Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: 3 thanh niên "làm xiếc" trên xe máy bị CSGT phạt bằng những hình phạt lạ lẫm

Chia sẻ Facebook
05/11/2023 04:14:11

CSGT Campuchia đã khiến dân mạng xôn xao khi phạt 3 thanh niên "làm xiếc" trên xe máy bằng hình thức cạo đầu, vác xe máy đi vòng quanh cột cờ và quỳ xin lỗi cha mẹ.


Án Nước ngoài:


Những hình phạt “độc nhất vô nhị”

Truyền thông Campuchia mới đây đưa tin, 3 nam thanh niên này lái xe vượt quá tốc độ, thực hiện nhiều động tác nguy hiểm như bốc đầu, lạng lách, đánh võng ở con đường lớn thuộc huyện Snuol, tỉnh Kratié, Đông Bắc Campuchia.

Theo những hình ảnh được ghi lại, có thể thấy rằng 3 thanh niên này chẳng những không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mà còn phóng xe rất ẩu trên đường, cố gắng thể hiện kỹ năng lái xe của mình bằng những pha bốc đầu cực kỳ nguy hiểm, không khác gì phim hành động, khiến người xem không khỏi giật mình lo sợ.

Sau khi bị cảnh sát bắt giữ, 3 chàng trai này tưởng rằng sẽ bị phạt theo đúng chế tài quy định. Nào ngờ, cảnh sát giao thông huyện Snuol lại nghĩ ra hình thức xử phạt “có 1 không 2”.

Ba thanh niên thực hiện hình phạt cạo đầu.Ảnh: Sohu

Họ quyết định cạo tóc của 3 thanh niên, yêu cầu họ cùng nhau vác chiếc xe máy nặng hơn 100kg đi vòng quanh cột cờ cho đến khi mệt rũ.

Cuối cùng, để 3 thanh niên nhận thức sâu sắc hơn về hành động nguy hiểm của mình, cảnh sát gọi điện mời cha mẹ họ đến đồn, yêu cầu 3 thanh niên quỳ xuống xin lỗi phụ huynh và thừa nhận những lỗi vừa phạm.

Hiện chưa rõ 3 thanh niên phải nộp phạt hành chính bao nhiêu tiền, có bị tạm giữ hay không. Tuy nhiên, khi thông tin về hình phạt lạ lùng của cảnh sát Campuchia lan truyền, các cuộc thảo luận, tranh cãi nổi lên trên mạng xã hội.

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, đánh giá cách xử lý trên là hiệu quả, khiến người trong cuộc "nhớ đến già", nhiều người nêu thắc mắc, liệu cảnh sát giao thông huyện Snuol có lạm quyền hay không khi tự đưa ra hình phạt ngoài quy định.

Ba thanh niên thực hiện hình phạt vác xe chạy cột cờ. Ảnh: Sohu

Cuối cùng cả ba phải qùy gối xin lỗi bố mẹ. Ảnh: Sohu


Luật Việt Nam :


Tính chất và mức độ vi phạm là căn cứ để xử lý cụ thể

Theo những hình ảnh được ghi lại, 3 thanh niên nói trên chẳng những không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mà còn phóng xe vượt quá tốc độ trên đường, cố gắng thể hiện kỹ năng lái xe của mình bằng những pha bốc đầu, lạng lách, đánh võng cực kỳ nguy hiểm. Nơi  các đối tượng thực hiện hành vi là con đường lớn, nơi có nhiều phương tiện đi lại.

Nếu tham chiếu pháp luật hình sự của nước CHXHCN Việt Nam, hành vi này sẽ bị xử lý về tội Gây rối trật tự công cộng. Gây mất trật tự công cộng được hiểu là hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân.

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an huyện Cát Hải (Hải Phòng) đã khởi tố, bắt tạm giam đối với 2 bị can Nguyễn Văn Tuấn (29 tuổi, trú tại thôn Tráng Việt, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) và bị can Đinh Văn Anh (26 tuổi, trú tại thôn Sảo Hạ, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, cùng Tp.Hà Nội) để điều tra vì đã có hành vi tương tự. 2 bị can này đã chạy xe mô tô phân khối lớn với tốc độ 274 km/h, bốc đầu xe trên đường xuyên đảo Cát Bà.

Tùy vào tính chất, mức độ mà người có hành vi gây mất trật tự công cộng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong vụ việc này, hành vi bốc đầu xe, lạng lách, đánh võng của các đối tượng không chỉ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Do đó cơ quan công an sẽ phải tiến hành khởi tố để điều tra, xử lý.

Về hình phạt, khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc đã bị kết án về tội Gây rối trật tự công cộng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Nếu phạm tội có tổ chức; Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; Tái phạm nguy hiểm thì người vi phạm có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Từ câu chuyện của những thanh, thiếu niên trên có thể thấy, việc giáo dục giới trẻ tham gia giao thông văn minh là điều quan trọng và cần thiết. Gia đình, nhà trường, cơ quan chức năng cũng nên giải thích cho giới trẻ nói riêng và mọi tầng lớp nhân dân nói chung về việc tại sao cần phải tuân thủ luật an toàn giao thông. Hãy nói cho giới trẻ biết những rủi ro mà họ sẽ gặp phải nếu không tuân thủ luật giao thông. Nếu không tuân thủ luật giao thông thì không chỉ có bản thân người trẻ tuổi bị ảnh hưởng mà những người xung quanh cũng bị ảnh hưởng theo.


Ánh Dương (Thực hiện)

Chia sẻ Facebook