Ấn ‘Hoàng đế chi bảo’ bị kẹt trong các khúc quanh lịch sử Việt Nam?

Chia sẻ Facebook
12/11/2022 06:31:18

Đây là dấu hiệu tranh tụng pháp lý “đòi hoàn trả ấn” như một số người gợi ý là khó khả thi.

10 tháng 11 2022


Phạm Cao Phong

Gửi bài cho BBC từ Paris, Pháp

Nguồn hình ảnh, pham cao phongChụp lại hình ảnh, Chiếc ấn Hoàng đế chi bảo

Tiếng gõ búa bán đấu giá chiếc ấn Hoàng Đế chi bảo, biểu tượng một thời phong kiến huy hoàng của VN, đã không diễn ra ở Paris trưa 10/11/2022.

Nhà đấu giá Millon nói vì “sự quan tâm lớn từ phía Nhà nước Việt Nam”, họ hoãn việc bán thêm một lần nữa, tới 18/11. Họ không nói bước tiếp theo là gì.

Với ai còn chút lòng với nước Việt, việc bán mất ấn sẽ thật là chuyện đau lòng và bao nhiêu người, gồm có tôi, hy vọng "Hoàng đế chi bảo" có ngày được trở lại bên sông Hương bến Ngự.

Nhưng chính phủ Việt Nam cũng không công bố cách thức “hồi hương” chiếc ấn mà truyền thông lại kêu gọi:

"Hồi hương cổ vật là nỗ lực của mỗi con người được giao nhiệm vụ, các cơ quan được giao nhiệm vụ họ làm như thế nào, đồng thời kêu gọi phải xã hội hóa, với sự chung tay, góp sức của các tập đoàn kinh tế lớn, rồi của cộng đồng trong nước và ngoài nước, để làm sao đưa được cái cổ vật ấy về.” (

truyền hình Nhân Dân

trên YouTube 06/11/2022)

Thậm chí, có vẻ như nhà nước mong người dân (nào đó) vào cuộc bằng cách mua đấu giá ấn.

"Đại diện Cục Di sản văn hóa cũng nhấn mạnh việc hồi hương cổ vật không nhất thiết là phải Nhà nước mua, thuộc sở hữu nhà nước, mà cá nhân cũng có thể hồi hương cổ vật nếu có tình yêu với di sản văn hóa và có tiềm lực tài chính, muốn đóng góp cho di sản văn hóa nước nhà

Dù có tình yêu mãnh liệt với quốc gia xứ sở Việt Nam và lòng cảm phục với các cuộc đấu tranh của nhiều thế hệ cách mạng chống thực dân, ta cũng phải thấy việc “đòi Pháp trả lại” ấn Hoàng đế chi bảo hay các cổ vật triều Nguyễn là không dễ.

Lý do chính vẫn là các khúc mắc pháp lý, mang cấp độ nhà nước.

Xin thử phân tích như sau:

Theo luật của nhiều nước châu Âu, gồm Pháp, Thụy Điển, Đức, tranh chấp, giành cái gì của mình thì bắt buộc phải có cơ sở về quyền kế vị và quyền sở hữu.

Có hai khả năng để xác lập quyền sở hữu: (1) Sở hữu tài sản công (kế thừa quốc gia) và (2) Sở hữu tài sản tư (giao dịch dân sự - hợp đồng).

Đứng từ góc độ sở hữu tài sản công, cơ sở pháp lý thuộc về quan hệ Công pháp Quốc tế với tinh thần và lời văn của Công ước Vienna năm 1983 về thừa kế quốc gia đối với tài sản, lưu trữ và nợ quốc gia.

Gọi tắt là "pháp luật quốc tế", có ba trường hợp làm phát sinh thừa kế quốc gia, đó là:

- Thừa kế khi thuộc địa trở thành quốc gia mới độc lập;


- Thừa kế khi có sự sáp nhập hoặc tách rời quốc gia;

- Thừa kế khi chuyển giao bộ phận lãnh thổ từ quốc gia này sang quốc gia khác.


Việt Nam rơi vào trường hợp thừa kế nào?

Không dễ khẳng định Việt Nam hiện nay có quyền thừa kế quốc gia đối với mọi tài sản của triều đình Huế, bao gồm ấn kiếm.

