ sẽ cung cấp xe tăng tiên tiến nhất của mình, M1 Abrams .


Minh Đức (Theo Al-Arabiya, WION)

Chia sẻ Facebook