Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Phẫu thuật cắt tử cung, tỉnh dậy mất 2 quả thận

Chia sẻ Facebook
29/11/2022 15:32:20

Một người phụ nữ ở Ấn Độ đến phòng khám tư nhân để phẫu thuật cắt bỏ tử cung. Khi tỉnh dậy, cô bàng hoàng khi biết 2 quả thận của mình đã biến mất.


Án Nước ngoài:


Thay vì cắt tử cung, bác sĩ “xén” luôn 2 quả thận

Tháng 9/2022, cô Sunita Devi, 38 tuổi, ở Tp.Muzaffarpur, bang Bihar (Ấn Độ) đến phòng khám tư nhân Subhakant ở thị trấn Bariyarpur, bang Bihar để phẫu thuật cắt bỏ tử cung. Sau ca phẫu thuật, cô được cho phép về nhà để tự chăm sóc.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, cô được đưa đến Bệnh viện Đại học Y khoa Sri Krishna (SKMCH) ở Tp.Muzaffarpur vì sức khỏe bỗng dưng xấu đi. Qua quá trình kiểm tra, các bác sĩ cho biết 2 quả thận của cô đã bị cắt bỏ. Nếu muốn sống sót, cô phải chạy thận lọc máu. Họ giới thiệu Devi tới Viện Khoa học Y tế Indira Gandhi (IGIMS) để chạy thận nhân tạo và hiện cô được chạy thận hàng ngày, trong lúc chờ ghép thận.

"Nếu không chạy thận 1 ngày, cô ấy có thể chết", bác sĩ BS Jha, Giám đốc SKMCH, nói với giới truyền thông, hôm 21/11.

Sau đó, Devi và gia đình quyết định đệ đơn khiếu nại Pawan Kumar, chủ sở hữu Phòng khám Subhakant và bác sĩ RK Singh, người thực hiện ca phẫu thuật. Qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện phòng khám chưa được đăng ký hoạt động, giấy phép hành nghề của 2 bác sĩ là giả mạo.

Cả hai nghi phạm đã bỏ trốn kể từ khi vụ việc được đưa ra ánh sáng. Song theo tờ Hindustan Times, 1 người gần đây đã bị bắt.

Devi có 3 con nhỏ, chồng cô là lao động tự do, phải vật lộn kiếm sống qua ngày. Các bác sĩ điều trị chính tại IGIMS cho biết tình trạng của cô rất nguy kịch. "Cô sẽ phải ghép thận để cải thiện sức khỏe. Chúng tôi đang theo dõi rất chặt chẽ tiên lượng của bệnh nhân", bác sĩ Om Kumar, Trưởng khoa Thận và Ghép thận tại IGIMS, cho hay.

Devi đã đăng ký để chờ được ghép thận. Tuy nhiên, danh sách bệnh nhân chờ được ghép tạng ở Ấn Độ đang rất dài. Cô cũng mong muốn nhà chức trách sớm bắt giữ các nghi phạm để trừng trị đúng pháp luật.

Cô Sunita Devi ở Ấn Độ bị mất 2 quả thận sau ca phẫu thuật cắt bỏ tử cung


Luật Việt Nam :


Ngoài việc phải bồi thường, bác sĩ có thể bị phạt tù


Câu chuyện “cắt tử cung, mất thận” của cô Sunita Devi ở Ấn Độ không phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất trên thế giới. Nếu vụ việc trên xảy ra ở Việt Nam thì sẽ được giải quyết như thế nào? Trước hết, Điều 36, 37 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định về nghĩa vụ của người hành nghề như sau: Phải kịp thời sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh; Tôn trọng các quyền của người bệnh, có thái độ ân cần, hòa nhã với người bệnh; Tư vấn, cung cấp thông tin; Đối xử bình đẳng với người bệnh, không để lợi ích cá nhân hay sự phân biệt đối xử ảnh hưởng đến quyết định chuyên môn của mình; Chỉ được yêu cầu người bệnh thanh toán các chi phí khám bệnh, chữa bệnh đã niêm yết công khai theo quy định của pháp luật.

Đối với nghề nghiệp, người hành nghề phải thực hiện đúng quy định chuyên môn kỹ thuật, chịu trách nhiệm về việc khám bệnh, chữa bệnh của mình, thường xuyên học tập, cập nhật kiến thức y khoa liên tục để nâng cao trình độ chuyên môn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế, tận tâm trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh, giữ bí mật tình trạng bệnh của người bệnh, những thông tin mà người bệnh đã cung cấp và hồ sơ bệnh án, thông báo với người có thẩm quyền về người hành nghề có hành vi lừa dối người bệnh, đồng nghiệp, không được kê đơn, chỉ định sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác vì vụ lợi.

Xem xét trường hợp của cô Sunita Devi, đội ngũ y bác sĩ trong kíp mổ đã không thực hiện đúng và đầy đủ chuyên môn kỹ thuật, cẩu thả và vô trách nhiệm trong việc kiểm tra trong giai đoạn phẫu thuật cũng như trong giai đoạn điều trị phục hồi. Những hành vi này đã gây ra hậu quả, làm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người bệnh, cụ thể là cô Devi phải chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống.

Khi phẫu thuật cắt nhầm bộ phận khác trên cơ thể bệnh nhân, người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có trách nhiệm bồi thường về vật chất và tinh thần theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Về vật chất, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; Thiệt hại khác....

Về tinh thần, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho 1 người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Có thể nói Y tế là một ngành vô cùng quan trọng trong cuộc sống hàng ngày bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của mỗi con người.


Bộ Y tế cũng đã đưa ra những quy định nhằm điều chỉnh hoạt động khám, chữa bệnh được tuân thủ, đảm bảo an toàn nhưng vẫn còn một bộ phận những người công tác trong đội ngũ Y tế không tuân thủ; dẫn tới những sự việc đáng tiếc xảy ra. Và khi xảy ra hậu quả đáng tiếc như vụ việc của cô Sunita Devi sẽ xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự .

Nếu vụ việc có dấu hiệu hình sự, cơ quan điều tra có thể xem xét, xử lý những người liên quan về tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, theo quy định tại Điều 315 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).


Việc vi phạm các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh được hiểu như sau: Vi phạm quy định về hành nghề và sử dụng chứng chỉ hành nghề của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Vi phạm quy định về điều kiện hoạt động và sử dụng giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Vi phạm quy định về chuyên môn kỹ thuật; Vi phạm quy định về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiển, lấy xác…

Hậu quả của hành vi vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh…là thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác.

Thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác là làm cho người khác bị tổn hại đến sức khỏe có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên. Trong trường hợp thiệt hại chỉ là sức khỏe thì nhất thiết phải trưng cầu giám định để xác định tỷ lệ thương tật của bị hại.

Nếu người phạm tội đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì không cần phải có hậu quả.

Chủ thể của tội phạm này phải là người có trách nhiệm trong lĩnh vực y tế.

Như vậy, nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể của cô Sunita Devi từ 61% trở lên, thì bác sĩ trực tiếp phẫu thuật cho cô sẽ phải đối diện với mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Nếu gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng, hình phạt sẽ từ 03 năm đến 10 năm.

Nếu gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Bên cạnh đó, nếu cơ quan chức năng có chứng cứ chứng minh giấy phép hành nghề của 2 bác sĩ ở Phòng khám tư nhân Subhakant là giả mạo thì có thể xem xét xử lý thêm tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự.


Ánh Dương (Thực hiện)

Chia sẻ Facebook