Anh binh nhì vượt lũ, bảo vệ hơn 100 học sinh
3h sáng, nghe tin có hơn 100 học sinh đang ôn thi THPT mắc kẹt trong lũ dữ, binh nhì Quan Ngọc Hoàng khẩn cấp lên đường ứng cứu. Bất chấp nước chảy xiết, Hoàng bỏ lại xe máy và bơi qua suối để kịp cứu các em.
"Khi đến cầu Nà Ki, mưa lớn, nước ngập sâu, mình vội bỏ lại xe máy và bơi qua. Lúc ấy mình không nghĩ đến nguy hiểm, chỉ nghĩ làm sao đến hiện trường nhanh nhất để bảo vệ các em" - binh nhì Quan Ngọc Hoàng (19 tuổi, công tác tại Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, Công an tỉnh Tuyên Quang) chia sẻ.
Bơi vượt lũ vào trường
Đêm ấy, binh nhì Quan Ngọc Hoàng cùng một số giáo viên đã bảo vệ an toàn hơn 100 học sinh mắc kẹt tại Trường THPT Lâm Bình, thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang trong cơn lũ rạng sáng 29-6.
"Ngay sau khi tham gia Hội thi thể thao nghiệp vụ cứu hộ cứu nạn lần thứ 2, mình được tranh thủ về nhà nghỉ phép 3 ngày sau vài tháng trực chiến ở đơn vị. Khoảng 3h sáng 29-6, người thân gọi điện báo có các em học sinh đang ôn thi tại Trường THPT Lâm Bình đang bị cô lập do mưa lũ, khi ấy trời mưa rất to kèm sấm chớp. Mình liền gọi điện thông tin và xin ý kiến của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và nhận lệnh di chuyển ngay đến hiện trường làm nhiệm vụ. May mắn là mình có mang theo bộ quần áo chuyên dụng nên mặc ngay. Khi đi, mình còn cầm theo điện thoại và đèn pin đội đầu", Hoàng bồi hồi nhớ lại câu chuyện ứng cứu hơn 100 học sinh kẹt trong mưa lũ.
Bản thân có sức khỏe và biết bơi từ nhỏ, lại là thành viên đội tuyển thi cứu nạn cứu hộ, thông thạo địa hình nên Hoàng quyết định bơi qua con suối ào ào nước lũ.
Trời tối, mặt nước đục ngầu lẫn cành cây khô với rác nên phải nhiều phút sau Hoàng mới tiếp cận được ký túc xá của các em học sinh. Với đèn cóc trên đầu, Hoàng quan sát thấy ký túc nằm dưới chân đồi, sát con suối nên nước lũ hung hiểm bao vây và dâng rất nhanh.
"Nhận định tình hình sẽ còn mưa, mình cùng các thầy quản sinh đưa khoảng 50 em học sinh ở tầng 1, sách vở, xe máy lên tầng 2 để đảm bảo an toàn. Khi ấy, ngoài trời mưa lớn, sấm chớp đùng đùng nên một số em có hơi hoảng loạn tinh thần, nhất là các bạn nữ, nên mình phải động viên, dặn dò "có anh và thầy cô ở đây rồi, các em yên tâm và tuyệt đối không đi ra ngoài để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra", Hoàng bộc bạch.
"Chỉ ước biết tin sớm hơn"
"Tối hôm sau, mình mở điện thoại, đọc được tin lãnh đạo công an tỉnh tuyên dương, đọc bình luận cảm ơn trên Facebook, mình vui lắm. Nhưng mình vẫn còn tiếc nuối. Lúc ấy mình cố gắng đưa các em đến vị trí an toàn và bảo vệ các em không bị nguy hiểm bởi dòng lũ chứ không nghĩ được nhiều. Hôm sau, nhìn đồ dùng, sách vở của thầy cô và các em học sinh bị ngấm nước, mình ước phải như biết được tin báo sớm hơn", Hoàng trải lòng.
