Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Đòi lại tiền cưới khi ly hôn
Vì muốn đòi lại tiền quà cưới, người đàn ông đã dán băng rôn đỏ lên ô tô và mang theo ảnh cưới đến trước cửa nhà vợ cũ để gây áp lực.
Án Nước ngoài :
Căng băng rôn trước nhà vợ cũ để đòi lại tiền…sính lễ
Theo trang 163, anh Li Shouning ở Tp.Trú Mã Điếm (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) được mai mối với cô Qian Yulu. Cặp đôi quyết định về chung một nhà chỉ sau thời gian ngắn tìm hiểu.
Vì muốn hai bên gia đình được “mở mày mở mặt”, anh Li đã chi một số tiền lớn để chuẩn bị cho đám cưới và sính lễ tặng cho cô Qian. Cụ thể, anh tặng 88.000 NDT (khoảng 304 triệu đồng) cho vợ sắp cưới và gia đình cô làm lễ vật đính hôn, chi 99.000 NDT (khoảng 342 triệu đồng) tiền quà cưới, 42.000 NDT (khoảng 146 triệu đồng) để mua trang sức vàng bạc.
Ngoài ra, anh còn bỏ 22.000 NDT (khoảng 76 triệu đồng) vào các phong bao lì xì tặng mọi người khi đến đón dâu, 15.000 NDT (khoảng 52 triệu đồng) phí xe hoa cho cô dâu, 160.000 NDT (khoảng 554 triệu đồng) mua xe hơi…
Tổng số tiền anh Li cho cho đám cưới lên tới 510.000 NDT (hơn 1,7 tỷ đồng). Được biết, anh đã phải vay 160.000 NDT từ người thân và bạn bè để có đủ tiền làm đám cưới.
Ban đầu, cả hai cho rằng có thể từ từ bồi đắp tình cảm sau khi kết hôn nhưng cuộc sống chung không hòa hợp, hạnh phúc như họ tưởng. Hai người bất đồng ý kiến trong mọi vấn đề nên thường xuyên cãi vã, có lúc không thèm nhìn mặt nhau.
Chỉ sau 33 ngày chung sống, anh Li đã đệ đơn ly hôn, đồng thời yêu cầu cô Qian cùng gia đình trả lại số tiền quà cưới và lễ vật mà anh tặng trước đó. Anh này cho rằng nếu hôn nhân đã tan vỡ như vậy thì việc trả lại tiền cưới là hợp lý.
Tuy nhiên, cô Qian và gia đình nhất quyết không trả lại tiền. Họ nói lý lẽ rằng cô Qian được hỏi cưới đàng hoàng và đón về nhà chồng trước sự chứng kiến của nhiều người, việc nhận sính lễ là điều dĩ nhiên. Hai người cũng đã ở bên nhau hơn 1 tháng nên cô Qian có quyền giữ số tiền.
Bất lực và tức giận khi không đòi được tiền, anh Li đã dán băng rôn đỏ lên ô tô rồi lái đến trước cửa nhà vợ cũ, mang cả ảnh cưới của cả hai để gây áp lực. Thế nhưng, cô Qian vẫn không chịu trả tiền, buộc anh Li phải nhờ pháp luật can thiệp.
Xét thấy thời gian anh Li và cô Qian sống cùng nhau quá ngắn trong khi số tiền người đàn ông chi cho đám cưới khá lớn, phải vay nợ nhiều để tặng cho nhà vợ, tòa án địa phương yêu cầu cô Qian trả lại một phần tiền cưới cho anh Li sau khi hoàn tất thủ tục ly hôn.
Khác với cô Qian, trước đó, 1 người phụ nữ ở An Huy (Trung Quốc) tự nguyện trả lại toàn bộ số tiền và quà sính lễ trị giá 188.000 NDT (hơn 630 triệu đồng) khi ly hôn chồng. Thậm chí, thịt lợn được nhà chồng tặng cũng được đem trả không thiếu một lạng.
Người đàn ông căng băng rôn, mang ảnh cưới đến trước cửa nhà vợ cũ để đòi lại tiền cưới.
Luật Việt Nam :
Không có căn cứ để đòi lại tiền sính lễ
Lễ ăn hỏi là một nghi thức trong phong tục hôn nhân truyền thống của người Việt nói riêng và một số quốc gia châu Á nói chung. Trong lễ này, nhà trai thường trao sính lễ cho nhà gái để thể hiện thành ý, đây được xem là một nét đẹp trong truyền thống của nhân dân ta. Tuy nhiên, trên thực tế có những trường hợp dở khóc dở cười khi có mâu thuẫn trong hôn nhân thì một bên yêu cầu ly hôn, một bên đòi phải trả lại tiền, tài sản sính lễ mới đồng ý ly hôn. Vậy việc đòi lại sính lễ như vậy liệu có căn cứ và Tòa án sẽ giải quyết thế nào trong trường hợp này?
