Án Nước ngoài-Luật Việt Nam Rúng động vụ thảm án ở nhà trẻ

Chia sẻ Facebook
15/10/2022 09:02:27

Mẹ nghi phạm tấn công nhà trẻ Thái Lan cho biết trước khi gây án, nghi phạm đã sử dụng chất kích thích methamphetamine.


Án Nước ngoài :


Xả súng tại nhà trẻ sau khi “xài” ma tuý

Ngày 6/10, dư luận Thái Lan chấn động với vụ thảm án tại nhà trẻ ở thị trấn nông thôn Uthai Sawan thuộc tỉnh Nong Bua Lamphu khiến ít nhất 37 người thiệt mạng, bao gồm 24 trẻ em.

Nghi phạm gây ra vụ tấn công được xác định là Panya Kamrab (34 tuổi), một cựu sĩ quan cảnh sát. Được biết, Panya Kamrab đã bị sa thải khỏi ngành vào năm 2021 do sử dụng ma tuý.

Theo lời kể của nhân chứng, Kamrab đã sử dụng súng và 1 con dao để sát hại 22 trẻ nhỏ, khoảng 2-3 tuổi. Trong số các nạn nhân của đối tượng này còn có một giáo viên đang mang thai 8 tháng. Sau đó, nghi phạm tiếp tục dùng súng bắn 9 người khác trên đường từ nhà trẻ về nhà riêng của hắn cách đó 5km.

Khi bị cảnh sát bao vây nhà riêng, nghi phạm đã nổ súng giết hại vợ và con trai 2 tuổi rồi tự sát.

Thông tin về vụ việc, Phó cảnh sát trưởng quốc gia Thái Lan Damrongsak Kittiprapas cho biết: "Anh ta có thể thực hiện vụ thảm sát này trong tình trạng thiếu tỉnh táo vì căng thẳng và sau khi sử dụng chất gây nghiện".

Theo lời kể của mẹ nghi phạm, anh ta đã bị kích động sau khi ra hầu toà hôm 6/10 và đã sử dụng chất methamphetamine trước khi lái xe tới nhà trẻ, nơi trước đó anh ta đã đưa con trai mình đến.

Cảnh sát trưởng địa phương, Thiếu tướng Paisan Luesomboon chia sẻ với CNN rằng: "Con trai nghi phạm không có ở nhà trẻ nên sau đó anh ta đã bắt đầu nổ súng và dùng dao tấn công mọi người. Chỉ có 1 đứa trẻ trong phòng nghỉ trưa nhà trẻ may mắn còn sống.".

Cảnh sát Thái Lan đứng gác bên ngoài nhà trẻ, nơi xảy ra vụ thảm sát. Ảnh: Getty


Luật Việt Nam:


Có dấu hiệu phạm tội Khủng bố


Tuy nghi phạm đã tự sát nên vấn đề truy trách nhiệm sẽ không đặt ra nhưng theo quy định của pháp luật , cơ quan chức năng vẫn phải điều tra, làm rõ nguyên nhân, động cơ, mục đích gây án cũng như làm rõ có hay không đồng phạm giúp sức Kamrab trong vụ thảm sát này. Nếu có đồng phạm thì phải khởi tố để điều tra và truy trách nhiệm đến cùng.


Chiếu theo quy định của pháp luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam , hành vi thảm sát tại nhà trẻ của Kamrab có dấu hiệu của tội Khủng bố, tội danh và hình phạt quy định tại Điều 299 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tội phạm được thể hiện bởi các hành vi xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân làm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng.

Khách thể của tội Khủng bố xâm phạm vào an toàn công cộng, trật tự công cộng; xâm phạm vào quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, tự do thân thể, sức khỏe của công dân, xâm phạm vào tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.


Tội phạm được thể hiện bởi các hành vi: Hành vi đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe của công dân như dùng súng bắn; đánh bom; mìn, lựu đạn…hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe cũng có thể được thực hiện bằng các thủ đoạn khác như đầu độc bằng thuốc độc hoặc các loại hóa chất độc khác…gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng; Hành vi phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, công nhân có thể hiện bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như đốt, phá; đánh bom, mìn…làm cho tài sản bị phá hủy không thể khôi phục lại được…gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng. Cách nghi phạm gây ra vụ án này khiến dư luận kinh hoàng.

Lưu ý, hành vi gây thiệt hại cho tính mạng của công dân tương tự như hành vi giết người Điều 123 Bộ luật Hình sự, hành vi phá hủy tài sản tương tự như hành vi hủy hoại tài sản Điều 178 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, các hành vi này lại gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng.

Về mặt chủ quan, tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý, động cơ, mục đích nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng nhưng không có mục đích chống chính quyền nhân dân, nếu có mục đích chống chính quyền nhân dân thì truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 113 Bộ luật Hình sự 2015.

Tội phạm được thực hiện bởi những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định

Về hình phạt, khoản 1 Điều 299 quy định như sau: Người nào nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm: b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố; c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; d) Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Cần lưu ý là người chuẩn bị phạm tội này cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù có thể từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, nếu bị xử lý về tội Khủng bố thì mức phạt tù cao nhất mà nghi phạm phải đối mặt lên đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Sau khi gây ra vụ thảm sát đẫm máu tại nhà trẻ, lúc bị cảnh sát vây bắt tại nhà riêng, nghi phạm đã sát hại vợ và con trai trước khi tự sát. Với hành vi này, nghi phạm có thể bị xử lý về tội Giết người, quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự. Với tình tiết định khung là giết 02 người trở lên hoặc giết người mà liền trước đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nghi phạm có thể phải đối diện với mức án cao nhất là tử hình.


Ánh Dương (thực hiện)

Chia sẻ Facebook