Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Hỏa hoạn tại nhà thờ ở Ai Cập khiến ít nhất 41 người chết
Vụ cháy nhà thờ Abu Sifine thuộc chính thống giáo Copt ở Ai Cập khiến ít nhất 41 người thiệt mạng được xác định là do chập điện.
Án Nước ngoài:
Hàng chục người chết vì sự cố chập điện
Ngày 15/8/2022, các nhà chức trách Ai Cập cho biết, theo kết quả điều tra sơ bộ, “sự cố chập điện” là nguyên nhân chính dẫn tới vụ hỏa hoạn tại nhà thờ Abu Sifine ở quận Imbaba, thành phố Giza vào sáng 14/8, khiến ít nhất 41 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Sau sự việc nghiêm trọng trên, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã gửi lời chia buồn tới Ai Cập. Trên mạng xã hội Twitter, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Ai Cập đã bày tỏ lời chia buồn tới chính quyền nước này, Giáo hội Cơ đốc giáo Ai Cập và gia đình, bạn bè của những người đã thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi trước đó cũng bày tỏ sự chia buồn sâu sắc với gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn xảy ra cùng ngày tại nhà thờ Abu Sifine ở quận Imbaba, thành phố Giza.
Nhà lãnh đạo Ai Cập khẳng định đã huy động mọi cơ quan, ban ngành chính phủ để bảo đảm thực hiện mọi biện pháp cần thiết hỗ trợ các nạn nhân.
Nơi xảy ra hỏa hoạn là nhà thờ chính thống giáo Coptic. Thời điểm xảy ra hỏa hoạn có 5.000 tín đồ đang dự lễ tại đây.
Ngọn lửa đã chặn lối ra vào nhà thờ, gây ra một vụ giẫm đạp kinh hoàng. Hầu hết những người thiệt mạng được xác định là trẻ em. Những em nhỏ này tập trung tại phòng trông trẻ trong nhà thờ.
“Mọi người đang tụ tập ở tầng 3 và tầng 4 thì thấy khói bốc lên từ tầng 2. Họ chạy xuống cầu thang nên ngã đè lên nhau”, Yasir Munir – một nhân chứng kể lại.
Chính thống giáo Coptic là cộng đồng Thiên chúa giáo lớn nhất Trung Đông, chiếm ít nhất 10 triệu người trong 103 triệu dân Ai Cập.
Trong những năm gần đây, nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra tại Ai Cập, chủ yếu do các tòa nhà xuống cấp không được bảo trì định kỳ.
Hồi tháng 3/2021, ít nhất 20 người thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn tại 1 nhà máy dệt ở ngoại ô thủ đô Cairo. Năm 2020, 2 bệnh viện cháy đã cướp đi sinh mạng của 14 bệnh nhân Covid-19.
Luật Việt Nam:
Làm rõ nguyên nhân để truy trách nhiệm cụ thể
Mục đích của công tác phòng cháy chữa cháy là giúp ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất những vụ cháy nổ xảy ra; Phát hiện sớm những nguyên nhân làm cháy nổ, giúp tránh những trường hợp xấu xảy ra làm thiệt hại người và tài sản của cá nhân, cộng đồng. Ngoài ra, công tác phòng cháy chữa cháy giúp ngăn chặn những kẻ có ý đồ xấu, lợi dụng cháy nổ để làm những việc trái với pháp luật, ảnh hưởng đến tính mạng con người. Khi phát hiện ra những trường hợp đó, chúng ta cần báo ngay cho cơ quan cảnh sát để có thể giải quyết nhanh chóng.
Theo pháp luật Việt Nam, có 2 hình thức xử lý chính khi phát hiện hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy đó là xử lý vi phạm hành chính và xử lý hình sự . Việc áp dụng hình thức nào sẽ tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi và mức độ thiệt hại do hành vi gây ra.
Về xử lý hình sự, khoản 1 Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy như sau: Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Nếu làm chết 03 người trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trong trường hợp hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội ; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Điều 33 Nghị định 167 nêu rõ các hình thức xử lý hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt. Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi sử dụng diêm, bật lửa, điện thoại di động ở những nơi có quy định cấm; Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt mà không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định; Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Sử dụng nguồn lửa, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt khác ở những nơi có quy định cấm; b) Hàn, cắt kim loại mà không có biện pháp đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.
Trong vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng nói trên, nếu áp dụng pháp luật Việt Nam , sau khi điều tra làm rõ nguyên nhân, cơ quan chức năng sẽ truy trách nhiệm của những người có liên quan đến vụ chập điện khiến nhà thờ bốc cháy, hàng chục người chết và bị thương. Tùy từng hành vi cụ thể mà xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, những đơn vị có liên quan đến vụ hỏa hoạn này cũng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân và thân nhân của họ.
Ánh Dương (thực hiện)