Ăn trứng cá nóc, một ngư dân tử vong, 2 người khác co giật

Chia sẻ Facebook
21/08/2023 17:51:34

Chập tối cùng ngồi nhậu cá nóc trứng nấu chua, tới rạng sáng, một ngư dân co giật và tử vong. Hai ông còn lại khó thở, co giật.

Ông Trần Phương Bình, thoát chết sau khi ngộ độc cá nóc, hiện đang phục hồi tốt. (Ảnh: Chí Công/baokiengiang.vn)

Sáng 21/8, BSCKII Huỳnh Trọng Tâm – Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cho biết 12h ngày 20/8, bệnh viện đã tiếp nhận hai ngư dân bị ngộ độc là ông Trần Phương Bình (SN 1977, ngụ huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) và ông Bùi Đình Lĩnh (SN 1982, ngụ phường Bình San, TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang).

Cả hai người nhập viện trong tình trạng bị co giật, tê lưỡi, tê chân, đau đầu, người mệt mỏi. Qua khám tiền sử bệnh và triệu chứng ngộ độc, hai bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc trứng cá nóc.

Vào khoảng 17h ngày 19/8, ông Bình và ông N.X.H. (quê Hà Tĩnh) đánh lưới mực cách quần đảo Nam Du khoảng 50km bắt được con cá nóc to nên tính làm mồi để nhậu. Trong khi làm cá, thấy cá có trứng nên ông Bình và ông H. đem nấu canh chua. Đến 19h cùng ngày, tất cả nghỉ nhậu. Khoảng 1h sáng ngày 20/8, ông H. bị co giật rồi tử vong.

Ông Lĩnh và ông Bình cũng bị khó thở, co giật, tê người, được ngư dân cùng tàu đánh cá đưa vào Trạm Y tế xã An Sơn (Kiên Hải), rồi chuyển tiếp đến Trung tâm Y tế huyện Kiên Hải sơ cấp cứu. Cả hai tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang lúc 8h20 ngày 20/8.

Ông Lĩnh cho hay mấy ông vẫn ăn cá nóc mà không sao. Hôm đó con cá có trứng nên nấu canh chua. Mà sau khi nhậu được khoảng 4 tiếng thì ông H. chết, còn mình và ông Bình may mắn được cứu sống.

Bác sĩ Tâm cho biết sau một ngày tích cực điều trị, sức khỏe của hai bệnh nhân đã ổn định, phục hồi tốt, dự kiến vài ngày tới có thể xuất viện về nhà.

Hồi tháng 12/2022, một phụ nữ 53 tuổi (trú tại phường Cao Xanh, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) được đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy nghi bị ngộ độc cá nóc. Một 1 tiếng trước đó, bà ăn 2 miếng gan cá nóc, sau đó tê nóng lưỡi, môi, tê tay chân, khó thở.

Sau 24 tiếng điều trị tích cực, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, được rút ống nội khí quản. Đáng lưu ý, bệnh nhân cho hay có biết cá nóc có độc, hàng chục năm qua, đã chế biến và ăn thịt cá nóc nhưng không xảy ra vấn đề gì.

Bác sĩ khuyến cáo nếu ăn cá nóc thì cần phải chế biến kỹ lưỡng, bỏ hết các bộ phận cá có chứa nhiều độc tố như gan, mật hoặc trứng cá… để tránh nguy cơ bị ngộ độc.

Dù thịt cá nóc không có độc tố nhưng khi đánh bắt, chế biến hoặc cá ươn, bị dập nát, độc tố ngấm vào thịt sẽ gây độc khi dùng. Chỉ cần ăn khoảng 10 g thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc, trường hợp nặng gây liệt toàn thân, da tím tái, trụy tim… với tỷ lệ tử vong lên đến 60% nếu cấp cứu chậm.


Nguyễn Sơn

Loại kem độc nhất của người Eskimo: Mỡ động vật và tuyết Người Eskimp - cư dân bản địa ở Alaska có một loại kem đặc biệt làm từ tuyết và mỡ động mang tên Akutaq...

Chia sẻ Facebook