Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Kế hoạch giết người của nam sinh “không ăn được thì đạp đổ”

Chia sẻ Facebook
16/07/2022 13:32:22

Nhiều lần bị từ chối tình cảm, Chu Hải Dương đã nhẫn tâm sát hại “người trong mộng” của mình.


Án Nước ngoài :


Sát hại “người trong mộng” vì bị từ chối yêu

Ngày 21/1/2009 là ngày thứ 14 Dương Hân, 22 tuổi (người Trung Quốc), tới Mỹ du học. 19h, cô đến quán cà phê ở tầng một của trung tâm nghiên cứu sinh Đại học Công nghệ Virginia theo lời hẹn với đồng hương cùng trường Chu Hải Dương, 25 tuổi. Khi đang trò chuyện, Dương đột nhiên đứng dậy, rút con dao đã chuẩn bị trước và tấn công Hân. Khi bị bắt, Dương im lặng, không chống cự.


Khám nơi trọ của Dương, cảnh sát tìm thấy hóa đơn các công cụ gây án mua cách đó không lâu. Dương sinh năm 1984 ở Tp.Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), thi đỗ ngành thương mại của Đại học Hải Dương Thượng Hải năm 2001. Sau đó, Dương tiếp tục học Thạc sĩ rồi xin được học bổng Tiến sĩ của Đại học Công nghệ Virginia vào 2008. Trong chưa đầy nửa năm, Dương đã trở thành trợ giảng.

Tháng 1/2009, qua giới thiệu của bạn học, Dương đến sân bay đón Hân, quê ở Bắc Kinh, học Thạc sĩ tại Đại học Công nghệ Virginia sau khi lấy bằng cử nhân kế toán của Đại học Memorial University of Newfoundland, Canada. Cô gái 22 tuổi có ngoại hình xinh xắn lập tức khiến Dương yêu thích. Để thể hiện bản thân, Dương nhiệt tình giúp Hân tìm chỗ ở, làm thủ tục nhập học. Vẻ ngoài ôn hòa, thân thiện của Dương cũng chiếm được cảm tình của Hân. Thấy cô chưa tìm được chỗ ở, Dương mời Hân về nhà mình trú tạm. Tin tưởng đàn anh đồng hương, nữ sinh đồng ý.

Trường học tổ chức lễ tưởng niệm Dương Hân sau cái chết của cô. Ảnh: Toutiao

Trong 4 ngày sống cùng Hân dưới một mái nhà, Dương cảm thấy hai người giống như cặp tình nhân cùng ăn uống, xem phim, suy nghĩ và tư tưởng cũng rất hợp nhau. Dương nghĩ họ đã là người yêu và còn nói với bạn bè rằng "đã có bạn gái".

Dương tỏ tình với Hân nhưng không ngờ cô lại từ chối. Hân cám ơn Dương đối xử tốt song hoàn toàn không nghĩ đến mối quan hệ nam nữ. Hơn nữa, cô đã có bạn trai. Hân giải thích rõ với Dương và chúc tìm được một cô gái tốt hơn.

Dẫu xấu hổ vì bị cự tuyệt, Dương vẫn không bỏ cuộc. Sau khi Hân dọn ra khỏi căn hộ, anh ta luôn tìm cách tiếp cận, mua đồ ăn vặt cho cô. Hân nhiều lần khước từ và nói chỉ coi Dương là đàn anh. Lúc này, Dương mới biết mình không có hy vọng.

Cuộc đời Dương vốn quá suôn sẻ nên lần đầu tiên không đạt được mục tiêu, tâm lý bị mất cân bằng, lòng tự trọng bị tổn thương. Tự nhận là người ưu tú, học cao, nhà có điều kiện, bực tức khi bị 1 cô gái liên tục từ chối, Dương đã lên kế hoạch sát hại Hân.

Khi bị thẩm vấn, Dương thừa nhận hành vi phạm tội, nói sát hại Hân vì quá yêu. Dương nghĩ "thứ mình không có được thì người khác cũng đừng hòng đạt được".

Lúc đầu Dương bị tuyên án tử hình nhưng sau được giảm xuống tù chung thân vì chủ động nhận tội.

Chu Hải Dương khi du học ở Mỹ. Ảnh: Toutiao


Luật Việt Nam:


Tội Giết người bị xử phạt như thế nào?

Chỉ vì bị từ chối tình cảm mà Chu Hải Dương lên kế hoạch trả thù nạn nhân. Cái tôi quá lớn, không chấp nhận thất bại cộng với tính ích kỷ, “không ăn được thì đạp đổ”,  Chu Hải Dương đã có hành động khó chấp nhận: Nhẫn tâm tước đoạt tính mạng của người khác.

