Ẩn tình bộ váy cưới của Nữ hoàng Anh: Cố kiêng hẳn việc này vẫn xui như thường, bản nhái thôi giá cũng đã gần tỷ đồng!
May thay, hàng loạt tai ương diễn ra ngay trong hôn lễ của Nữ hoàng Anh đã được "cứu rỗi" bằng chiếc váy cưới thần tiên thời hậu chiến.
Gái chính chuyên như Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh ''yêu sách'' stylist thế nào? Nhìn gạch đầu dòng sau đây mà ''mắc mệt''!
Với 95 năm tuổi đời và 70 năm trị vì ngai vàng, Nữ hoàng Anh Elizabeth II là biểu tượng của một đời vàng son trường tồn như nhật nguyệt. Bà cũng là một trong số hiếm hoi những chứng nhân từng can qua bao chuyển biến trọng đại của nhân loại - từ Thế chiến thứ hai cho tới đại dịch Covid, và thật khó để mường tượng một hoàng gia Anh thiếu vắng sự dẫn dắt của bà.
Để tôn vinh Nữ hoàng Anh cùng dấu mốc 95 tuổi đời và 70 năm trị vì, tạp chí Vogue Anh đã chọn bức ảnh bà chụp năm 1957 làm trang bìa cho tạp chí số tháng 4. Bên cạnh nhan sắc thanh xuân, dân tình còn chú ý tới chiếc vương miện Diamond Diadem vốn được lưu truyền qua bao thế hệ ngai vàng suốt 2 thế kỷ.
Cũng nhờ khỏe mạnh vững vàng, Nữ hoàng Anh đã kịp chứng kiến bao ngày vui nhất đời của các thành viên hoàng tộc: từ Thái tử Charles, hai Hoàng tử William và Harry, cho đến những cô cháu gái như Beatrice và Eugenie... Và mỗi khi một dịp vui của hoàng gia được tổ chức trọng thể, dân chúng lại hoài niệm về cái ngày chính Nữ hoàng Anh khoác lên mình bộ váy cưới lộng lẫy nhất, sải bước cùng Hoàng thân Philip dưới mái vòm thiêng liêng của tu viện Westminster.
Đám cưới trắc trở thời hậu chiến
Hôn nhân thường là khởi đầu mới của một quá trình tìm kiếm hạnh phúc và hy vọng. Trong cuộc hôn phối giữa Nữ hoàng Anh cùng Hoàng thân Philip, mục đích ẩn chứa còn thâm sâu hơn thế. Không đơn thuần là giao kết tâm hồn lẫn thể xác giữa hai nhân vật quyền quý, ngày 20/11/1947 còn ghi dấu bước chuyển mình của nước Anh sau vô vàn mất mát từ Thế chiến thứ hai (1939 - 1945), hướng tới một tương lai xán lạn hơn.
Cho dù đôi bên đều xuất thân cao quý, lễ thành hôn giữa Nữ hoàng Anh và Hoàng thân Philip cũng là một trong những sự kiện trúc trắc nhất trong lịch sử hoàng gia. Âu cũng bởi khi đó, ảnh hưởng của chiến tranh còn quá nặng nề.
Và để có được ngày vui này, đôi bên đều phải nỗ lực đến cùng cực bất chấp địa vị cao quý. Cụ thể thì ngài Philip vốn là một vị Hoàng tử Hy Lạp, trót phải lòng cô công chúa Anh Quốc từ năm bà chỉ mới 13 tuổi và cố gắng duy trì liên lạc trong suốt Thế chiến cam go thông qua những cánh thư. Và để có thể cầu hôn thành công nàng Elizabeth mỹ miều, Philip phải chấp nhận từ bỏ tước hiệu Hoàng tử Hy Lạp và trở thành công dân Anh.
