Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Sập cầu ở Ấn Độ khiến ít nhất 141 người thiệt mạng
Cảnh sát Ấn Độ cho biết 9 người đã bị bắt sau vụ sập cây cầu treo ở bang Gujarat, miền Tây nước này, khiến ít nhất 141 người thiệt mạng.
Án Nước ngoài:
Bắt 9 đối tượng liên quan đến vụ sập cầu
“9 người bị bắt giữ đều liên quan đến Oreva, một nhà sản xuất thiết bị điện có trụ sở tại Gujarat, đơn vị đã thực hiện bảo trì cây cầu dài 230m ở thị trấn Morbi”, cảnh sát cấp cao Ashok Kumar Yadav nói với các phóng viên hôm 31/10. Cây cầu chỉ mới mở cửa trở lại vào tuần trước sau khi được sửa chữa.
Theo ông Yadav, 9 người bao gồm 2 quản lý, 2 nhân viên soát vé, 2 nhà thầu và 3 nhân viên bảo vệ. Những người này đang bị điều tra theo hướng ngộ sát.
Công ty Oreva đã phụ trách quản lý cầu cáp treo suốt 15 năm qua. Hàng trăm người đã mua vé lên cầu để ăn mừng lễ hội Diwali và Chhath Puja. Một nghị sĩ địa phương chỉ trích việc Oreva bán vé không hạn chế, đồng thời cho rằng việc quá đông người trên cầu đã dẫn tới thảm kịch. Trước đó, cây cầu do chính quyền địa phương phụ trách và họ chỉ hạn chế số người ra vào ở mức 20 người/lượt.
Trước đó, chiều tối 30/10, dây cáp của cầu treo bị đứt khi gần 500 người, trong đó có phụ nữ và trẻ em, đang có mặt ở khu vực cầu để hành lễ trong dịp lễ hội tôn giáo Diwali, khiến một phần cấu trúc cầu gãy, làm nhiều người rơi xuống sông Machchu bên dưới.
Theo các nhà chức trách, tới ngày 31/10, số người thiệt mạng đã tăng lên 137 người trong khi đó một số nguồn tin cho rằng con số này là 141 người.
Được biết, các nỗ lực cứu hộ gặp khó khăn ở những vùng sông nhiều bùn và khả năng vẫn còn nhiều người mắc kẹt bên dưới đống đổ nát của cây cầu.
Trong khi đó, Oreva cho rằng nguyên nhân của thảm họa có thể do người dân cố gắng lắc lư. “Trong khi chúng tôi đang chờ thêm thông tin, có vẻ như cây cầu sụp đổ khi có quá nhiều người ở khúc giữa cố gắng lắc lư cầu từ bên này sang bên kia”, một phát ngôn viên của Oreva nói.
Thông tin từ các nhân chứng và camera tại hiện trường vụ sập cầu cho thấy 1 nhóm thanh niên đã rung lắc mạnh cây cầu trước khi nó bị sập.
Luật Việt Nam:
Tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
Theo pháp luật của Ấn Độ thì 9 người trên bị điều tra theo hướng ngộ sát. Tuy nhiên nếu chiếu theo pháp luật hình sự của Việt Nam , những đối tượng trên có dấu hiệu của tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tội danh và hình phạt quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng.
Tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trực tiếp xâm phạm sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội .
Theo các nhà làm luật thì động cơ phạm tội không phải là yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Đây là đặc điểm khác với một số tội phạm khác mà người phạm tội có chức vụ, quyền hạn thực hiện.
Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở các dấu hiệu sau: Hành vi khách quan là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao. Ví dụ như không làm tròn chức trách được giao khi tiến hành bảo trì cây cầu.
Hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội danh này. Cụ thể là hành vi “không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao” khi bảo trì cây cầu gây hậu quả nghiêm trọng khi cầu sập, khiến nhiều ngưởi tử vong.
Hậu quả nghiêm trọng của tội này là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.
Chủ thể của tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là những người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến hành vi phạm tội.
Mặt chủ quan của tội phạm được thực hiện với hình thức lỗi vô ý (thiếu trách nhiệm).
Các dấu hiệu về vô ý phạm tội được quy định tại Điều 11 Bộ luật Hình sự, cụ thể luật quy định có 2 trường hợp vô ý phạm tội gồm: Trường hợp thứ nhất là người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được; khoa học luật hình sự gọi trường hợp vô ý phạm tội này là “vô ý vì quá tự tin”.
Trường hợp thứ hai là người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước. Đây là trường hợp phạm tội do “vô ý vì cẩu thả”.
Về hình phật, khoản 1 Điều 360 quy định: Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm: a) Làm chết người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Tình tiết tăng nặng của khung hình phạt tại khoản 1 là làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên.
Trong vụ án trên, cây cầu sập khiến rất nhiều người thiệt mạng (theo thống kê sơ bộ là đã có 141 người thiệt mạng, chưa kể có thể có nhiều người vẫn đang bị mắc kẹt dưới đống đổ nát…). Theo quy định, nếu làm chết 02 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Nếu làm chết 03 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên, người phạm tội bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
Vì số nạn nhân thiệt mạng quá lớn nên nếu bị xử lý về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì những người trên có thể sẽ phải đối mặt với mức phạt tù cao nhất lên đến 12 năm.
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Ánh Dương (Thực hiện)