Đúng là nước Việt Nam XHCN đã ký Công ước Vienna 1983, nhưng sẽ gặp một số vướng mắc về pháp lý và lịch sử như sau:


Thứ nhất , về tư cách kế thừa:

Chính quyền VNDCCH được thành lập dựa trên phong trào độc lập Giải phóng dân tộc (trường hợp thừa kế thứ nhất) và vào thời điểm ra đời, không được bất cứ nước nào, kể cả Liên Xô công nhận, nhưng ta cứ cho là có tư cách kế thừa các quyền lợi và nghĩa vụ từ chính quyền thuộc địa Pháp.

Tuy nhiên, VNDCCH ngay từ ban đầu đã khẳng định mình là quốc gia mới độc lập, hoàn toàn không phải là quốc gia thừa kế của triều đình Huế và chế độ thuộc địa Pháp. Chưa kể chính quyền Việt Nam cũng như các nhà viết sử Việt Nam kiên trì phủ nhận và đến nay về cơ bản vẫn lên án triều đình Nguyễn.

Bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh 02/09/1945 viết thế này:

“Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.”

"Chính quyền phong kiến chỉ là bù nhìn", thì VNDCCH tự cho mình quá oai, không muốn thừa kế quốc gia từ bù nhìn rơm canh ruộng dưa?

Thử cãi rằng, sự kế thừa ấn Hoàng Đế chi bảo là thông qua việc kế thừa tài sản từ Chính quyền thuộc địa Pháp. Nếu vậy phải có điều kiện: chiếc ấn đã được triều đình Huế chuyển giao quyền sở hữu cho chính quyền thuộc địa. Việt Nam có thể dẫn tư liệu lịch sử nào, công hàm, hiệp định nào chứng minh có sự chuyển giao giữa Pháp và Triều đình Huế?

Có hay không việc triều đình Huế chuyển giao ấn tín cho "mẫu quốc"? Câu trả lời rõ như ban ngày là không. Ngược lại, Pháp là phía chuyển giao cho Cựu hoàng Bảo Đại ấn và kiếm sau khi tìm thấy ở Hà Nội.


Thứ hai, lịch sử quan hệ Pháp- Việt có ba cột mốc đáng chú ý:


Một - Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 (1), ký kết để hòa hoãn sau khi Pháp quay lại xâm lược Việt Nam. Giải pháp tình thế đặt chính quyền VNDCCH vào tình trạng mập mờ với việc chuyển giao quyền kế thừa quốc gia với Pháp và đối với những quyền và nghĩa vụ quốc tế cụ thể chưa thể thực hiện.


Hai- Pháp đã ký kết Hiệp định Élysée năm 1949 với Quốc gia Việt Nam.

Văn bản "Hiệp định Élysée năm 1949" công nhận "nền độc lập của Việt Nam", tạo cơ sở pháp lý để Bảo Đại về nước thành lập Quốc gia Việt Nam.

Tiếp theo, Pháp ký "Hiệp ước trao trả độc lập cho Việt Nam" ngày 4.6.1954, trên cơ sở đó, Quốc gia Việt Nam đổi tên thành Việt Nam Cộng hòa.

Hai văn kiện này được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là sự thành công lớn của Pháp khước từ quan hệ với VNDCCH và chuyển giao cho VNCH, với tư cách là quốc gia thừa kế của Pháp "những quyền và nghĩa vụ quốc tế." Mà nước CHXHCN Việt Nam cũng chưa bao giờ nhận là quốc gia thừa kế từ VNCH.

Nếu nhìn dưới góc độ ba văn kiện nói trên sẽ rất khó để khẳng định về tính kế thừa hợp pháp đối với ấn Bảo Đại thuộc về ai.

Giải sử có một bản văn nào ghi nhận về sự chuyển giao ấn giữa cá nhân Bảo Đại và chính quyền VNDCCH thì có thể sẽ có gợi ý rõ ràng hơn về một thỏa thuận dân sự giữa một cá nhân và dòng họ với Nhà nước.

Tôi xét vấn đề từ góc độ thứ hai: (2) Sở hữu tài sản tư, giao dịch dân sự.

Nguyên tắc căn bản của luật dân sự nói chung cũng trong giao dịch dân sự nói riêng, đó là TỰ DO THỎA THUẬN? TỰ DO Ý CHÍ.

