Án Tây-Luật Ta: Bị bắt sau khi nổ súng vào chính mình trong mơ
Người đàn ông sống ở bang Illinois (Mỹ) bị bắt sau khi ông tự cầm súng bắn vào chân mình vì mơ thấy có người đột nhập vào nhà.
Án Tây : Nổ súng trong…mơ
Theo Straits Times, vụ việc xảy ra vào ngày 10/4 ở Lake Barrington, bang Illinois. Ông Mark M. Dicara, 62 tuổi, nằm mơ thấy có người đột nhập vào nhà. Ông đã cầm khẩu súng thật trong giấc ngủ và bắn vào "kẻ đột nhập", nhưng cuối cùng lại bắn nhầm vào chính mình.
Ông Dicara đã bị bắt và giờ đây đối diện các cáo buộc tàng trữ và xả súng trái phép.
Vào ngày 10/4, cảnh sát hạt Lake tới nhà ông Dicara sau khi nhận được thông báo về việc có người bị thương do trúng đạn.
Họ phát hiện ra ông Dicara bị thương ở chân và mất một lượng máu đáng kể. Ông sau đó được đưa tới bệnh viện địa phương để điều trị.
"Các cuộc điều tra sau đó phát hiện ra ông Dicara nằm mơ thấy có người lạ đột nhập vào nhà. Ông lấy ra khẩu súng lục ổ quay Magnum và bắn vào đối tượng mà ông tin là kẻ đột nhập. Khi ông nổ súng, ông đã tự bắn mình và dường như tỉnh dậy sau giấc mơ", thông báo ngày 13/6 của văn phòng cảnh sát trưởng hạt Lake cho biết.
Viên đạn sau đó đã găm vào giường của ông Dicara. Chính quyền địa phương cho hay, không có bất cứ kẻ trộm nào đột nhập vào căn hộ của ông Dicara vào ngày 10/4.
Giới chức phát hiện ra ông Dicara trước đó đã bị thu hồi Thẻ nhận dạng chủ sở hữu súng (FOID) nhưng vẫn giữ 1 khẩu súng trong nhà. FOID là tấm thẻ bắt buộc ở Illinois để một người sở hữu súng hợp pháp.
Ông Dicara bị bắt ngày 12/6 và đối mặt với 2 cáo buộc sở hữu súng mà không có thẻ FOID hợp lệ và xả súng một cách liều lĩnh.
Ông hiện được tại ngoại sau khi nộp tiền bảo lãnh 150.000 USD và dự kiến sẽ ra hầu tòa vào ngày 29/6.
Luật Ta:
Nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí quân dụng
Tuy luật pháp Mỹ cho phép công dân được sở hữu súng nhưng phải có Thẻ nhận dạng chủ sở hữu súng (FOID). FOID là tấm thẻ bắt buộc ở Illinois để 1 người sở hữu súng hợp pháp. Mặc dù đã bị thu hồi Thẻ nhận dạng súng nhưng ông Dicaar vẫn giữ 1 khẩu súng trong nhà.
Theo pháp luật Việt Nam , việc cá nhân sở hữu, sử dụng vũ khí quân dụng là phạm pháp và sẽ bị xử lý rất nặng.
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi, bổ sung năm 2019), các loại súng cầm tay như súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên… đều là vũ khí quân dụng.
Theo điểm a khoản 1 Điều 1 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.
Vũ khí quân dụng là vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm: a) Súng cầm tay bao gồm: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu; b) Vũ khí hạng nhẹ bao gồm: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân; c) Vũ khí hạng nặng bao gồm: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa; d) Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
Súng săn là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn, bao gồm: súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này.
Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu.
Vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao, bao gồm: a) Súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay và đạn sử dụng cho các loại súng này; b) Vũ khí thô sơ quy định tại khoản 4 Điều này dùng để luyện tập, thi đấu thể thao.
Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao.
Luật này cũng nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.
Do đó, người nào sử dụng vũ khí quân dụng, nhẹ thì bị xử lý hành chính, nặng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ở mức độ nhẹ, theo điểm a khoản 5 Điều 11 Nghị định 144/2021, ông Dicaar có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mực phạt tiền từ 20 đến 40 triệu đồng vì đã có hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao.
Trên thực tế, ông này không chỉ có hành vi tàng trữ súng mà còn có hành vi tự ý sử dụng súng, dù là tự bắn vào chính người mình. Đây là hành vi vô cùng nguy hiểm, có thể làm ảnh hưởng đến tính mạng của người khác khi đạn đi lạc. Do đó, ông ta có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, tội danh và hình phạt quy định tại Điều 304 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Về hình phạt, Điều 304 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự thì bị phạt tù 1-7 năm. Trường hợp sử dụng vũ khí quân dụng làm chết người thì bị phạt tù 5-12 năm.
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, với hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, ông Dicaar có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự và đối mặt với hình phạt từ 1 đến 7 năm tù.
Ánh Dương (Thực hiện)