Án Tây-Luật Ta: Mánh lừa tình nhiều phụ nữ của kẻ “đào mỏ” đẹp trai
Trong 10 năm, Robert Hendy-Freegard tự xưng là điệp viên MI5 để lừa tiền, lợi dụng tình cảm nhiều nạn nhân. Với nhiều tội danh khác nhau, nếu chiếu theo luật Việt Nam, gã “Sở Khanh” này sẽ bị xử lý như thế nào?
Án Tây:
Lừa cả tình lẫn tiền
Robert Hendy – Freegard, SN 1971 ở làng Kilton, hạt Nottinghamshire, Vương quốc Anh. Khi làm nhân viên quán bar hay nhân viên bán xe, Robert tiếp cận các khách hàng và quyến rũ họ sau khi tự giới thiệu là điệp viên MI5.
Trong suốt 10 năm, anh ta đã lừa đảo ít nhất 7 phụ nữ và 1 nam sinh để lấy tổng cộng 1 triệu Bảng Anh.
Trò lừa của Robert bắt đầu năm 1992, khi anh ta làm nhân viên phục vụ tại 1 quán rượu gần đại học nông nghiệp Harper Adams ở Newport, Shropshire. Robert thuyết phục 2 nữ sinh Sarah Smith, Maria Hendy và nam sinh John Atkinson bỏ học, chạy trốn cùng mình.
Robert "tuyển" John vào một nhiệm vụ gián điệp không có thật, đánh đập John để "rèn luyện sức mạnh". Anh ta bịa ra những khoản phí huấn luyện gián điệp để moi tiền, lừa John và gia đình 390.000 Bảng Anh.
Maria si mê Robert đến mức ở bên anh ta 8 năm, sinh 2 con gái cho anh ta. Một lần, anh ta đập vỡ 1 chiếc răng của cô nhưng buộc cô phải nói dối nha sĩ rằng bị ngã cầu thang.
Sarah chạy trốn xuyên nước Anh trong 10 năm cùng Robert. Cô bị bắt làm việc đến 16 tiếng mỗi ngày nhưng phải giao toàn bộ tiền lương cho Robert. Sarah và gia đình bị lừa 180.000 Bảng Anh với cùng lý do như John.
Năm 1995, Robert có chuyện tình ngoài luồng có Elizabeth Bartholemew, nữ trợ lý 22 tuổi của đại lý xe hơi Sheffield, vừa kết hôn. Sau khi chinh phục được Elizabeth, Robert tiết lộ bí mật là điệp viên MI5. Anh ta chụp ảnh khỏa thân của cô, cảnh báo nếu không nghe lời sẽ công khai ảnh. Elizabeth đã cho Robert vay lần lượt 6.500 và 8.000 Bảng Anh.
Năm 1996, Robert gặp Lesley Gardner, nữ công chức 28 tuổi, trong một hộp đêm ở Newcastle. Anh ta vét sạch 16.000 Bảng Anh của cô trong 6 năm.
Năm 2000, Robert nhắm mục tiêu đến Renata Kister, người Ba Lan. Anh ta lấy 10.000 Bảng Anh của Renata, yêu cầu cô vay thêm 15.000 Bảng Anh cho mình.
Nạn nhân tiếp theo của Robert là nữ luật sư 34 tuổi Caroline Cowper. Caroline đề nghị chia tay khi phát hiện Robert lấy trộm 14.000 Bảng Anh từ tài khoản ngân hàng .
Nhưng Robert chỉ sa lưới trong phi vụ cuối cùng với Kimberley Adams. Kimberley, 31 tuổi, gặp Robert vào tháng 8/2002. Sau khi phát hiện bố dượng của Kim trúng xổ số 11 triệu Bảng Anh, Robert thuyết phục gia đình Kim gửi 15.000 Bảng cho cô trả học phí "đào tạo gián điệp".
Robert điều khiển nạn nhân bằng sự sợ hãi. Các nạn nhân cũng bị đánh đập khi anh ta thể hiện sự chiếm hữu. Nhà chức trách phải mất 18 tháng và tiêu tốn 2,5 triệu Bảng để điều tra, truy tố Robert. Ngày 6/9/2005, anh ta bị tuyên án tù chung thân với 2 tội danh Bắt cóc, 10 tội Trộm cắp và 8 tội Lừa đảo. Năm 2007, Robert kháng cáo cáo buộc bắt cóc và giành chiến thắng. Anh ta được thả tự do vào tháng 5/2009.
Luật Ta :
Lừa tiền có thể đòi, lừa tình khó xử lý
Với những hành vi trên, nếu chiếu theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam , Robert Hendy-Freegard sẽ bị xử lý ít nhất về 2 tội Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản (Điều 74 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Trộm cắp tài sản (Điều 173 BLHS).
Theo định nghĩa, lừa đảo là hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác bằng các thủ đoạn gian dối. Tội phạm về lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ gây thiệt hại về tài sản cho nhà nước, xã hội và công dân mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình trật tự an toàn xã hội.
Theo Điều luật, thủ đoạn gian dối là dấu hiệu cơ bản của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên đây không phải là dấu hiệu duy nhất để cấu thành tội phạm. Đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngoài thủ đoạn gian dối, người có hành vi phạm tội còn phải có hành vi chiếm đoạt tài sản. Ở đây, đối tượng không chỉ có thủ đoạn gian dối mà còn có ý định chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân và thực tế, đối tượng đã chiếm đoạt tiền của nhiều người, trong một thời gian dài.
Về hình phạt, khoản 1 Điều 174 quy định như sau: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Khoản 2, 3, 4 Điều 174 còn quy định về các tình tiết tăng nặng đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản như phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, hay lợi dụng thiên tai, dịch bệnh,...Theo đó, tùy từng mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội mà người phạm tội sẽ bị xác định khung hình phạt phù hợp.
Không những lừa nhiều người mà tổng số tiền Robert Hendy-Freegard đã chiếm đoạt của các nạn nhân cũng rất lớn. Theo quy định tại khoản 4 Điều 174, nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, đối tượng sẽ phải đối mặt với mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Một điểm cần lưu ý là đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì thủ đoạn gian dối của người phạm tội luôn luôn phải có trước khi người bị hại giao tài sản cho người phạm tội. Nếu thủ đoạn gian dối được thực hiện sau khi người phạm tội nhận được tài sản thì không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, Robert Hendy-Freegard còn bị xem xét, xử lý về tội Trộm cắp tài sản vì đã lấy trộm 14.000 Bảng Anh từ tài khoản ngân hàng của Caroline Cowper.
Hình phạt của tội Trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173 như sau: Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Nếu phạm tội có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; Tái phạm nguy hiểm thì đối tượng có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Trong trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì người phạm tội có thể bị phạt tù đến 20 năm.
Tuy nhiên, lừa tiền còn có thể kiện để đòi lại nhưng lừa tình thì rất khó để “kết án” trừ phi nghi phạm đã kết hôn hợp pháp mà còn có quan hệ ngoài luồng với người khác.
Ánh Dương (thực hiện)