Về phần mình, vị Nữ hoàng tương lai phải vật lộn với cả tá khó khăn tài chính đang đeo bám nước Anh từ sau bóng ma chiến tranh. Giải pháp duy nhất để bà có được chiếc váy cưới trong mơ là tích trữ... tem phiếu lương thực. Mỗi tội dù cần kiệm đến đâu, số tem phiếu cần thiết cũng lên tới hơn hàng trăm chiếc, vượt quá khả năng của một cá nhân nhỏ nhoi. May thay chính phủ Anh cùng dân chúng đều yêu mến cô Công chúa trẻ tuổi nên chung tay gom góp, tạo điều kiện để Elizabeth cùng NTK Norman Hartnell kiến tạo nên tuyệt tác xứng tầm một đám cưới thế kỷ.
Để có được chiếc váy cưới hoàn hảo, đích thân Nữ hoàng Anh và bao người dân đã phải "bóp mồm bóp miệng" theo đúng nghĩa đen.
Lễ cưới đã được tổ chức tại tu viện Westminster, nơi được mệnh danh là "kho báu của Anh Quốc" và cũng là "Giáo khu riêng của Hoàng gia". So với các hôn lễ sau này, ngày vui của Công chúa Elizabeth khá tinh giản và gọn nhẹ với 150 khách mời dự tiệc chiêu đãi. Người dân chỉ được nghe tường thuật về đám cưới qua radio, chúc tụng cặp đôi cũng như nguyện cầu một bước chuyển mình đáng nhớ của toàn dân tộc.
Bao tai ương ập đến nhưng chính chiếc váy cưới "cứu rỗi" tất cả
Cho đến tận ngày trọng đại đó, bao xui rủi vẫn liên tiếp kéo đến bên Nữ hoàng Anh. Chẳng hạn chiếc vương miện Russian Fringe được chạm trổ 47 viên kim cương, cũng là phụ kiện hoàng gia được bà lựa chọn để đeo, không hiểu ma xui quỷ khiến ra sao mà gãy đôi ngay trước hôn lễ 2 tiếng. Một nghệ nhân kim hoàn đã nhanh tay sửa gấp, nhưng cũng không thể giúp món trang sức đắt giá quay về hiện trạng hoàn hảo ban đầu trong ngần ấy thời gian.
Chiếc vương miện này vốn là "đồ đi mượn" theo truyền thống hoàng gia Anh. Nó được chế tác năm 1919 từ một chiếc vòng cổ của Nữ hoàng Mary. Sau Nữ hoàng Elizabeth II, chiếc vương miện từng xuất hiện trong lễ cưới của Công chúa Anne năm 1972 và Công chúa Beatrice năm 2020.
Sau sự cố chiếc vương miện thì đến bó hoa cưới của Nữ hoàng Anh "không cánh mà bay". Được biết, bó hoa cưới này vốn được tập hợp từ ba loài hoa lan trứ danh Anh Quốc cùng một nhánh myrtle (một loại cây họ sim) được cắt ra từ bụi cây do Nữ hoàng Victoria trồng - loài hoa tượng trưng cho sự lâu bền và hạnh phúc trong hôn nhân. Khi đôi tân lang tân nương xúng xính đi chụp ảnh chân dung sau buổi lễ thì mới phát hoảng vì bó hoa ý nghĩa biến mất không dấu vết. Phải đến cả tuần sau ảnh cưới mới được chụp, mỗi tội khi đó các khách quý đã chẳng còn ai nán lại...
Sau chiếc vương miện thì đến lượt bó hoa cưới của Nữ hoàng Anh "giở quẻ" biến mất, khiến cả hoàng gia nháo nhào trong phút chốc.
Trong cái rủi có cái may, và chính chiếc váy mà NTK Norman Hartnell dành riêng cho nữ hoàng tương lai đã "cứu rỗi" tất cả. Với thiết kế cổ tim trang nhã cùng chất liệu lụa màu ngà, chiếc váy này được khai sinh từ bàn tay của 350 nữ nhân trong suốt 7 tuần lễ ròng rã và âm ỉ. Vải lụa được nhập từ Trung Quốc thay vì Nhật hay Ý, các cuốc gia đối đầu Anh Quốc trong Thế chiến. Đặc biệt, chi tiết thêu đính dọc thân váy được lấy cảm hứng từng bức họa "Primavera" (tạm dịch: "Mùa Xuân") của Sandro Botticelli, hàm ý về sự tái sinh và phát triển, với cách thể hiện qua những hình họa ngôi sao, hoa hồng và lúa mạch.