Đây cũng là nguyên tắc căn bản để một giao dịch dân sự có hiệu lực. Hiểu đơn giản rằng, người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện, không bị áp lực, đe dọa. Nguyên tắc này có từ thời La Mã.

Bộ luật Dân sự Pháp, cơ bản xây dựng trên Luật Napoleon, ra đời năm 1804, là kim chỉ Nam cho hệ thống Pháp luật Dân sự, trùm lên cả hệ thống Pháp luật châu Âu, vốn cũng xây dựng các nguyên tắc giao dịch hợp đồng dựa trên những tinh thần căn bản của Luật La Mã.

Trong đó, các quy định từ Điều 1128 đến Điều 1171, đã trình bày cụ thể các điều kiện để một hợp đồng có hiệu lực, bao gồm:


-Sự thỏa thuận của các bên.


-Năng lực giao kết hợp đồng của các bên.


-Nội dung hợp đồng hợp pháp và chắc chắn.

Trong đó, điều kiện thỏa thuận phải thỏa mãn các dấu hiệu: sự minh mẫn của các bên và thỏa thuận không bị khiếm khuyết (do nhầm lẫn, lừa dối và bạo lực).

Liên quan đến từ "bạo lực", các điều 1140 và 1141 diễn giải như sau:


Điều 1140:

-Bạo lực là trường hợp một bên giao kết do bị cưỡng ép khiến bên đó lo sợ bị thiệt hại đáng kể về tính mạng, sức khỏe, tài sản của mình hoặc của người thân của mình.


Điều 1141:

-Đe dọa bằng một biện pháp pháp luật không phải là bạo lực. Tuy nhiên, sẽ bị coi là bạo lực nếu biện pháp pháp luật bị sử dụng sai mục đích hoặc được viện dẫn hoặc thực hiện nhằm có được một lợi ích rõ ràng thái quá.

Điều 3 Bộ luật Dân sự Việt Nam hiện hành quy định về "Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự

"1. Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.

4. Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác".

Chiếc ấn Hoàng đế chi bảo


Nguồn hình ảnh, Pham Cao Phong

Chụp lại hình ảnh, Chiếc ấn Hoàng đế chi bảo

Vua Bảo Đại trao ấn kiếm là tự nguyện hay bị  ép buộc?

Về hình thức, cứ cho là Cựu hoàng Bảo Đại tự nguyện, thể hiện trong lời nói lẫn hành động. Song, về tinh thần, ông có thực sự mong muốn trao ấn kiếm cho chính quyền Việt Minh hay không?


Tác phẩm ra mắt năm 1997 của sử gia Pháp Daniel Grandclément " Bao Daï: Les derniers jours de l'empire d'Annam " (Bảo Đại: Những ngày cuối cùng của Đế quốc An Nam ) cung cấp cho độc giả cách đánh giá khác với sách báo của Việt Nam về sự kiện này.


Tôi đọc hai tác phẩm mới ra mắt là " Nouvelle histoire de l'Indochine française (Perrin, 2022) và “ Nam Phuong: La dernière impératrice du Vietnam” (Nam Phương, Hoàng hậu Việt Nam cuối cùng-Perrin, 2019) của sử gia François Joyaux. Ông là giáo sư về nền văn minh Đông Á, giáo sư Học viện Quốc gia về ngôn ngữ và các nền văn minh Phương Đông, giảng dạy tại Đại học Paris I, tại Trường Hành chính Quốc gia và tại Viện Nghiên cứu Chính trị ở Paris và Grenoble.

Ba tác phẩm kể trên phân tích nhiều góc độ và chi tiết của vị Vua và Hoàng hậu cuối cùng với Việt Minh.

Họ nhắc lại chi tiết Hoàng hậu Nam Phương đưa cho ông Phạm Khắc Hòe chiếc mũ vua, gắn 9 viên ngọc, một chiếc cặp da, thấy chưa đủ còn đưa mắt cho ông Bảo Đại vào trong cầm thêm ra bộ cúc áo chẽn bằng hổ phách nạm vàng, một kiểu làm vừa lòng "ông chủ mới."

Thậm chí tờ báo Quyết chiến, cơ quan ngôn luận của Việt Minh ngày 31/08/1945 còn viết vua Bảo Đại tặng hai chiếc phi cơ riêng của ông cho chính quyền mới. Tính từ "phi cơ riêng" được in đậm.

