Anh em đoàn kết cùng nhau góp tiền xây nhà báo hiếu bố mẹ tuổi già
Thay vì đùn đẩy trách nhiệm cho con cả, con út hay người nào sống cùng bố mẹ phải lo thì tất cả anh em nên chung tay góp sức, góp tiền xây nhà phụng dưỡng bố mẹ.
Người ta thường nói “một mẹ có thể nuôi được 10 con, nhưng 10 người con lại không nuôi nổi một mẹ”. Thời xưa bố mẹ chỉ làm nông, không được học hành đầy đủ nhưng vẫn gắng sức nuôi các con ăn học nên người. Vậy nhưng khi đã khôn lớn trưởng thành và có gia đình riêng không ít người lại đùn đẩy trách nhiệm phụng dưỡng bố mẹ già. Người thì cho rằng đó là trách nhiệm của con cả, người thì cho rằng đó là trách nhiệm của con út hay người nào sống chung với bố mẹ. Tuy nhiên, bố mẹ là của chung không phải trách nhiệm của riêng ai.
Một mẹ nuôi được 10 con, nhưng 10 con lại không nuôi nổi một mẹ
Các bà, các mẹ ngày xưa đều sinh khá nhiều con, gia đình nào ít thì 2-3 con, nhiều thì 5-7 người là chuyện bình thường. Tuy đông con, kinh tế lại khó khăn nhưng bố mẹ vẫn đùm bọc nuôi lớn các con trưởng thành. Thế nhưng, sau khi có gia đình riêng, ít người con nào lại mong muốn ở chung với bố mẹ. Tôi từng đọc được hoàn cảnh của một cụ bà đã ngoài 90 tuổi vẫn phải cặm cụi ngồi bán trái cây vỉa hè.
Cụ tâm sự mình có 9 người con trong đó có 5 anh con trai và 4 cô con gái. Nhưng vì hoàn cảnh nghèo khó lại bệnh tật nên 4 người con trai của cụ lần lượt ra đi, còn lại một người tinh thần không tỉnh táo. Dù đã hơn 50 tuổi nhưng đầu óc chỉ như đứa trẻ, phải phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ. 4 cô con gái của cụ đều đã lấy chồng, có gia đình riêng nên không thể đùm bọc cưu mang được mẹ và cậu út.
Hay trường hợp của một cụ bà khác ở Hà Nội cũng có tới 9 người con. Trước đó bà tần tảo nuôi các con khôn lớn, thậm chí còn cho họ đất, giúp con cái xây nhà. Thế nhưng đến nay không hiểu vì lý do gì, cả 9 người con đều không ai chăm sóc bà, còn bà thì ngày nào cũng lang thang không nơi nương tựa. Thậm chí, có những ngày đi trên đường chạm mặt nhau mà các con cũng không chào mẹ một câu, coi như người dưng. Cụ bà cũng vì muốn giữ sĩ diện cho con nên đôi lúc có gặp trên đường bà cũng lảng đi.
Ở gần nhà tôi cũng có một cụ bà có 5 người con trong đó có 3 cậu con trai và 2 cô con gái. Vì tuổi cao nên cụ đã bị lẫn, không được tỉnh táo. Chính vì thế, anh em luôn đùn đẩy trách nhiệm trông nom cụ. Họ phân chia cho cụ cứ luân phiên ở nhà từng người con 1 tuần. Hết 1 tuần cụ lại phải thu dọn hành lý đi sang nhà người con tiếp theo. Nghe cách phân chia của con cái cụ chỉ biết rưng rưng nước mắt.
May mắn cụ có một chàng rể tốt, anh nhận trách nhiệm trông nom cụ, để cụ về sống hẳn với gia đình mình. Tuy nhiên lúc này các cậu con trai lại cho rằng vợ chồng anh nhăm nhe căn nhà cấp 4 của cụ. Cũng vì thế mà họ cãi nhau suốt không thôi, anh em chẳng còn nhìn mặt nhau nữa.
Bố mẹ là của chung, không phải trách nhiệm của riêng ai
Trên thực tế dù bố mẹ có đông con hay ít con thì trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ là trách nhiệm của tất cả con cái. Bởi trước đó khi sinh ra và nuôi dưỡng chúng ta bố mẹ có phân biệt đứa nào được chăm nhiều hơn, đứa nào được ăn ngon hơn đâu. Khi bố mẹ về già điều mong mỏi nhất là có thể đoàn viên, sum họp cùng con cháu.
Nếu người con nào ở xa quê có thể góp tiền cùng các anh em xây một căn nhà chung để bố mẹ ở. Cuối tuần hoặc các dịp lễ tết ăn em cùng tụ họp về nhà. Những ai ở gần thì có trách nhiệm chạy qua chạy lại hoặc ở chung cùng bố mẹ.
