“Anh em” cùng nhà với kỳ lân Vnpay vừa tiến vào mảng di động ảo tại Việt Nam

Chia sẻ Facebook
15/04/2022 11:15:00

Vừa qua, Công ty TNHH Dịch vụ số DIGILIFE Việt Nam, một thành viên của Vnlife, đơn vị sở hữu kỳ lân Vnpay, đã được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng và cung cấp dịch vụ viễn thông.


Theo đó, Công ty TNHH Dịch vụ số DIGILIFE VIệt Nam được phép thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất không sử dụng băng tần số vô tuyến điện (mạng viễn thông di động ảo) trên phạm vi toàn quốc. Doanh nghiệp cần tuân thủ theo đúng các điều khoản về kết nối, kho số, tần số vô tuyến điện và những nghĩa vụ khác theo quy định tại giấy phép.


Doanh nghiệp viễn thông/mạng di động ảo (MVNO) là những nhà mạng không có băng tần, không có hạ tầng mạng mà phải thuê hạ tầng của các doanh nghiệp/nhà mạng sở hữu hạ tầng mạng (MNO) như Viettel, VNPT, MobiFone…để triển khai các hoạt động kinh doanh, bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ ra thị trường.


Mạng di động ảo hiện là mô hình kinh doanh viễn thông phổ biến trên thế giới. Thậm chí tại Anh, gần 20% thị phần trong tổng thị trường di động thuộc về các nhà mạng di động ảo.

Tại Việt Nam, hiện có 4 công ty MVNO. Tháng 4/2019, Công ty Cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom ra đời dịch vụ viễn thông Itelecom, trở thành nhà mạng ảo đầu tiên với đầu số 087. Qua hơn hai năm phát triển, nhà mạng này cho biết đến tháng 12/2021 đạt gần 3 triệu thuê bao.


Hơn một năm sau, vào tháng 6/2020, Công ty Mobicast khai trương mạng di động ảo thứ hai ở Việt Nam với thương hiệu Reddi, đầu số 055 nhưng sau đó đã "bán mình" cho một công ty của Masan. Nhà mạng này hợp tác sử dụng hạ tầng, đầu số của VinaPhone.

Gần đây, Công ty Viễn thông ASIM cũng đã cung cấp mạng ảo thương hiệu Local (mylocal.vn) với thử nghiệm dựa trên đầu số của MobiFone.

Đáng chú ý, Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT mới đây cũng đề cập đến kế hoạch triển khai mô hình kinh doanh mạng di động ảo tại Việt Nam trong tài liệu phục vụ đại hội đồng cổ đông năm 2022.


Nhật Anh

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Chia sẻ Facebook