Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Yêu cầu đàn ông sờ ngực ngoài phố, nữ người mẫu có nguy cơ ngồi tù
Hành động yêu cầuđàn ông sờ ngực ngoài phố của Ah In khiến cô đối mặt nguy cơ ngồi tù. Tuy nhiên, nữ người mẫu cho rằng cô đang thách thức những tiêu chuẩn kép áp đặt lên phụ nữ.
Án Nước ngoài :
Yêu cầu đàn ông sờ ngực ngoài phố
Ngày 23/10, Sở Cảnh sát Mapo thông báo cơ quan đang điều tra Ah In, nữ người mẫu, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, xuống đường ở Hongdae, trùm bìa cứng yêu cầu đàn ông qua đường chạm vào vòng một.
Đại diện Sở Cảnh sát Mapo cho biết Ah In có hành vi không đứng đắn nơi công cộng, có thể bị phạt tù 01 năm, tiền phạt lên đến 5 triệu won (khoảng 4.000 USD).
Theo Wikitree, hành động của Ah In vi phạm Điều 245 của Bộ luật Hình sự Hàn Quốc. Ah In đối mặt cáo buộc có hành động tục tĩu nơi công cộng, khiến người xem khó chịu hoặc xấu hổ về mặt tình dục.
Biện minh cho hành động bị cáo buộc tục tĩu nơi công cộng, Ah In nói: "Tôi thấy kỳ lạ khi đàn ông cởi áo ở nơi công cộng thì được coi là bình thường, nhưng khi một người phụ nữ làm như vậy thì cô ấy lại bị chỉ trích, áp dụng lệnh cấm, thậm chí phạt ngồi tù. Hành động của tôi là sự thách thức với những tiêu chuẩn kép".
Khi được hỏi về việc người lạ ái ngại chuyện chạm vào ngực cô nơi công cộng, Ah In nói cô không bận tâm. "Tôi tự hào về ngực, cơ thể của mình và muốn phô trương nó. Tôi không cho rằng việc bị chạm vào cơ thể là đáng bị kỳ thị hoặc cho là điều cấm kỵ", cô nói thêm.
Trước đó, truyền thông Hàn đưa tin Ah In cho phép người qua đường chạm vào cơ thể ở nơi công cộng. Video bị người qua đường ghi lại, đăng trên mạng xã hội và tạo làn sóng phản đối kịch liệt.
Ah In lần đầu gây chú ý công chúng khi xuất hiện trên đường phố Apgujeong với dòng chữ "Angel Box Girl" được viết trên hộp carton (thay cho quần áo). Cô khoét lỗ ở phần thân trên và yêu cầu đàn ông chạm vào ngực. Trong cuộc phỏng vấn ngày 14/10, cô nói công việc chính của cô là đóng phim, làm mẫu quảng cáo nội dung người lớn, trước đó làm công việc phục vụ trong quán karaoke.
Luật Việt Nam:
Lên án hành vi khỏa thân nơi công cộng
Nữ người mẫu Ah In gây chú ý công chúng khi xuất hiện trên đường phố Apgujeong với dòng chữ "Angel Box Girl" được viết trên hộp carton (thay cho quần áo). Cô khoét lỗ ở phần thân trên và yêu cầu đàn ông chạm vào ngực. Nếu xảy ra ở Việt Nam thì hành vi của Ah cũng bị coi là phản cảm, trái thuần phong mỹ tục.
Trong xã hội có nhiều quy phạm để điều chỉnh hành vi con người trong đó bao gồm quy phạm xã hội và quy phạm pháp luật. Những quy phạm đó hướng đến những chuẩn mực nhất định để mọi người tuân theo (chuẩn mực pháp luật, chuẩn mực đạo đức, xã hội).
Bởi vậy, không phải hành vi nào của con người cũng được điều chỉnh bởi pháp luật, bị chi phối bởi các quy phạm pháp luật mà còn có các quy phạm xã hội khác như văn hóa, tập quán, tín điều tôn giáo...
Với hành vi phản cảm trên, theo luật Hàn Quốc, Ah có nguy cơ bị phạt 01 năm tù, phạt tiền 5 triệu won nhưng nếu áp dụng pháp luật Việt Nam thì cô này sẽ bị xử lý như thến nào?
Trước đây, tại Điều 10 Nghị định 73/2010/NĐ-CP có quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về nếp sống văn minh. Theo đó, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60 ngàn đến 100 ngàn đồng với hành vi không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội.
Tuy nhiên, Nghị định 73/2010 đã hết hiệu lực kể từ 28/12/2013 và được thay thế bởi Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, điều khoản về hành vi vi phạm quy định về nếp sống văn minh không còn xuất hiện trong Nghị định 167. Hiện Nghị định 167/2013/NĐ-CP cũng đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Nghị định 144/2021/NĐ-CP nhưng Nghị định này cũng không có quy định xử phạt về hành vi khỏa thân nơi công cộng.
Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch nhằm định hướng và nhắc nhở du khách những điều nên – không nên làm khi đặt chân đến mỗi địa danh, trong đó có các quy tắc như xếp hàng theo thứ tự, tuân thủ giờ giấc, trang phục lịch sự, ứng xử văn minh.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ dừng lại ở bộ quy tắc ứng xử mang tính khuyến khích chứ không phải quy định về điều luật xử phạt mang tính chế tài.
Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện có quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung cờ bạc, lô đề hoặc phục vụ chơi cờ bạc, lô đề; dâm ô đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Thế nhưng Nghị định này cũng đã bị bãi bỏ.
Gần nhất, Nghị định 45/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 1/8/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, mới có quy định về xử phạt hành vi vi phạm của khách du lịch. Các hành vi được nêu ra cũng khá chung chung như: không thực hiện nội quy, quy định của khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch; hành vi ứng xử không văn minh hoặc không tôn trọng phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa địa phương nơi đến du lịch; hành vi gây phương hại đến hình ảnh quốc gia, truyền thống văn hóa dân tộc của Việt Nam... mà chưa có các văn bản dưới luật hướng dẫn rõ ràng hơn là những hành vi cụ thể nào.
Xét về khía cạnh đạo đức, việc khỏa thân nơi công cộng của nữ người mẫu trên là hành vi ảnh hưởng đến nếp sống văn minh, văn hóa, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.
Việc ăn mặc hở hang hoặc khỏa thân nơi công cộng là hành động thiếu chuẩn mực, không phù hợp với văn hóa xã hội do đó sẽ bị người đời cười chê, người bình thường sẽ cảm thấy xấu hổ. Có lẽ vì vậy mà các nhà làm luật của chúng ta nhận thấy không cần phải có sự điều chỉnh của pháp luật đối với hành vi này.
Chỉ khi nào hành vi khỏa thân nơi công cộng kèm theo những động tác, hình ảnh phản cảm có tính chất dung tục, khiêu dâm, kích dục tác động xấu đến tâm lý của người khác thì mới bị pháp luật xử lý bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự.
Ánh Dương (Thực hiện)