Cuộc đời Dương vốn quá suôn sẻ khi thi đỗ Đại học, học Thạc sĩ rồi xin được học bổng Tiến sĩ của Đại học Công nghệ Virginia. Chưa đầy nửa năm sau khi xuất ngoại, hắn ta đã trở thành trợ giảng. Tự nhận là người ưu tú, học cao, nhà có điều kiện, Dương bực tức khi bị nạn nhân liên tục từ chối. Có thể lần đầu tiên trong đời không đạt được mục tiêu, tâm lý bị mất cân bằng, lòng tự trọng bị tổn thương nên Dương mới nảy sinh tâm lý muốn trả thù.

Tuy nhiên, suy nghĩ "thứ mình không có được thì người khác cũng đừng hòng đạt được" của Dương là minh chứng rõ nét nhất cho tính ích kỷ của anh ta...

Trong vụ án này, cái tôi của Dương quá lớn nên anh ta mới có những hành động vượt khuôn khổ pháp luật, coi thường mạng sống của người khác như vậy.

Theo các nhà phân tích tâm lý, hành động của Dương xuất phát tự sự thiếu hụt về tình cảm, nhận thức. Nếu được quan tâm, giáo dục đúng cách, chưa chắc anh ta đã hành xử như vậy. Có chuyên gia tâm lý cho rằng nếu gặp những kẻ cuồng yêu như Dương thì phải nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè, người thân, gia đình, thậm chí là cảnh sát. Tuy nhiên ở đây, nạn nhân không lường trước được Dương sẽ cư xử hung hãn như vậy để mà nhờ can thiệp. Cũng chính vì thế mà cô không giữ được tính mạng của mình.

Chiếu theo pháp luật hình sự của nước CHXHCN Việt Nam, hành vi của đối tượng Dương có dấu hiệu phạm tội Giết người, quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Về hình phạt, nếu bị xử lý về tội này, với tình tiết tăng nặng định khung là có tính chất côn đồ, Dương sẽ phải đối diện với mức án bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Khái niệm “côn đồ” được hiểu là hành động của những người coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là có thể đâm chém, thậm chí giết người. Côn đồ chính là bản tính, tính cách của con người, nó luôn tồn tại song song với con người và là một đặc điểm gắn liền của con người. Những người có tính côn đồ sẵn sàng xâm phạm sức khoẻ, tính mạng, danh dự người khác, bất kể vì lý do gì…


Phạm tội có tính chất “côn đồ” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự , còn “có tính chất côn đồ” là tình tiết tăng nặng định khung được quy định trong một số tội như Giết người và Cố ý gây thương tích.

“Phạm tội có tính chất côn đồ” và “có tính chất côn đồ” được hiểu tương tự nhau, chỉ khác về giá trị trong định tội, quyết định hình phạt.

Các yếu tố xác định có "tính chất côn đồ" gồm, ý thức của hành vi phạm tội có tính côn đồ. Đây là yếu tố quan trọng, quyết định hành vi phạm tội của một người có tính côn đồ hay không. Ý thức của người thực hiện hành vi phạm tội có tính côn đồ đó là quyết tâm thực hiện hành vi phạm tội, là sự chủ động trong hành vi. Ở đây Dương biết nếu tấn công bằng dao có thể khiến Hân mất mạng nhưng vẫn cố tình thực hiện.

Thứ hai, trước khi phạm tội, Dương đã lên sẵn kế hoạch khi bố trí hẹn nạn nhân ở đâu, vào thời điểm nào. Hắn còn chuẩn bị sẵn công cụ (dao) để gây án.

Đây là những yếu tố có mục đích hỗ trợ cho hành vi phạm tội được thực hiện một cách đúng như ý thức đã hình thành trước đó.

Thứ ba, mức độ tấn công, cường độ tấn công và tính chất của hành vi.

Mức độ tấn công và cường độ tấn công là 2 thái cực thể hiện tính quyết liệt trong hành vi của người phạm tội có tính chất côn đồ hay không. Dù vào thời điểm đó trong quán cà phê vẫn có người, dù nạn nhân chống trả nhưng Dương vẫn tấn công nạn nhân đến cùng.

Dù vì bất cứ lý do gì, việc Dương có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của Hân là vi phạm pháp luật và việc bị nạn nhân từ chối yêu chỉ là cái cớ để anh ta thực hiện hành vi phạm tội có tính côn đồ, coi thường pháp luật.


Ánh Dương (thực hiện)

Chia sẻ Facebook