Trong đó phải kể đến câu chuyện 4 anh em góp tiền xây nhà từ 30 nghìn viên đá ong cho bố mẹ. Cụ thể, thông tin đăng tải trên báo Dân trí cho hay ông Bình (85 tuổi) và bà Hữu (75 tuổi) ở Hà Tĩnh có 4 người con lập nghiệp ở xa. Năm 2016, khi điều kiện kinh tế khá giả hơn, các con của ông bà đã cùng nhau góp tiền xây nhà ở quê báo hiếu bố mẹ.
Họ sử dụng 30 nghìn viên đá ong để xây dựng ngôi nhà thêm phần cổ kính, mang dáng dấp làng quê thời xưa. Ngôi nhà có 7 gian, trong đó có 2 gian nhà gỗ. Một trong những lý do khác khiến 4 anh em chọn đá ong làm nguyên vật liệu chính là bởi nó hấp thụ nhiệt kém, tỏa nhiệt nhanh. Vì vậy vào hè sẽ rất mát, còn đông về lại ấm rất tốt cho sức khỏe của bố mẹ.
Hay mới đây nhất là trường hợp 4 anh em góp tiền tỷ xây biệt thự 700m2 báo hiếu bố mẹ được đăng tải trên báo Thể thao & Văn hóa. Đáng chú ý, ngôi nhà được làm tới 11 phòng ngủ đủ cho 11 thành viên. Họ đã hẹn nhau chờ tới lúc nghỉ hưu sẽ cùng nhau về quê ''sống hòa thuận''.
Anh em đoàn kết, gia đình vui vẻ sum vầy
Đối với các bậc phụ huynh gia đình có từ 2 con trở lên điều họ mong mỏi nhất chính các con có thể đoàn kết, đùm bọc yêu thương nhau. Bởi con cái thì đứa nào cũng là khúc ruột của bố mẹ. Con cái có xích mích bố mẹ cũng không biết nên đứng về phía người nào. Đặc biệt là vấn đề chia tài sản là một trong những vấn đề khiến anh em dễ bất hòa với nhau nhất. Chính vì thế, bố mẹ cũng cần đối xử công bằng và phân chia thấu tình đạt lý.
Ngược lại, con cái cũng không nên chỉ chăm chăm vào tài sản mới chăm sóc bố mẹ. Với phần đất của bố mẹ ở quê tốt nhất nên để xây nhà thờ hoặc xây một căn nhà khang trang làm nơi thờ cúng ông bà tổ tiên cũng như nơi để anh em tụ họp mỗi dịp lễ tết.
Thay vì suốt ngày cãi vã, tranh giành khiến bản thân mệt mỏi, bố mẹ buồn lòng thì anh em đoàn kết, hòa thuận chẳng phải vui vẻ và ý nghĩa hơn sao? Bên cạnh đó nếu sinh sống và làm việc xa quê bạn cũng nên sắp xếp thời gian về thăm bố mẹ thường xuyên. Tại sao hồi nhỏ anh em lúc nào cũng hòa thuận, có gì cũng nhường nhịn bảo vệ nhau mà lớn lên lại xa cách như vậy? Đó là bởi chúng ta chưa đặt sự ưu tiên cho gia đình lên hàng đầu. Thay vì các cuộc vui cá nhân thì ngày lễ tết hãy dành thời gian để tụ tập với anh em, bố mẹ để vun đắp tình cảm.
Không ít gia đình đời bố mẹ thì anh em rất thân thiết nhưng đến đời thứ 2 các con lại không mấy gần gũi. Thậm chí, nhiều anh chị em trong họ còn chẳng biết mặt nhau. Đó là do bố mẹ ít để con cái có dịp về quê, giao lưu. Chỉ cần anh em đoàn kết, luôn nhớ đến nhau thì gia đình sẽ luôn vui vẻ và đầy ắp tiếng cười.
Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Cùng để lại bình luận bên dưới với YAN nhé. Và đừng quên theo dõi Camera Xóm để cập nhật thêm nhiều tin tức đời sống xã hội thú vị.
Đối với bố mẹ khi sinh ra và nuôi nấng chúng ta họ chỉ mong con cái được vui vẻ, bình an trưởng thành. Bố mẹ không cần con cái phải báo hiếu hay phụng dưỡng. Nhưng suy cho cùng khi bố mẹ về già chỉ còn con cái là người thân. Nếu con cái cũng bỏ mặc không chăm lo thì bố mẹ sẽ ra sao? Hơn nữa đây cũng là trách nhiệm của tất cả những người con chứ không phải nhiệm vụ của riêng ai. Cho nên hãy cùng nhau chung sức đồng lòng, góp công sức, góp tiền bạc để phụng dưỡng bố mẹ bạn nhé.
Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY !