Ấn tượng chương trình ‘Tương lai xanh’ của Unilever: Đã thu được 12.000 tấn rác thải nhựa, tạo việc làm cho 1.500 lao động ve chai
Nhằm tạo ra những sản phẩm vừa mang công năng hiệu quả, lại vừa lành tính với môi trường - từ công tác khai thác, sản xuất đến tiêu dùng, ngành hàng Chăm sóc gia đình Unilever đang đưa ra hàng loạt sáng kiến, giải pháp ấn tượng.
Đa số các ngành công nghiệp, trong đó có lĩnh vực sản xuất các sản phẩm vệ sinh, đều đang phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu hóa thạch. Quá trình khai thác và sử dụng sinh ra các chất thải, phát thải khí nhà kính… tích tụ dần trong môi trường và trở thành một trong nhiều tác nhân gây nên sự biến đổi khí hậu. Trăn trở này đã thôi thúc ngành hàng Chăm sóc gia đình Unilever toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng triển khai chương trình “Tương lai xanh” như một cách để tạo ra những sản phẩm vừa mang công năng hiệu quả, lại vừa lành tính với môi trường - từ công tác khai thác, sản xuất đến tiêu dùng.
Đến văn phòng Unilever vào một buổi sáng đẹp trời, tôi gặp bà Nguyễn Thị Mai - Phó Chủ tịch Marketing Ngành hàng Chăm sóc gia đình Unilever Việt Nam để hiểu rõ hơn về tham vọng “xanh hóa” đặc biệt. Câu chuyện hôm nay sẽ xoay quanh chương trình “Tương lai xanh”, một trong số loạt đổi mới mang tính toàn cầu của Unilever trong nỗ lực hướng tới những sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường.
Động lực và mục tiêu của ngành hàng Chăm sóc Gia đình Unilever Việt Nam trong quá trình lên ý tưởng và triển khai chương trình “Tương lai xanh” là gì thưa bà?
Thông qua các sản phẩm chăm sóc gia đình, Unilever luôn đặt mục tiêu giúp cuộc sống của người tiêu dùng thêm khỏe mạnh và thuận tiện hơn. Song song với đó, chúng tôi cũng tin rằng, việc giảm tác động lên môi trường thông qua những giải pháp đột phá là vô cùng cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh ô nhiễm đáng báo động như hiện nay. Đó chính là lý do Unilever xây dựng và triển khai chương trình “Tương lai xanh” trên quy mô toàn cầu.
“Tương lai xanh” hay “Clean Future” là một chương trình đổi mới được khởi động bởi ngành hàng chăm sóc gia đình Unilever với mục tiêu mang đến người tiêu dùng những sản phẩm vừa hiệu quả về mặt công năng, đồng thời cũng vừa “xanh” và an toàn cho ngôi nhà chung Trái đất.
Về mục tiêu, tại thị trường Việt Nam, chương trình “Tương lai xanh” của Unilever đặt ra 3 cam kết chính. Đến năm 2030, chúng tôi sẽ loại bỏ 100% nguồn nguyên liệu từ carbon hóa thạch không thân thiện môi trường khỏi các sản phẩm chăm sóc gia đình. Thứ hai, thành phần trong công thức các sản phẩm sẽ có khả năng phân hủy sinh học đến 100%. Thứ ba, chúng tôi sẽ giảm lượng nhựa nguyên sinh và sử dụng nhựa tái chế trong sản xuất bao bì. Cụ thể đến năm 2025, 100% bao bì của sản phẩm Chăm sóc Gia đình đều có thể tái sử dụng, tái chế hoặc dễ dàng phân hủy, và hơn 25% bao bì được làm từ nhựa tái chế PCR.
Xin bà chia sẻ thêm về kế hoạch hành động của Unilever để hiện thực hóa mục tiêu trên?
Ngành hàng Chăm sóc Gia đình của Unilever Việt Nam sẽ triển khai 2 trụ cột hành động chính gồm: “nghiên cứu phát triển công thức sản phẩm tốt hơn” và “thúc đẩy bao bì bền vững”. Cụ thể trong giải pháp đầu tiên, chúng tôi chú trọng phát triển công thức giúp tiết kiệm nước và có khả năng phân hủy sinh học, đồng thời đến năm 2030, cam kết sử dụng 100% nguyên liệu đầu vào có khả năng tái chế, tái tạo, hoặc tuần hoàn. Giải pháp thứ hai mà chúng tôi đang thực hiện đó là thúc đẩy sản xuất bao bì bền vững có khả năng tái chế, cũng như thúc đẩy dùng nhựa tái chế PCR thay thế nhựa nguyên sinh.
Đến năm 2025, Unilever đặt mục tiêu 100% bao bì các sản phẩm đều có thể tái sử dụng, tái chế hoặc dễ dàng phân hủy. Cho đến nay, Unilever đã làm được những gì?
Unilever Việt Nam là một trong những đơn vị tiên phong trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam, tập trung vào giải pháp bao bì có thể tái chế, giảm lượng nhựa nguyên sinh sử dụng trong sản xuất, tăng sử dụng nhựa tái chế và tập trung vào phân loại, thu gom, xử lý rác thải nhựa. Ba cam kết cụ thể mà chúng tôi đề ra cho giai đoạn từ nay đến năm 2025 bao gồm: 100% bao bì có thể tái chế; giảm 50% nhựa nguyên sinh trong sản xuất và thu gom, xử lý rác thải nhựa nhiều hơn lượng nhựa bán ra.
Để hiện thực hóa hai cam kết đầu tiên, chúng tôi đã triển khai mô hình “Ít nhựa hơn, nhựa tốt hơn, không dùng nhựa” với mấu chốt là việc áp dụng khoa học và công nghệ vào kế hoạch phát triển sản phẩm. Đến nay, chúng tôi đã đạt được nhiều bước tiến khả quan, chẳng hạn như 72% bao bì của sản phẩm có thể tái sử dụng, tái chế hoặc dễ dàng phân hủy. Ngoài ra, Unilever Việt Nam cũng đã giảm được 55% nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì thông qua việc tăng cường sử dụng nhựa tái chế PCR.
Không chỉ đặt mục tiêu với các loại bao bì, Unilever còn chuyển đổi công thức để cho ra đời các sản phẩm thân thiện hơn. Kế hoạch này diễn ra như thế nào thưa bà?
Hiện nay, ngoài chai sản phẩm của nhiều nhãn hàng như Sunlight, Comfort hay Vim được sản xuất từ 100% nhựa tái chế PCR. Ở các thị trường khác trên thế giới, kết cấu sản phẩm từ Unilever cũng được cải tiến trở nên đậm đặc hơn để có thể được chứa trong chai có thể tích nhỏ hơn. Nhờ vậy, thời gian sử dụng hết sản phẩm chứa trong một chai đựng sẽ dài hơn, góp phần giảm lượng nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì.
Ngoài ra, các nhãn hàng của Unilever đã, đang nghiên cứu, áp dụng công nghệ và tiến hành đổi mới cấu trúc bao bì sản phẩm để tăng khả năng tái chế của bao bì mà vẫn đảm bảo chất lượng. Unilever cũng đặt ra thuật ngữ “Cầu vồng Carbon”, hay “Chu trình Carbon”, nhằm xác định các nguồn carbon khác nhau, từ đó đa dạng hóa nguồn carbon trong nguyên - nhiên liệu đầu vào của doanh nghiệp, góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường.
Bà có thể chia sẻ thêm về sáng kiến “Cầu vồng Carbon” được không? Unilever áp dụng nó lên quy trình sản xuất và các sản phẩm như thế nào?
“Cầu vồng Carbon” là thuật ngữ do Unilever đặt ra để phân định các nguồn carbon khác nhau trong nguyên - nhiên liệu đầu vào của doanh nghiệp. Theo đó, Unilever hướng tới thay thế nguồn carbon đen, tức CO2 từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch hữu hạn gây ra hiệu ứng nhà kính bởi các nguồn carbon tích cực hơn như: carbon tím từ phát thải công nghiệp, carbon xanh lá từ thực vật và nguồn sinh học, carbon xanh dương từ tảo biển và carbon xám từ rác thải nhựa.
Hiện Unilever Việt Nam đã và đang áp dụng “Cầu vồng Carbon” vào việc phát triển sản phẩm, với mục tiêu đến năm 2030 loại bỏ 100% nguồn nguyên liệu từ carbon đen khỏi sản phẩm, đồng thời đảm bảo thành phần công thức các sản phẩm Chăm sóc Gia đình sẽ có khả năng phân hủy sinh học đến 100%. Sunlight, OMO, Vim, … là những nhãn hàng điển hình tận dụng rất tốt nguồn carbon xanh thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, Unilever cũng ưu tiên chọn nguyên, nhiên liệu đầu vào từ carbon xám, tức nguồn carbon đến từ rác thải nhựa.
Việc áp dụng khái niệm “Cầu vồng Carbon” đòi hỏi Unilever cần cẩn trọng xem xét không chỉ nguồn nguyên liệu mà cả chuỗi sản xuất. Việc nghiên cứu màu carbon sẽ được dẫn dắt thông qua tính năng, công thức và công nghệ hiện hữu của mỗi sản phẩm, với mục tiêu cuối cùng là tạo ra những sản phẩm xanh, không gây hại cho môi trường, có khả năng tái tạo, tái chế qua nhiều vòng đời.
Đối với việc tái sử dụng bao bì cũ, Unilever có gặp khó khăn đối với quá trình thu gom hay không, trong bối cảnh hệ thống phân loại và thu gom rác thải nhựa tại Việt Nam chưa thực sự đồng bộ?
Đối với cam kết cuối cùng về thu gom và xử lý rác thải nhựa, Unilever đã nhận ra một số thách thức. Đầu tiên, hệ thống phân loại tại nguồn và thu gom rác thải nhựa tại Việt Nam chưa được thiết lập và quản lý một cách thống nhất. Thứ hai, người dân vẫn chưa thực sự ý thức về việc phân loại rác tại nguồn, hoặc dù đã ý thức về vấn đề này nhưng vẫn chưa thực sự hành động. Tiếp đến, khả năng về công nghệ và bối cảnh đổi mới cũng là một trở ngại cho quá trình quản lý rác thải nhựa.
Chính vì vậy, chúng ta cần quan tâm đến các chính sách về môi trường, các hành lang pháp lý có liên quan để thúc đẩy hoạt động quản lý rác thải nhựa một cách hiệu quả và phù hợp với năng lực của doanh nghiệp cũng như cơ sở hạ tầng của đất nước.
Unilever áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa như thế nào?
Mô hình Kinh tế Tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa được vận hành dưới sự hợp tác công - tư giữa Unilever Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bốn nhiệm vụ trọng tâm mà mô hình hướng đến bao gồm: phân loại, thu gom, xử lý rác thải nhựa; truyền thông - giáo dục nâng cao nhận thức người dân; áp dụng công nghệ và đổi mới vào quản lý rác thải nhựa và đối thoại chính sách hỗ trợ xây dựng, triển khai mô hình.
Trong đó, nhiệm vụ ‘phân loại tại nguồn và thu gom, xử lý rác thải nhựa’ là bước cơ bản để đưa nhựa quay trở lại phục vụ cho nền kinh tế và không còn tồn tại ngoài môi trường. Đồng thời, đây cũng là hoạt động giúp chúng tôi hoàn thành cam kết đến năm 2025 thu gom và xử lý rác thải nhựa nhiều hơn lượng bao bì bán ra.
Đến nay, Unilever Việt Nam và các đối tác đã thực hiện thu gom 12.000 tấn rác thải nhựa, thiết lập 150 trạm phân loại và thu gom rác, tạo việc làm cho gần 1.500 lao động ve chai tự do. Các chương trình truyền thông và huấn luyện về phân loại tại nguồn và thu gom rác thải nhựa của chúng tôi cũng đạt được 17,3 triệu lượt tiếp cận.
Phản ứng của người tiêu dùng với chương trình “Tương lai xanh” của Unilever? Thái độ của họ với các sản phẩm của Unilever có thay đổi hay không thưa bà?
Người tiêu dùng Việt Nam trước giờ vẫn luôn ủng hộ những sản phẩm thân thiện với môi trường và đang ngày càng nhận thức rõ hơn về tác động của các sản phẩm mà mình sử dụng với môi trường xung quanh. Chúng tôi hiểu rằng quá trình cung cấp kiến thức, song hành với việc thay đổi hành vi của người tiêu dùng Việt Nam sẽ là một chặng đường dài mà Unilever cần tiếp tục chú trọng trong thời gian tới.
Xin cảm ơn bà về những chia sẻ hữu ích kể trên.
Huệ Anh