Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Bạn tử vong vì uống rượu, 3 “bạn nhậu” n

Chia sẻ Facebook
03/01/2024 04:52:31

Một tòa án ở Trung Quốc ra phán quyết yêu cầu 3 cô bạn nhậu phải bồi thường 100.000 Nhân dân tệ (14.000 USD) vì không ngăn cản để một cô bạn uống quá nhiều dẫn đến tử vong do ngộ độc rượu.


Án Nước ngoài:


Hầu tòa vì không ngăn bạn uống…rượu

Ngày 26/12, tòa án Tp.Nam Xương (tỉnh Giang Tây, Trung Quốc) ra phán quyết yêu cầu 3 cô gái phải bồi thường cho gia đình một người bạn của họ 100.000 Nhân dân tệ (14.000 USD) vì đã không cản bạn mình trong lúc nhậu, để cô bạn này uống nhiều đến mức ngộ độc rượu rồi tử vong, theo tờ South China Morning Post.

Sự việc xảy vào ngày 21/5. Cô gái tên Tiểu Thu cùng 2 cô bạn là Từ Điềm và Trần Đóa đến nhà người bạn tên Vương Kỳ để uống rượu. Cuộc nhậu này được tổ chức nhằm an ủi Tiểu Thu đang thất tình.

Do quá buồn, Tiểu Thu uống hết nửa lít rượu Bạch Tửu (một loại rượu nổi tiếng có nồng độ cao ở Trung Quốc). Vương Kỳ uống khoảng 1 xị. Hai cô bạn còn lại không uống.

Tàn cuộc nhậu, Từ Điềm đỡ Tiểu Thu lên ô tô nghỉ ngơi. Đến 5h sáng hôm sau, Từ Điềm thức dậy và phát hiện bạn mình không còn thở. Từ Điềm vô cùng sợ hãi và vội vàng gọi xe cấp cứu.

Tại Bệnh viện, các bác sĩ cho biết Tiểu Thu đã chết khoảng 1 giờ trước đó vì ngừng tim và ngừng hô hấp do ngộ độc rượu.

Đến tháng 6, cha mẹ của Tiểu Thu khởi kiện 3 cô bạn trên vì cho rằng 3 cô này phải chịu trách nhiệm về cái chết của con gái họ.

Tại phiên tòa, thẩm phán kết luận Vương Kỳ phải trả 60.000 Nhân dân tệ (8.500 USD) vì đã không ngăn bạn mình uống rượu và không hoàn thành nghĩa vụ hỗ trợ cho Tiểu Thu. 2 cô gái còn lại mỗi người bị yêu cầu bồi thường 20.000 Nhân dân tệ (hơn 2.000 USD) vì còn tỉnh táo nhưng không đưa nạn nhân đến Bệnh viện ngay lúc đó.

Bạn tử vong vì ngộ độc rượu sau khi thất tình, 3 cô gái phải bồi thường 14.000 USD. Ảnh minh họa: SHUTTERSTOCK.


Luật Việt Nam:


Muốn truy trách nhiệm phải có đủ điều kiện

Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 132 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội Không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng được hiểu là người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết.

Chủ thể của tội này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và phải là người có đủ điều kiện để cứu giúp người bị nạn. Tội phạm thực hiện dưới hình thức lỗi vô ý hoặc cố ý gián tiếp.

Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đã gián tiếp xâm phạm đến tính mạng của người khác. Do đó khách thể trực tiếp của tội phạm này là quyền được sống, được tôn trọng và bảo vệ tính mạng. Trong trường hợp này, người phạm tội đã không tuân thủ xử sự cứu giúp người khi họ đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi không hành động phạm tội. Ở đây, người phạm tội đã không thực hiện hành vi cứu giúp người khác mặc dù có đủ khả năng và điều kiện để thực hiện nghĩa vụ này do sợ bị hiểu nhầm; sợ liên quan, phiền phức; quan niệm lạc hậu dẫn đến hậu quả người không được cứu giúp chết.