Đang chia sẻ câu chuyện, tiếng kẻng báo hiệu đến giờ làm việc của đơn vị vang lên. Anh Hoàng nhanh chóng xỏ giày quân dụng, lấy mũ và trang bị xuống sân tập trung cùng đồng đội. Anh tuy không giành được giải tại Hội thi thể thao nghiệp vụ cứu hộ cứu nạn lần thứ 2 nhưng nhận được sự cảm ơn, yêu thương của những người xung quanh sau nhiệm vụ ứng cứu hơn 100 em học sinh trong mưa lũ tại Trường THPT Lâm Bình.
Trong sự việc ứng cứu hơn 100 học sinh ở huyện Lâm Bình, đồng đội đánh giá binh nhì Quan Ngọc Hoàng đã nhanh trí trấn an tinh thần học sinh, theo dõi sát tình hình thời tiết, thông tin lại với Công an huyện Lâm Bình, lãnh đạo đơn vị để chuẩn bị mọi phương án kể cả dùng thuyền bè đưa những người mắc kẹt đến nơi an toàn hơn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thầy Nguyễn Thế Việt - phó ban quản sinh Trường THPT Lâm Bình - cho biết nước lũ dâng nhanh từ khoảng 0h30 sáng 29-6, thầy cô chủ động di chuyển các học sinh và tài sản từ tầng 1 lên tầng 2 của ký túc xá để đảm bảo an toàn.
"Đây không phải là lần đầu tiên ở đây có lũ nên trường đã có phương án cứu nạn cứu hộ. Phương án nêu rõ các thầy cô quản sinh đưa các em lên vị trí cao của ký túc xá để tránh thiệt hại về người và tài sản. Tuy vậy, trận lũ sáng 29-6 là bất thường nên ảnh hưởng nhất định đến các em đang ôn thi tốt nghiệp THPT.
Hôm đó, Hoàng đã hỗ trợ thầy cô rất nhiều trong động viên học sinh bình tĩnh. Khoảng 7h30 sáng, các lực lượng công an, quân đội huyện Lâm Bình, phụ huynh và các em học sinh bắt tay dọn dẹp trường lớp ngay sau khi nước rút", thầy Nguyễn Thế Việt cho biết.
Đến ngày 6-7, các học sinh mắc kẹt trong cơn lũ sáng 29-6 đang chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT 2022 tại Trường THCS Lăng Can (cách đó vài cây số) đảm bảo an toàn để có mùa thi tốt đẹp…
"Khi đi huấn luyện, vài tháng xa nhà mình nhớ nhà lắm chứ, nhưng anh em chiến sĩ trong đơn vị cũng chia sẻ nên mình cũng nguôi ngoai. Có lần mình vi phạm nội vụ gấp chăn khiến cả trung đội phải đứng xem mình gấp chăn sao cho đúng quy định thì thôi. Từ đó, mình tự ý thức làm sao hoàn thành tốt nhiệm vụ, xác định khó khăn mấy cũng phải làm được", anh Quan Ngọc Hoàng nói.
Qua sự việc tại Lâm Bình, anh Hoàng khuyên mọi người nếu rơi vào tình huống nước lũ cô lập thì theo dõi diễn biến về thời tiết thường xuyên, di chuyển người và tài sản lên các vị trí cao, an toàn, tránh khu vực có nguy cơ sạt lở, tuyệt đối tuân thủ chỉ đạo của các cơ quan chức năng, tránh vượt lũ khi không có biện pháp an toàn.
Anh Quan Ngọc Hoàng vừa được tỉnh Tuyên Quang trao bằng khen sau thành tích xuất sắc trong công tác cứu nạn cứu hộ và khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ tại Trường THPT Lâm Bình.
Trung ương Đoàn đã có quyết định tặng huy hiệu Tuổi Trẻ dũng cảm cho anh Quan Ngọc Hoàng vì có thành tích vượt lũ, bảo vệ hơn 100 học sinh trường THPT Lâm Bình trong mưa lũ tại tỉnh Tuyên Quang.