Tôi trích dẫn ở đây lời của ông Trần Huy Liệu, người vào gặp Cựu hoàng:

"Hôm nay, viết bài hồi ký này, tôi nghĩ đến Vĩnh Thụy, nếu từ ngày hôm ấy, hắn giữ trọn lời hứa, trở lại làm một người công dân dưới chính quền DCCH , thì mặc dù nửa đời ô nhục, hắn vẫn có thể sống lành mạnh dưới ánh hào quangcuar chế độ ta.Nhưng vì bản chất giai cấp, thói quen nô lệ lâu đời của hắn, mặc dù chúng ta cố cứu vớt hắn, hắn vẫn cố quay về lối cũ, trở lại con đường nô lệ ngày trước…"

Trần Huy Liệu thuộc nhóm cán bộ cách mạng rất cuồng tín, từng gây sức ép với Chủ tịch Hồ Chí Minh khi  vào gặp và đem danh sách những người Bulgaria bị giết dưới chế độ độ tài Dimitrov (1882-1949) và nói : "Cụ xem này, đồng chí cộng sản Dimitrov đã chặt đầu 2000 tên phản cách mạng. Không có chính phủ cộng sản nào nhu nhược như chính phủ của cụ!"

Cần nhắc lại rằng, Thượng thư Phạm Quỳnh cũng Việt Minh bị thủ tiêu, mặc dù ông Bảo Đại có lời kêu xin. Ta không thể loại trừ khả năng Bảo Đại chỉ may mắn thoát chết.

Vua Bảo Đại


Nguồn hình ảnh, pham cao phong

Chụp lại hình ảnh, Vua Bảo Đại

Quá khứ tiếp tục đè nặng hiện tại qua chuyện ‘đòi ấn’?

Còn về pháp lý, đúng theo tinh thần và lời văn của Thế tổ nhà Nguyễn, Hoàng đế Nguyễn Ánh, thì việc chuyển giao quyền lực phải có mặt chiếc ấn "Đại Việt Quốc chúa Nguyễn trấn chi bảo". Chiếc ấn là biểu tượng gốc, hiểu đúng chữ là "Người Chúa bảo vệ vĩnh hằng Đại Việt", tên nước Việt nam, có tính kế thừa từ năm 1054.

Vua Hàm Nghi, chạy lên Tân Sở cũng chỉ mang theo một chiếc ấn ấy. Khi Pháp bắt được vua Hàm Nghi, trao lại "Đại Việt Quốc chúa Nguyễn trấn chi bảo" cho vua Đồng Khách, nhà vua đã nói: "Lúc này tôi mới cảm thấy tôi thật sự là vua, trước đó chỉ có một nửa."

Câu hỏi tôi muốn đặt ra là, trao lại "Hoàng Đế chi bảo" phải chăng chỉ là giải pháp cứu cánh, biểu hiện của việc chuyển giao không thực lòng từ vua Bảo Đại?

Dưới góc độ pháp lý, được phép đặt nghi vấn về sự tự nguyện, tự do ý chí của một bên trong trường hợp này theo Điều 3 BLDS VN.

"Chiếm hữu ngay tình là một căn cứ để xác lập quyền sở hữu đối với tài sản. Chiếm hữu ngay tình được hiểu là việc chiếm hữu công khai, liên tục, trong một thời hạn nhất định, không có tranh chấp và người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu."

Nguyên tắc cơ bản về quyền sở hữu và việc chiếm hữu ngay tình có từ thời La Mã: đó là ý chí và thời hiệu và thời hạn. Họ cho rằng: "Người nào im lặng không mặc nhiên được coi là đồng ý. Tuy nhiên, họ cũng không phủ nhận".

Do đó, trong trường hợp đặc biệt, im lặng có thể coi là một biểu hiện của đồng ý, ví dụ như đối với việc chiếm hữu ngay tình.

Theo quan niệm Luật La Mã: "một người chiếm hữu một tài sản trong một thời hạn nhất định và trong khoảng thời gian đó, họ thực hiện các quyền như một chủ sở hữu mà không có bất cứ một sự tranh chấp nào thì phải công nhận họ là chủ sở hữu đối với vật mà họ đã chiếm hữu ngay tình."

Điều này dựa trên lập luận rằng "trong thời hạn này, chủ sở hữu đích thực tài sản có đủ thời gian để tìm lại tài sản của mình nhưng họ không tìm và do đó, suy đoán họ đã từ bỏ quyền sở hữu."

