Anh đối mặt với cuộc đình công ngành đường sắt lớn nhất trong nhiều thập kỷ
Ngành đường sắt của Anh trong tuần này phải đối mặt với cuộc đình công lớn nhất trong hơn 30 năm qua liên quan đến việc trả lương do lạm phát tăng cao làm thu nhập giảm.
Công đoàn đường sắt Anh (RMT) cho biết, hơn 50.000 công nhân sẽ tham gia cuộc đình công toàn quốc kéo dài 3 ngày, trùng với các sự kiện lớn bao gồm lễ hội âm nhạc Glastonbury.
Các trường học được cảnh báo rằng hàng nghìn học sinh tham gia kỳ thi quốc gia cũng sẽ bị ảnh hưởng.
RMT cho rằng, việc tổ chức các cuộc đình công là cần thiết vì tiền lương không theo kịp với lạm phát vốn tăng lên mức cao nhất trong 40 năm qua.
Việc làm cũng không ổn định và gặp rủi ro do lưu lượng hành khách vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau khi dỡ bỏ các lệnh đóng cửa vì đại dịch COVID-19.
Các quốc gia trên thế giới đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao nhất trong hàng thập kỷ do cuộc chiến ở Ukraine và việc nới lỏng các hạn chế chống dịch COVID-19, khiến giá năng lượng và thực phẩm tăng cao.
Các cuộc đình công được lên kế hoạch vào ngày 21/6, 23/6 và 25/6 trong cuộc tranh chấp lớn nhất của ngành đường sắt của Anh kể từ năm 1989, theo RMT.
Người dân nước này cũng nhận được thông báo về một cuộc tuần hành 24 giờ của các thành viên trên Tube, mạng lưới đường sắt ngầm của London, được lên kế hoạch hôm 21/6.
Tuy nhiên, các nhà khai thác dịch vụ đường sắt cảnh báo về sự gián đoạn đường sắt trong suốt tuần với các tuyến không bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công nhưng sẽ giảm dịch vụ.
Andrew Haines, giám đốc điều hành của Network Rail, công ty quản lý các tuyến đường sắt của Anh, cho biết: "Các cuộc đàm phán đã không tiến triển như tôi mong đợi và vì vậy chúng tôi phải chuẩn bị cho một cuộc đình công đường sắt quốc gia không cần thiết và tác động, thiệt hại từ cuộc đình công.
Chúng tôi và các đồng nghiệp điều hành tàu của chúng tôi đang chuẩn bị để có dịch vụ tốt nhất có thể phục vụ cho hành khách và công ty vận chuyển hàng hóa vào tuần tới bất chấp các hành động của RMT".
Các cuộc đình công có thể sẽ làm hỗn loạn du lịch theo đường hàng không, sau khi các hãng hàng không buộc phải cắt giảm chuyến bay do thiếu nhân viên, gây ra sự chậm trễ kéo dài và bức xúc cho hành khách.
Hàng nghìn công nhân, nhân viên trong ngành hàng không đã bị sa thải trong lúc đại dịch COVID-19 xảy ra, nhưng ngành này hiện đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động khi nhu cầu đi lại tăng trở lại sau khi dỡ bỏ lệnh cấm bay.