Điều ít ai biết là chiếc váy rất nặng, âu cũng bởi được đính tới 10.000 viên ngọc trai cùng pha lê, sequin nhập từ Hoa Kỳ. Và chính đặc điểm này trở thành nhược điểm chí mạng trong quá trình bảo quản chiếc váy. Các chi tiết đính kết nặng trĩu kéo căng bề mặt vải, khiến tổng thể bị xuống cấp nhanh chóng.
Phần đuôi váy dài tới 5 mét với những hoa văn ngôi sao sáng chói. Chiều dài đuôi váy của Nữ hoàng Anh khá khiêm tốn so với phần đuôi váy cưới của Công nương Diana (gần 8 mét) nhưng cũng đủ "ăn đứt" cô cháu dâu Kate Middleton (gần 3 mét).
Một bí mật khác là Nữ hoàng Anh không hề thử qua chiếc váy cưới, chỉ mặc nó lần đầu vào đúng buổi sáng hôn lễ. Bản thân Nữ hoàng đã vô cùng lo lắng, nhưng vẫn quyết định tuân theo nghi thức truyền thống: không thử váy cưới trước ngày trọng đại nhằm tránh xui rủi, nào ngờ mọi thứ vẫn xui thật...
Chỉ là bản sao mà cũng đáng giá cả một gia tài
Năm 2016, Netflix ra mắt series The Crown (tạm dịch: Hoàng Quyền) và nhanh chóng câu dẫn được sự hưng phấn từ khán giả khi vén màn hàng loạt bí mật cung đấu của hoàng tộc Anh. Tuy phần nội dung gây khá nhiều tranh cãi vì động chạm không nể nang, đồng thời bị nhiều nhà sử học phản đối, thế nhưng phần nhìn lại thuyết phục hoàn toàn.
Đặc biệt là chiếc váy cưới của Nữ hoàng Anh đã được đoàn phim tạo bản sao 1:1, xuất hiện ngay từ tập mở màn của series. Giá của chiếc váy bản sao này lên tới... 37.000 USD - tức gần 850 triệu đồng! Và ngạc nhiên hơn là, mức giá này khá sát với giá trị thực tế của chiếc váy gốc từ 70 năm trước.
Claire Foy là nữ diễn viên có được cơ may tái hiện thời thanh xuân của Nữ hoàng Anh. Khi được hỏi cảm giác lúc khoác trên mình chiếc váy bản sao 1:1, cô chỉ ngắn gọn: "Chúng tôi mất tới 5 ngày để quay cảnh lễ thành hôn. Và chiếc váy, một bản sao hoàn hảo, nặng cả tấn! Tôi cũng hình dung về khoảnh khắc ấy của Nữ hoàng khi còn là một cô gái trẻ, mang trên mình chiếc vương miện, tiến vào lễ đường với đầy ắp các vị nguyên thủ quốc gia... Điều đó hẳn đòi hỏi một dũng khí vô cùng lớn lao."
Dù sao đi nữa, chiếc váy cưới của Nữ hoàng Anh đã cùng bà đi vào lịch sử nhân loại. Ngoài những giá trị đơn thuần về cá nhân, bộ váy còn tượng trưng cho ước vọng của người dân Anh sau những ngày chiến tranh khốn khó. Bên cạnh đó, chiếc váy cũng mang lại niềm tin cho phái đẹp về một cuộc sống lứa đôi bền vững kéo dài đến 7 thập kỷ. Kể cả cho tới tận bây giờ, khi có tới ba trong bốn cuộc hôn nhân của các con đều đổ vỡ, chuyện tình giữa bà và Hoàng thân Philip vẫn là kim chỉ nam cho bậc hậu bối dõi theo học hỏi, hướng tới một tương lai trường tồn cho hoàng tộc nói riêng và nước Anh nói chung.
Nguồn: The Richest, Evoke, Fame10