Việc đòi lại sính lễ có thể xem là một thực trạng tiêu cực trong xã hội. Trên thực tế, có không ít người cho rằng việc mang sính lễ tới nhà gái là một nghi thức khi làm lễ ăn hỏi. Do đó, nếu ly hôn thì không có lý do gì để nhà trai phải mất số sính lễ đó.
Trong vụ việc trên, anh Li Shouning và cô Qian Yulu đã tổ chức đám cưới theo phong tục tập quán của địa phương trên cơ sở tự nguyện. Vì muốn hai bên gia đình được “mở mày mở mặt”, anh Li đã chi một số tiền lớn để chuẩn bị cho đám cưới và sính lễ tặng cho cô Qian.
Trong quá trình sống chung, 2 người xảy ra nhiều mâu thuẫn nên anh Li yêu cầu ly hôn đồng thời đòi nhà gái phải trả lại số tiền quà cưới và lễ vật mà anh đã tặng trước đó. Tuy nhiên, cô Qian và gia đình nhất quyết không trả lại tiền.
Nếu tham chiếu với pháp luật Việt Nam, yêu cầu của anh Li sẽ được giải quyết như thế nào?
Trước hết, Luật Hôn nhân&Gia đình năm 2014 của nước CHXHCN Việt Nam không quy định việc yêu cầu đòi tiền sính lễ. Việc thỏa thuận sính lễ là theo phong tục địa phương, dựa trên sự tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, phù hợp với các quy định tại các Điều 3, 4, 5, 7 Bộ luật Dân sự nên được pháp luật chấp nhận. Việc thỏa thuận là do hai bên tự nguyện thực hiện, nhằm mục đích tổ chức đám cưới, và thực tế, hôn lễ giữa anh Li và cô Qian đã được tổ chức.
Vấn đề ở đây là phải xem ở địa phương nơi 2 người tổ chức đám cưới có quy định phong tục khi ly hôn thì nhà gái phải trả lại tiền sính lễ, tiền thách cưới cho nhà trai hay không. Nếu không có thì yêu cầu trả lại tiền sính lễ của anh Li sau khi ly hôn là không có căn cứ.
Trong trường hợp hai bên thống nhất được về việc đòi và trả lại sính lễ thì câu chuyện về đòi sính lễ sẽ dừng lại. Nhưng nếu anh Li muốn đòi mà bên nhà gái vẫn không muốn trả sẽ dẫn đến tranh chấp giữa hai bên.
Điều 4 Nghị định 126/2014/NĐ-CP về việc giải quyết vụ, việc hôn nhân và gia đình quy định trường hợp giải quyết vụ, việc hôn nhân và gia đình có áp dụng tập quán thì thực hiện việc hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, khuyến khích sự tham gia hòa giải của người có uy tín trong cộng đồng, chức sắc tôn giáo.
Trường hợp hòa giải không thành hoặc vụ, việc hôn nhân và gia đình có áp dụng tập quán không thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở thì Tòa án giải quyết vụ, việc đó theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, tại khoản 1, 2 Điều 2 Nghị định này thì tập quán được áp dụng phải là quy tắc xử sự phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 3 của Luật Hôn nhân và Gia đình. Nghĩa là tập quán về hôn nhân và gia đình đó phải là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình, được lặp đi, lặp lại trong một thời gian dài và được thừa nhận rộng rãi trong một vùng, miền hoặc cộng đồng.
Do đó, việc áp dụng tập quán phải tuân theo các điều kiện được quy định tại Điều 7 của Luật Hôn nhân và Gia đình. Theo danh mục các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần được vận động xóa bỏ hoặc cấm áp dụng thì tập quán khi ly hôn, nếu do người vợ yêu cầu ly hôn thì nhà gái phải trả lại nhà trai toàn bộ đồ sính lễ và những phí tổn khác, con phải theo cha là tập quán cần vận động xóa bỏ. Vì vậy, tập quán trên sẽ không được Tòa án xem xét chấp nhận áp dụng để giải quyết trường hợp ly hôn.
Ngoài ra, theo quy định của pháp luật việc trao tặng tiền sính lễ là thuộc dạng hợp đồng tặng cho tài sản, việc tặng cho tài sản sính lễ khi kết hôn là do hai bên tự thỏa thuận về số tiền và hình thức trao và không có điều kiện khác. Do vậy, căn cứ theo Điều 457, 458 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì việc tặng cho này có hiệu lực từ thời điểm nhà gái nhận sính lễ từ anh Li. Lúc này, quyền sở hữu số sính lễ đó đã xác lập cho nhà gái. Vì các lẽ trên, yêu cầu đòi lại tài sản của anh Li sẽ không được Tòa án chấp nhận.
Mặt khác, hành vi dán băng rôn đỏ lên ô tô rồi lái đến trước cửa nhà vợ cũ, mang cả ảnh cưới của cả hai để gây áp lực của anh Li có thể bị xem xét xử lý về tội Làm nhục người khác.
Ánh Dương (Thực hiện)