Theo BLDS Việt Nam: "thời hiệu xác lập quyền sở hữu với động sản chiếm hữu ngay tình là 10 năm và bất động sản là 30 năm (Điều 236)."

Theo BLDS Pháp: "thời hiệu cần thiết để xác lập quyền sở hữu đối với bất động sản là ba mươi năm. đối với động sản là 3 năm. "

"về động sản, người chiếm hữu được coi là chủ sở hữu. Tuy nhiên, người nào đã đánh mất hoặc bị mất trộm một vật thì có quyền đòi lại vật từ người đang giữ trong thời hạn ba năm kể từ ngày đánh mất hoặc bị mất trộm; nhưng người giữ vật có thể kiện người đã chuyển nhượng vật cho mình. "

Một yếu tố cấu thành quan trọng là, Cựu hoàng sở hữu ấn ‘Hoàng đế chi bảo’ công khai, liên tục, không gặp sự tranh chấp hay khởi kiện từ phía Việt Nam (tính cả VNDCCH và VNCH trước 1975) trong một thời gian  ngót nghét 70 năm.

Nhìn từ góc độ luật pháp các nước châu Âu, ông sở hữu hợp thức các tài sản, báu vật của dòng họ mình. Ông mất năm 1997, di chúc tài sản để lại cho người vợ Pháp. Bà Monique Baudot cũng đã mất năm 2021. Theo luật kế thừa của Pháp, gia đình người vợ nhận được gia sản kể trên. Bà Monique kín tiếng, không liên lạc người thân. Tình cờ, bà Renée, người dì ruột năm nay 83 tuổi, biết tin cháu, khi cáo phó bà Monique được đưa lên báo l’Est Républicain.

“Cha của Monique là nhân viên công chứng ở Pont-à-Mousson. Ông có hai cô con gái, Monique và Solange. Gia đình rời vùng này để đến Cher. Chúng tôi chưa bao giờ đến đó vì chúng tôi không có xe hơi, nhưng thỉnh thoảng họ lại quay lại đây để nghỉ vài ngày. Tôi thậm chí cũng không biết cháu tôi giàu có và có làm đám cưới. Tôi chỉ biết là cháu sống đâu đó ở vùng Paris.”

Cựu hoàng Bảo Đại được nhà nước Pháp trợ cấp lương hưu khá hậu hĩnh, lên đến khoảng 7000 euro một tháng, không phải như tin đồn là ông sống vất vưởng.

Tôi đã tận mắt đọc bản chuyển nhượng lương hưu sau khi chết của Cựu hoàng cho bà Monique, dưới có chữ ký của Bộ trưởng Tài chính khi đó là ông Dominique Strauss-Kahn.

Toàn bộ câu chuyện cho thấy là nước Việt Nam ngày nay, đi lên từ các cuộc cách mạng, đã thiếu rất nhiều văn kiện, và hoạt động pháp lý về quá khứ của chính mình. Vụ ấn, bát vàng Nhà Nguyễn chỉ được chính phủ VN vào cuộc khi dư luận nêu ra...tháng này.

Thực sự, nếu Việt Nam quan tâm đến báu vật kim ấn, biết tin Cựu hoàng mất, ngay cả sau khi bà Monique mất mà liên hệ mua trực tiếp ấn Hoàng Đế chi bảo với gia đình bà, thì theo chủ quan của tôi, đại diện Việt Nam hoàn toàn có lợi thế, cả về giá cả, và sự trân trọng.

Nhưng đến nay, không chỉ ấn Hoàng đế chi bảo và còn nhiều báu vật khác từ các triều đại Việt Nam trong quá khứ vẫn đang nằm ở nước ngoài, trong các bộ sưu tập tư nhân, bảo tàng. Tôi chưa thấy có một chính sách gì căn cơ cho việc “hồi hương” những báu vật lịch sử vô giá đó. Có lẽ nó chưa thể có chừng nào người ta vẫn tư duy khá tùy tiện với quá khứ của cha ông, khi cần thì đòi, nhưng hỏi về trách nhiệm thì né tránh.

Bài thể hiện quan điểm riêng của nhà báo tự do Phạm Cao Phong, hiện sống tại Paris.

Chia sẻ Facebook