Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Tạm giam"vua đầu tư" nghi lừa đảo 30.000 gia đình

Chia sẻ Facebook
21/08/2023 15:58:28

Ngày 14/8, báoKhmer Times của Campuchia đưa tin nhà tài phiệt Hy Kimhong bị bắt tạm giam với cáo buộc lừa đảo. Tòa án đã ra lệnh bắt ông Kimhong dựa trên đơn khiếu nại từ tập thể nạn nhân.


Án Nước ngoài :

Seng Heang, Phó công tố viên Tòa án Thành phố Phnom Penh, cáo buộc Hy Kimhong phạm tội Gian lận nghiêm trọng theo Điều 380 Bộ luật Hình sự Campuchia. Vệ sĩ của ông Hy Kimhong bị buộc tội Bạo lực nghiêm trọng theo Điều 218 Bộ luật Hình sự. 8 vệ sĩ khác được tòa tuyên vô can và được phép trở về nhà.

Ông Kimhong đã bị tạm giam theo lệnh bắt giữ của tòa án được ký ngày 18/7 dựa trên đơn tố cáo của các nạn nhân.

Vệ sĩ của ông Kimhong bị bắt vì hành vi tấn công khiến 4 cảnh sát bị thương nặng và cản trở lực lượng chức năng vào văn phòng công ty. Theo công tố viên, cảnh sát đã bắn nhiều phát súng chỉ thiên để dập tắt cuộc ẩu đả và bắt giữ các nghi can.

Cảnh sát trưởng tỉnh Kampot, Thiếu tướng Mao Chanmathurith, cho biết 1.105 gia đình trong tỉnh đã đệ đơn khiếu nại Công ty vàng Thế Giới lừa đảo, với số tiền lên tới 21 triệu USD.


Hầu hết các nạn nhân đều vay tiền ngân hàng để đầu tư vào dự án đất nền của công ty nhằm thu lãi hằng tháng. Các nạn nhân không nhận được đồng lãi nào từ công ty, khiến họ rơi vào cảnh nợ nần.

Ông Kong Seklang, một nạn nhân và đại diện cho những người yêu cầu bồi thường, cho biết vụ việc có liên quan tới khoảng 30.000 gia đình ở Campuchia. Số tiền thiệt hại lên tới 100 triệu USD.

Ông trùm đầu tư Hy Kimhong bị cảnh sát bắt giữ. Ảnh: Khmer Times


Luật Việt Nam :

Chiếm đoạt trên 500 triệu đồng, người lừa đảo có thể nhận án chung thân

Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 của nước CHXHCN Việt Nam quy định về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu sau: Về hành vi: Có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động … (ví dụ: kẻ phạm tội nói là mượn xe đi chợ nhưng sau khi lấy được xe đem bán lấy tiền tiêu xài không trả xe cho chủ sở hữu) và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản.

Chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Đặc điểm của việc chiếm đoạt này gắn liền và có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối.

Những trường hợp dùng thủ đoạn gian dối khác như cân, đong, đo đếm gian dối nhằm ăn gian, bớt của khách hàng hoặc để bán hàng giả để thu lợi bất chính thì không cấu thành tội này mà cấu thành tội Lừa dối khách hàng hoặc tội Buôn bán hàng giả.

Thời điểm hoàn thành tội phạm này được xác định từ lúc kẻ phạm tội đã chiếm giữ được tài sản sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối để làm cho người chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản bị mắc lừa gia tài sản cho kẻ phạm tội hoặc không nhận tài sản đáng lẽ phải nhận.

Dấu hiệu bắt buộc của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Nếu có hành vi gian dối mà không có hành vi chiếm đoạt (chỉ chiếm giữ hoặc sử dụng), thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người có hành vi gian dối trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chiếm giữ trái phép hoặc tội Sử dụng trái phép tài sản, hoặc đó chỉ là quan hệ dân sự.

Lưu ý là giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ 2 triệu đồng trở lên. Nếu dưới 2 triệu đồng thì phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội Chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì người thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

Hành vi lừa đảo xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác, do đó người phạm tội này thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.

Về mặt ý chí của người phạm tội lừa đảo bao giờ cũng nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản trước khi thực hiện hành vi lừa đảo, đây là điểm phân biệt cấu thành tội Lạm dụng tín nhiếm chiếm đoạt tài sản. Vì trong một số trường hợp phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì bao giờ ý định chiếm đoạt tài sản cũng phát sinh sau khi nhận tài sản thông qua một hình thức giao dịch nhất định

Ý thức chiếm đoạt phải có trước thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản, thủ đoạn gian dối bao giờ cũng phải có trước khi tiến hành giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội. Nếu sau khi có được tài sản hợp pháp mới phát sinh thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản thì không coi là phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chiếu theo quy định trên, hành vi của “vua đầu tư” có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để được đảm bảo quyền lợi, các nạn nhân có thể gửi đơn tố giác tội phạm tới cơ quan công an để điều tra, xác minh. Sau khi thụ lý điều tra, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan công an.

Nếu vụ việc không được khởi tố hình sự nhưng muốn lấy lại tài sản bị chiếm đoạt, các nạn nhân có thể kiện lên tòa án và phải gửi kèm chứng cứ chứng minh.

Về hình phạt, nếu tài sản chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên, người thực hiện hành vi lừa đảo có thể bị phạt tù chung thân.


Riêng hành vi tấn công khiến 4 cảnh sát bị thương nặng và cản trở lực lượng chức năng vào văn phòng công ty, các vệ sỹ của “vua đầu tư ” có thể bị xem xét xử lý về các tội Giết người, Cố ý gây thương tích, Chống người thi hành công vụ. Luật Hình sự của Việt Nam không có tội danh Bạo lực nghiêm trọng.


Ánh Dương (Thực hiện)

Chia sẻ Facebook