Để xác định đúng hành vi không cứu giúp người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng tuy có điều kiện dẫn đến hậu quả người đó chết, cần làm rõ một số chi tiết: Người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là người mà tính mạng của họ đang trực tiếp bị đe dọa, tình trạng nguy hiểm đang diễn ra hết sức khẩn cấp, tự thân nạn nhân không khắc phục được đòi hỏi phải có sự cứu giúp kịp thời của người khác. Nếu không có sự cứu giúp hoặc không cứu giúp kịp thời thì có thể dẫn đến sự nguy hại cho tính mạng của nạn nhân.

Dấu hiệu “thấy” người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là việc người phạm tội ý thức được nạn nhân và tình trạng nguy hiểm của nạn nhân bằng các cách khác nhau như nhìn thấy, nghe thấy hay cảm nhận được tín hiệu về tình trạng nguy hiểm đối với nạn nhân bằng trí thức khoa học, kinh nghiệm bản thân.

Người phạm tội là người có điều kiện cứu giúp, ngăn chặn hậu quả chết người mà đã không cứu giúp. Điều kiện ở đây được hiểu là khả năng của bản thân cũng như các điều kiện hoàn cảnh cụ thể bên ngoài hoàn toàn cho phép người phạm tội có khả năng cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, việc cứu giúp không gây nguy hiểm cho bản thân và những người khác nhưng người phạm tội đã không cứu giúp. Trường hợp người có điều kiện cứu giúp và đã cố gắng thực hiện hành vi cứu giúp nạn nhân nhưng hành vi mà họ thực hiện không phù hợp hoặc không có hiệu quả hoặc trường hợp tuy người đó không cứu giúp nạn nhân nhưng vì một nguyên nhân nào đó nạn nhân không chết (được người khác cứu giúp) thì không cấu thành tội này.

Việc không cứu giúp người bị nạn là rất đáng phê phán, tuy nhiên những cô bạn của Tiểu Thu có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không thì phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể và cơ bản là phải đáp ứng những yếu tố cấu thành nêu trên.

Trong vụ việc này, cơ quan chức năng phải làm rõ sau khi tàn cuộc, Tiểu Thu có bị say rượu hoặc có dấu hiệu ngộ độc rượu hay không. Giả sử sau khi tàn cuộc, Tiểu Thu đã say và có biểu hiện ngộ độc rượu nhưng Vương Kỳ và 2 cô bạn còn lại không đưa cô này đi cấp cứu hoặc không có biện pháp gì để sơ cứu (nếu họ có điều kiện hoặc có cách sơ cứu) thì mới có thể truy cứu trách nhiệm của Vương Kỳ và 2 cô bạn về tội Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm. Còn nếu lúc đó Tiểu Thu không say, cũng không có biểu hiện gì của việc bị ngộ độc thì không thể truy cứu trách nhiệm của những người này bởi họ hoàn toàn không biết việc Tiểu Thu đang “ở tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”. Lưu ý là Vương Kỳ cũng uống cùng một loại rượu với Tiểu Thu nhưng vì uống ít hơn nên mới không bị ngộ độc.

Vậy 3 cô bạn trên có trách nhiệm phải bồi thường cho cha mẹ Tiểu Thu không? Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Đây là loại trách nhiệm không phát sinh từ quan hệ hợp đồng;  Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan quy định khác; Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Tuy nhiên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có các điều kiện: Có thiệt hại xảy ra; Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật; Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra; Có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.

Trong vụ việc trên, mặc dù Tiểu Thu đã chết (có thiệt hại xảy ra) nhưng lại không thỏa mãn các điều kiện còn lại theo luật định.

Về trách nhiệm hành chính, chỉ khi nào Vương Kỳ có hành vi xúi giục, kích động hoặc lôi kéo Tiểu Thu uống rượu thì mới bị xử phạt từ 500 đến 1 triệu đồng. Nếu ép Tiểu Thu uống rượu, bia thì sẽ bị xử phạt từ 1 đến 3 triệu đồng (Điều 30, 31 Nghị định 117/2020 quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về uống rượu, bia và địa điểm không uống rượu, bia).

Nếu Tiểu Thu đã đủ tuổi thành niên (18 tuổi) thì phải tự chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình, trong đó có cả việc uống rượu.


Ánh Dương (Thực hiện)

Chia sẻ Facebook